Đời sống) – Với các bị cáo đưa lý do bị tâm thần để giảm án, thoát án, theo bác sĩ Cương, không loại trừ khả năng có tiêu cực trong đó, và có thể giả tâm thần.
[links()]
Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I trao đổi về việc các bị cáo, bị can trình ra trước tòa bệnh án “bệnh nhân tâm thần” với hy vọng giảm án, thậm chí thoát án.
PV - Thưa bác sĩ, thời gian qua có một số trường hợp bị cáo, bị can sau khi gây án ra tòa đã lấy lý do bị tâm thần, hoặc có tiền sử bệnh tâm thần để xin giảm án, thậm chí thoát án. Để có được giấy xác nhận là mắc bệnh tâm thần thì cần phải làm những bước gì?
Bác sĩ La Đức Cương: Có hai trường hợp, thứ nhất, với những bệnh nhân có quá trình bệnh lý rõ ràng, dù có nằm viện hay chưa, như chậm phát triển tâm thần, một số di tật liên quan tới trí tuệ, động kinh… những người này tới khám thì có thể có chẩn đoán ngay.
Thứ hai, những trường hợp có thể chưa rõ ràng, triệu chứng có nhưng còn nghi ngờ giả vờ, thì có thể cho nằm viện, trong quá trình điều trị có thể theo dõi để đi tới kết luận tâm thần hay không. Thời gian theo dõi tùy trường hợp cụ thể, nhưng thường tối thiểu là 1 tháng, có trường hợp phải 4-5 tháng.
Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. |
Tuy nhiên, kết luận này chỉ có tác dụng trong điều trị, còn không có nhiều giá trị pháp lý, không phải là cơ sở để kết luận đủ hay không đủ năng lực hành vi dân sự.
Để có giá trị khi ra pháp luật phải có giám định của hội đồng pháp y tâm thần, có thể do cá nhân, gia đình hoặc các cơ quan liên quan tố tụng hình sự yêu cầu.
PV - Trong nhiều vụ án hình sự, các bị cáo phạm trọng tội thường được luật sư cho rằng họ “mắc bệnh tâm thần” rồi đưa ra trước tòa giấy xác nhận của bác sĩ chuyên khoa để được nhẹ tội, thậm chí miễn tội. Là bác sĩ chuyên khoa tâm thần học, bác sĩ nhận xét gì về điều này?
Bác sĩ La Đức Cương: Thường giám định phải qua hội đồng, tối thiểu phải 3 người, thông thường là 6 người. Cũng có thể có bác sĩ đưa ra chẩn đoán, đơn thuốc nọ kia, nhưng những chẩn đoán đó không có tính pháp lý cao.
Còn tùy trường hợp cụ thể, đương nhiên có trường hợp có bệnh thật, nhưng cũng không loại trừ có trường hợp là bệnh giả.
PV - Nhưng, nếu trước khi phạm tội các bị cáo không có tiền sử bệnh tâm thần, khi phạm tội vẫn là người bình thường, chỉ khi bị bắt và đưa ra tòa mới nói là “bệnh nhân tâm thần”, trong y khoa, điều này có nghĩa là gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ La Đức Cương: Trong chuyên ngành giám định, phải giám định tình trạng bệnh trước, trong và sau thời gian phạm tội. Tình trạng bệnh mỗi thời điểm một khác. Cũng có thể có bệnh, nhưng trong thời gian phạm tội tình trạng bệnh có thuyên giảm tốt. Còn đủ năng lực hành vi hay không do cơ quan pháp luật quyết, còn cơ quan giám định pháp ý không quyết. Cơ quan pháp y chỉ kết luận bị bệnh hay không, tình trạng bệnh trước, trong và sau khi xảy ra vụ án thế nào.
PV - Liệu có thể xảy ra tình trạng khi xảy ra vụ án và trước khi bị bắt không có bệnh, nhưng khi bị bắt lại phát bệnh?
Bác sĩ La Đức Cương: Cũng có thể có. Thứ nhất, trước đã từng bị bệnh nhưng không điều trị, vì giấu bệnh; hoặc bị bệnh nhưng không biết. Nhưng sau khi xảy ra vụ án, phạm tội bệnh nhân cơ hội đó để phát nặng hơn.
Thứ hai, không loại trừ khả năng có tiêu cực trong đó. Trong xã hội thì vẫn có người lợi dụng khe hở nọ kia…
PV - Nhiều luật sư bào chữa cũng đã thừa nhận, căn cứ vào các điều giảm nhẹ, khoan hồng hoặc miễn tội cho các bị cáo là bệnh nhân tâm thần, nên đã tư vấn cho thân chủ kiếm cho được giấy xác nhận bị cáo mắc bệnh tâm thần. Là bác sĩ chuyên khoa tâm thần học, ông nhận xét gì về điều này?
Bác sĩ La Đức Cương: Tôi không loại trừ việc lợi dụng quy định để chạy án, nhưng phải tùy trường hợp cụ thể mới nói được. Nhưng những trường hợp như vậy phải có kết quả giám định của Hội đồng pháp y tâm thần mới có giá trị, còn những giấy tờ từng điều trị tâm thần bệnh viện này kia thì giá trị pháp lý không cao.
PV - Có một số vụ việc cụ thể, như mấy trùm giang hồ Hải Phòng thời gian qua, vì xác định có bệnh tâm thần nên được tha, nhưng sau đó tiếp tục gây án, thậm chí lặp lại các vụ án tương tự như trước, ông nghĩ sao về điều này?
Bác sĩ La Đức Cương: Cũng có thể họ có bệnh thật, vì kể cả người bệnh hay bình thường thì đều có thể gây án. Không phải bệnh tâm thần nào cũng mất khả năng lao động, có thể là rối loạn về tư duy, rối loạn suy nghĩ, rối loạn hành vi…
Như trường hợp đối tượng Dư Kim Dũng (Dũng “tình”), ở Hải Phòng dù bị bệnh vẫn đi buôn ma túy, sau đó chúng tôi có giám định và có kết luận là có bệnh, nhưng bệnh nhẹ, ở mức độ vẫn phải chịu trách nhiệm hành vi, và vẫn bị tử hình hồi năm 2010.
Hay như vụ gây rối và cướp tài sản ở dự án xây dựng cáp treo chùa Hương hồi năm 2007, đối tượng Ngô Ngọc Lâm (SN 1960, trú tại phường Hàng Gai, quận Hoàng Kiếm, Hà Nội) sau khi gây án bị tạm giam đã giả tâm thần, sao đó chúng tôi mất một thời gian theo dõi, kiểm tra thì đi tới kết luận Lâm hoàn toàn bình thường, không có bệnh.
Hiện nay chúng tôi cũng đang đề nghị có quy định cụ thể hơn về bệnh tân thầm, với các tiêu chí để kết luận có bị bệnh không, mức độ thể nào.
Trong tâm thần không có gì chỉ điểm cụ thể để áp chung cho tất cả mọi người, hơn nữa trong từng giai đoạn bệnh lý cũng khác nhau, nên người ta có thể chẩn đoán trong các giai đoạn thể bệnh khác nhau. Nên cũng khó khẳng định được điều gì.
PV - Thế có nghĩa, tùy trường hợp, thời gian thì khả năng mọi người đều bị bệnh tâm thần, không có ai là không từng một lần bị tâm thần vào một thời gian nào đó?
Bác sĩ La Đức Cương: Ở Việt Nam, trước đây chúng tôi cũng đã từng thử làm một nghiên cứu về bệnh tâm thần, với 10 nhóm bệnh tâm thần khác nhau. Kết quả cho thấy có 14,9% dân số mắc một trong các loại bệnh tâm thần. Còn tại Mỹ, người ta điều tra có hơn một nửa (trên 59%) dân số có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Theo quy định của thế giới, thì có 10 nhóm bệnh tâm thần, với hơn 300 mã bệnh khác nhau.
PV - Giả sử có người tìm đến ông để xin giấy xác nhận tâm thần thì ông làm thế nào?
Bác sĩ La Đức Cương: Ở chỗ chúng tôi để đưa ra kết luận thì phải thông qua hội đồng, tối thiểu là 3 người, ngoài ra còn mời thêm các bác sĩ ở những phòng khác tới dự, không phải mình tôi quyết được.
PV - Xin cảm ơn bác sĩ!
- Lê Việt (thực hiện)