V và tôi đã kết hôn với nhau được 10 năm, khoảng cách tuổi tác giữa chúng tôi không quá lớn nhưng cũng đủ để tôi có cảm giác được “tựa” vào vai chồng. Tôi nhất nhất nghe lời anh, và rất ít khi phản kháng. Không phải tôi là người phụ nữ “an phận” mà tôi nghĩ lắng nghe, thấu hiểu cũng là cách để dung hòa mối quan hệ vợ chồng. Và sự nhẫn nại sẽ giúp tôi nhìn nhận sự việc một cách tích cực hơn.
Nhưng V không hiểu điều đó, anh luôn cho rằng mình phải là người quyết định mọi thứ trong gia đình. Vì thế, rất ít khi anh hỏi tôi: “Em thấy thế nào? Như vậy có được không?”… Dần dần tôi trở thành một cái máy, chỉ biết làm theo những quyết định đơn phương của V. Sợi dây tình cảm vợ chồng cũng dần mong manh mà tôi và V đều nhận thấy. Có lần anh hỏi tôi: “Anh đã làm gì có lỗi với em chưa? Anh sai ở điểm nào? Anh không bồ bịch, anh không đem tiền đi cho gái, anh không…”.
Tôi im lặng nhìn V, im lặng rất lâu, đủ để cả tôi và V đều cảm thấy ngột ngạt. “Hôn nhân không chỉ có sex anh ạ! Hôn nhân là sự chia sẻ, là sự đồng điệu của tâm hồn. Giá như anh đừng gia trưởng! Bởi phụ nữ 8X, tư tưởng độc lập rất lớn mà. Vì thế, giá như anh biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết coi em là một nửa còn lại của mình…”.
V sững người nhìn tôi, im lặng rất lâu. Một thời gian dài sau đó, tôi và V dường như không nói chuyện gì với nhau. Thậm chí, cả bữa ăn cũng diễn ra thật đơn điệu. Tôi chọn cách lảng tránh, thay vì kể cho anh nghe những câu chuyện thú vị bằng giọng hài hước hàng ngày của mình. Tôi cũng bớt vui tính hơn, để dành chỗ cho những khoảng lặng cần thiết của hôn nhân. V cũng thế, anh vốn dĩ đã ít nói, lại càng ít nói hơn. Và thời gian đó, cả tôi và V đều thực sự thấy ngột ngạt.
Một hôm, tôi vừa từ cơ quan về, thấy tầng 1 điện sáng, tầng 2 điện sáng, phòng bếp sáng trưng. Tôi ngạc nhiên hỏi chị giúp việc: “Hôm nay nhà có khách phải không?”. Chị giúp việc mỉm cười không nói gì. Tôi lặng lẽ lên bếp, thấy V đang nấu ăn và đó là những món ăn tôi thích. Đã lâu rồi, căn bếp này vắng bóng V, bởi anh luôn cho rằng đó là trách nhiệm của tôi và chị giúp việc. Thậm chí, chăm sóc con cái cũng là của tôi. Anh nghĩ rằng đàn ông mà phải làm những việc ấy thật “chẳng ra làm sao?”.
Tôi không vì thấy V bỗng dưng làm cái việc nhẹ “tày đình” ấy mà vội vã lao vào ôm chầm lấy anh. Tôi đứng lặng một lúc, không nói gì rồi đi về phòng mình. Để V muốn làm gì thì làm. Có lẽ, thời gian nhẫn nại của tôi đã đủ dài, để không tin vào phép màu trong tích tắc. Điều tôi cần là V phải lấy lại được niềm tin trong tôi, như cái cách anh đã thuyết phục tôi ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn năm nào.
Buổi sáng, V nói muốn ăn sáng cùng tôi và uống cà phê. Niềm hạnh phúc đơn giản ấy, mà mãi chúng tôi mới có được với nhau, chỉ vì tôi cứ phải tất bật con cái một mình. V bảo: “Anh bị ảnh hưởng từ gia đình quá lớn, mẹ anh lo hết mọi việc nội trợ trong nhà, và gia đình anh luôn coi phụ nữ là người phải làm những công việc như vậy. Còn việc lớn trong nhà, đàn ông quyết định là được rồi”.
Tôi vẫn im lặng để V giãi bày những suy nghĩ của mình. V thủ thỉ: “Hôm trước anh đến nhà bạn chơi, vợ bạn về muộn, đợi được cậu ấy đi uống bia, cũng mệt. Bởi cậu ấy còn lau dọn nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, cho con ăn vì vợ nó làm ca. Đợi mãi bà ngoại mới sang bế cháu giùm. Anh xin lỗi. Anh cứ nghĩ để cho em một người giúp việc là em đã thoải mái xoay xở mọi thứ”.
Tôi bảo V: “Mọi thứ sẽ chưa muộn, nếu anh kịp nhận ra rằng, mái ấm gia đình không thể được “ấm lên” nhờ người giúp việc. Và phụ nữ cũng cần được sẻ chia anh ạ. Chỉ khác là, họ có dám nói thẳng ra điều đó không thôi”.
Tôi như trút được gánh nặng, bởi điều tôi thấy khó nói nhất, cũng có thể nói ra. Và căn bệnh khó chữa nhất của chồng tôi, đã thuyên giảm đáng kể. Tôi mong rằng, những ông chồng nào có tư tưởng này quá nặng, cũng nên xem lại mình. Bởi đức tính đó, chính là “thuốc diệt cỏ” tàn sát sự nồng ấm cuối cùng còn sót lại trên cánh đồng đang thênh thang niềm hạnh phúc của ngày mùa.