Ông Lý Văn Trâm và bà Trịnh Thị Lan, ngụ quận 8, TPHCM lấy nhau ở dưới quê, rồi dắt díu lên Sài Gòn, sống với nhau 14 năm trời, không có con chung, chỉ có con trai riêng của bà đã 16 tuổi. Nhà ông bà chẳng mấy khi vắng tiếng cãi cọ, mà đa phần là từ bà vợ.
Vợ ông được mệnh danh “sư tử” nổi tiếng cả khu. Bà làm nghề bán thịt, hễ giận gì ai, bà vung dao phay chặt cái “phụp” xuống phản thịt làm đối phương xanh mặt. Tương tự, với chồng bà cũng có thái độ ức hiếp, dồn ép. Khi bà nóng giận, gây sự, ông chẳng được cất tiếng nói của mình, nói tiếng trước, tiếng sau là bà nổi cơn điên đá tung đồ đạc, đánh đấm ông túi bụi. Trong nhà, chỉ duy nhất có thằng con trai riêng của bà là bà cưng chiều, không mấy khi la mắng.
Đã hung dữ, bà còn mắc bệnh ghen tuông đáng sợ. Có lần, chỉ vì ông dừng lâu để nói chuyện với chị bán đồng nát, vậy mà bà ra xô đổ gánh đồng nát, còn cấu véo ông một trận thâm tím mặt mũi. Hàng xóm ai cũng ái ngại thay cho ông Trâm, một ông chồng củ mỉ, hiền lành nhưng phải sống và chịu đựng một bà vợ quái ác như vậy.
Mấy lần, bà bức ép ông khiến ông vừa khổ sở, vừa mất mặt, ông đã đòi chia tay bà, vì hai người không có hôn thú, nhưng hậu quả còn kinh khủng hơn: Bà nổi trận lôi đình, phá tan nhà nát cửa.
Năm 2002, ông bỏ nghề chạy xe ôm, xin bà cho theo người bạn đi buôn trái cây bên kia biên giới. Ban đầu, bà nhất quyết không chịu, nhưng rồi ông nằn nì quá, và bà cũng được hứa hẹn nhiều về số lợi sẽ được hưởng từ những chuyến đi buôn xa, nên cuối cùng chấp nhận cho chồng đi buôn.
Trong năm, ông đi 6 chuyến, mỗi chuyến cả tháng trời, bù lại mang về cho bà tiền lãi tổng cộng hơn 50 triệu đồng, bà hài lòng ra mặt. Đến chuyến đi thứ bảy, thì một tháng, hai ba tháng, rồi nửa năm trôi qua, ông biền biệt không thấy trở về. Bà tìm mọi cách liên lạc với người bạn của ông sống ở tỉnh gần biên giới, người đã rủ ông đi buôn, cũng không thể kết nối được.
Dường như ông chồng bà đã bốc hơi khỏi quả đất. Sau đó, có nhiều tin đồn rằng ông đã bị chết bờ chết bụi do tai nạn, do bạn hàng cạnh tranh hãm hại nhau. Thuê người dò la thông tin chồng một thời gian dài cũng không được, bà đành chịu thua, một mình nuôi con.
Vài năm sau, người ta thấy bà cặp kè với một người đàn ông làm nghề cho vay nặng lãi, nhưng rồi cũng kiểu “mèo mả gà đồng”, chẳng đi đến đâu. Năm 2011, bà bị tai nạn giao thông mất.
Sau đám tang của bà, cậu con trai và người trong xóm ngã ngửa khi thấy ông Trâm lù lù trở về, thắp nhang lên bàn thờ và tìm ra mộ vợ. Xong rồi, ông lại đi ngay để tránh xóm giềng dòm ngó, chỉ để lại mảnh giấy số điện thoại liên lạc. Sau đó, cậu con trai riêng của vợ ông liên lạc, rồi theo địa chỉ để đến thăm ông, mới được kể hết sự tình:
Do sợ hãi và mệt mỏi quá sức với người vợ hung hăng, ông Trâm đã nhiều lần nung nấu cách bỏ trốn để thoát khỏi bà vợ. Biết rằng đường đường chính chính mà bỏ đi, thì dù đi đến đâu bà cũng tìm cách mà lôi về, nên ông tính chuyện vờ như mất tích.
Vừa may, có người bạn cũ lâu ngày không gặp nay sống ở Thái Lan, về rủ đi buôn chuyến, ông đồng ý ngay, vừa có tiền, vừa thoát khỏi vợ. Sau nhiều chuyến đi buôn, có ít tiền đưa vợ coi như là “bồi thường”, ông “đào thoát” luôn, không trở về nữa.
Thực chất, cả chục năm nay ông sống ở ngay trong thành phố, tại một huyện ngoại thành Sài Gòn, làm đầu mối tiêu thụ trái cây nhập khẩu của ông bạn. Nơi ông ở cách nhà vợ cũ hơn 60 km, nhưng ông biết bà chỉ quanh quẩn buôn bán trong khu vực, không đi đâu xa, và bà cũng không ngờ ông dám ở Sài Gòn, nên ông vẫn yên tâm sinh sống.
Sau đó, ông đã lấy vợ, một người vợ làm nghề thợ may , rất hiền lành, tốt tính, trái ngược hẳn với bà vợ kinh khủng của ông ngày trước. Ở với vợ mới, có đăng kí kết hôn đàng hoàng, ông mới biết thế nào là hạnh phúc gia đình. Ở tuổi 45, ông có đứa con đầu lòng, có một cơ ngơi tầm tầm, đủ sống và thấy rất hài lòng.
Sau đó, nghe tin vợ cũ mất, ông thu xếp đến thắp cho bà nén nhang, và cũng là để giải tỏa mặc cảm trốn tránh, lừa dối của mình với bà con xóm giềng cũ, những người đã yêu quý và chia sẻ với ông những ngày khó khăn, đồng thời, cũng muốn xin lỗi đứa con trai riêng của vợ vì sự trốn chạy của ông ngày xưa.
Những người hàng xóm và con trai vợ, không ai trách ông, vì họ hiểu được cảnh “địa ngục” mà ngày xưa ông sống.