(Đời sống) – Với việc hợp tác của ba “ông lớn”, khi EVN muốn tăng giá điện chỉ cần “nháy mắt” cho PVN tăng giá dầu, khí, Vinacomin tăng giá than bán cho điện, điều này giờ đã chính thức xảy ra.
Ba "ông lớn" hợp tác chiến lược, EVN tăng giá điện vì than, dầu, khí tăng giá trước. Ảnh: SGTT. |
Báo chí dẫn tin từ Bộ Công Thương cho hay, kể từ 1/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ điều chỉnh giá bán lẻ điện tăng 5% - thêm 71,85 đ/kWh, giá bán điện bình quân mới sẽ là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), mức cũ là 1.437 đ/kWh.
Theo EVN, mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi.
Giải thích lý do tăng giá điện, EVN cho hay, việc điều chỉnh này nhằm bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí, đặc biệt là giá than từ ngày 20/4 tăng từ 37 - 41% tùy từng loại; giá dầu nguyên liệu của nhiệt điện cũng tăng khoảng 30% kể từ đầu năm.
Lần tăng giá điện gần đây nhất là vào ngày 22/12/2012, giá điện cũng đã tăng 5%, tức tăng 68đ/kwh, nâng mức giá bán điện bình quân từ 1.369đ/kwh lên 1.437đ/kwh. Theo thông báo của EVN, năm 2012, tập đoàn này đã lãi khoảng trên 5.000 tỷ đồng.
Mới trước đấy hai ngày (30/7), tại tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Sẽ điều chỉnh giá điện nhưng phải có lộ trình”.
Cũng không rõ ông Đam khi trả lời báo chí như vậy đã biết được lộ trình tăng giá điện hay chưa, để tới mức ông vừa nói cần có lộ trình thì lập tức giá tăng. Thậm chí, mới tháng trước lãnh đạo cơ quan quản lý còn khẳng định chưa có kế hoạch tăng giá điện, dù rằng việc EVN liên tục nói rằng thủy điện giảm nước nên phải tăng chạy nhiệt điện chạy than, khí, dầu, mà những nhiên liệu này tăng giá chóng mặt, để ngầm truyền thông điệp là giá điện sẽ được điều chỉnh tăng theo, vấn đề chỉ là thời gian.
Và thời gian được lựa chọn là đúng thời điểm nhiều tỉnh thành trên cả nước đang xảy ra mưa lũ, nước ngập khắp nơi, với lượng nước bổ sung lớn như vậy, sẽ chẳng có chuyện EVN dùng nhiệt điện thay cho thủy điện giá rẻ. Khi mà mùa mưa năm ngoái từng có nhà máy thủy điện phải lên tiếng với báo chí là muốn được cho không EVN điện để được chạy máy chống rỉ sét, và từ giờ, mùa mưa cũng đã bắt đầu.
Còn nhớ, hồi đầu năm, 3 Tập đoàn lớn của nhà nước là EVN, PVN (Tập đoàn dầu khí) và Vinacomin (Tập đoàn than – khoáng sản) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, khi đấy chúng tôi đã có những bài viết phân tích, cảnh báo việc hợp tác này có thể tạo ra một “siêu độc quyền” mới. Khi EVN muốn tăng giá điện chỉ cần “nháy mắt” cho PVN tăng giá dầu, khí, Vinacomin tăng giá than bán cho điện, vậy là đủ điều kiện để EVN tăng giá bán điện. Và giờ cảnh báo đó đã được chứng thực, khi lý do tăng giá điện là vì than, khí, dầu tăng giá. Trong khi cả than, dầu, khí đều là tài nguyên sẵn có trong lòng đất, PVN, Vinacomin chỉ cần đào/hút lên và bán.
Thậm chí than còn tăng cường khai thác và xuất khẩu (kể cả việc xuất lậu, mà theo số liệu của TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL các dự án than đồng bằng sông Hồng cung cấp là 6 tháng đầu năm 2013 đã có hơn 2 triệu tấn than xuất lậu sang Trung Quốc, nguồn than xuất lậu cũng chủ yếu là được “rút ruột” từ các công ty khai thác thuộc Vinacomin) để một vài năm tới sẽ nhập khẩu loại than tương tự về cho các nhà máy nhiệt điện hoạt động. Mà trước đây kế hoạch là bắt đầu nhập than từ năm 2012, nhưng may mắn là gặp đúng lúc kinh tế khủng hoảng, nhu cầu sử dụng điện giảm so với kỳ vọng, nên tới giờ vẫn chưa phải nhập than cho điện.
- Phạm Thanh