Một đạo sĩ khác của Bửu Sơn Kỳ Hương là ông Phạm Thái Chung mà người đời thường gọi là ông Đạo Lập được dân gian truyền tụng có nhiều phép lạ. Những lúc ngao du bốn biển, muốn sang sông rộng, biển sâu ông chỉ cần dùng chiếc nón lá rộng vành đang đội trên đầu đặt xuống nước làm thuyền. Ông còn đoán biết trước chuyện chẳng lành xảy đến mà tránh, thậm chí đi mây về gió để kịp thời cứu khổ cứu nạn cho người khác.
[links()]
Tàng hình, hóa rắn
Ông Phạm Thái Chung người ở làng Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ông cũng là một đạo sĩ thuộc Bửu Sơn Kỳ Hương phái và được người đời tôn gọi là ông Đạo Lập. Ông còn là người lập nên chùa Bồng Lai hay còn gọi là chùa Bà Bài cặp bên bờ kênh Vĩnh Tế, thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngoài tên mà người dân vẫn gọi là Đạo Lập, ông còn có biệt hiệu khác là Đức tiên sinh.
Mặc dù nhắc tới ông Đạo Lập thì ai cũng biết nhưng người ta không nhớ rõ ông tham gia vào đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vào lúc nào. Và trong số “thập nhị hiền thủ” – 12 đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên thì ông là đệ tử thứ mấy.
Chùa Bồng Lai ở ấp Bà Bài, xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên, An Giang do ông Đạo Lập dựng lên. |
Nhưng có thể nói rằng ông Đạo Lập là một trong những người có đạo pháp cao siêu trong số các đệ tử Đức Phật Thầy. Noi theo tấm gương của Đức Phật Thầy, ông Phạm Thái Chung quyết chí tu hành đắc đạo và đi khắp nơi vân du hóa độ, giải cứu nguy nan cho dân chúng khắp Nam Kỳ.
Cũng như các sư huynh đệ đồng môn khác, từ khi tham gia vào Bửu Sơn Kỳ Hương phái, các tín đồ của môn phái này không chỉ được truyền dạy lòng vị tha, yêu thương, cứu độ con người mà còn phải nhớ ân sâu nghĩa nặng với đất nước.
Chính vì thế mà hấu hết tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương lúc bấy giờ đều có tham gia Cách mạng hay các cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm. Còn các cao thủ mình đầy võ nghệ, đạo pháp cao thâm như 12 đệ tử của Đức Phật Thầy thì luôn có đóng góp tích cực cho các cuộc khởi nghĩa. Ông Phạm Thái Chung hay ông Đạo Lập cũng không ngoại lệ.
Tương truyền buổi đầu thời Pháp thuộc, không biết ông Đạo Lập góp tay cho nghĩa quân thế nào mà thực dân Pháp cứ lùng bắt ông khắp nơi. Một lần ông đến Hà Tiên thăm nhà người quen, đúng khi bọn thực dân dò ra tung tích nên xua lính đến tận nhà người này vây bắt cho bằng được ông Đạo Lập.
Bàn thờ ông Đạo Lập tại chùa Bồng Lai. |
Chợt nghe có tiếng động, ông liền đứng lên xô cửa nhà ngoài, nơi làm kho chứa hàng hóa rồi bước vào bên trong. Ông bảo chủ nhà khóa chặt cửa lại. Tình thế cấp bách, không còn cách nào khác, gia chủ đành làm theo lời ông để tránh bọn lính mã tà.
Khi cửa vừa đóng xong, chủ nhà vừa trở lên nhà trên đã thấy đám người Pháp đang lục soát, truy tìm ông Đạo Lập xông vào tới nơi. Sau khi lùng sục khắp nơi trên nhà lớn vẫn không thấy kẻ khả nghi. Bọn người định ra về thì một tên lính báo cáo phía sau nhà còn có một nhà kho.
Nghi là ông Đạo Lập đang lẩn trốn trong đó, chúng bắt chủ nhà mở cửa nhà kho để kiểm tra. Lúc ấy tâm trạng chủ nhà như chết đứng, cứ ngỡ mở cửa ra bọn Pháp tóm ông Đạo Lập là cái chắc.
Ai dè, cửa mở, chẳng thấy gì trong đó, ông Đạo Lập đã “biến” đi tự bao giờ, mặc dù bốn vách nhà kho vẫn còn nguyên vẹn, cửa vẫn khóa chặt bên ngoài. Về sau người ta mới biết ông Đạo Lập có được phép tàng hình ẩn thân nên đã tránh được họa sát thân.
Dân gian truyền khẩu khi đảng Cần Vương còn hoạt động, ở vùng Châu Đốc có một người tên Thái được đảng tín nhiệm. Ông Thái được giao giữ tờ mật chiếu, nếu để bại lộ thì rất nguy. Trọng trách nặng nề nên ông Thái ăn ngủ không yên, cứ lo nghĩ xem nơi nào cất giấu an toàn.
Nghĩ mãi, chỉ thấy bèn giấu tại miếu thờ Thần Nông là nơi hoang vắng, ít người lui tới, mà lại là nơi linh thiêng nên chắc không ai dám lục tìm. Nghĩ vậy, ông Thái thận trọng, nhét mật chiếu vào trong tờ giấy đề chữ “Thần” lớn, đặt ngay bàn chánh trong miếu.
Cửa biển Hà Tiên – tương truyền là nơi ông Đạo Lập đã cứu thuyền gặp nạn an toàn. |
Chuyện này ngoài ông ra chỉ có trời đất và “Thần Nông” biết nên ông yên tâm ra về. Ít lâu sau ông đến kiểm tra thì phát hiện tờ mật chiếu đã bị mất. Bàn thờ là chỗ tôn nghiêm nên tờ giấy này xưa nay không ai dám động đến.
Mất mật chiếu, ông Thái hết sức lo sợ cơ mưu bị bại lộ. Tình cờ, một hôm trong lúc âu sầu và lo lắng triền miên, ông Thái gặp ông Đạo Lập.
Biết ông Thái đang rầu trong bụng vì chuyện mất mật chiếu nên ông Đạo Lập tiết lộ rằng chính ông đã hóa thành rắn theo dõi và đốt tờ mật chiếu để bảo vệ mưu đồ đại nghĩa. Từ đó người đời đồn đại và tin tưởng là ông Đạo Lập biết tàng hình và hóa thân thành rắn.
Đến giai thoại dự báo thiên cơ và sang sông bằng nón lá
Theo lời của nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, bà từng nghe kể lại ngày xưa ông cố của bà vốn là nhà hàng hải, thường chở hàng hóa sang Xiêm (Thái Lan) buôn bán.
Hồi ấy, ông cố vừa đóng xong chiếc thuyền buôn đặt tên là Minh Thuận và định cho xuất cảng với hàng hóa là hồ tiêu, hải sâm, đồi mồi… thì đúng lúc ông Đạo Lập ghé nhà chơi. Sau lễ cúng kiếng, ông cố của bà hỏi xin ông Đạo Lập một phép bình an, may mắn cho chuyến khai trương đặc biệt này.
Ông Đạo Lập đưa cho ông cố bà ba lá bùa và nói chuyến đi rồi cũng may mắn, phát tài, duy chỉ có vướng chút lo sợ nhưng cuối cùng sẽ bình an vô sự. Với ba chiếc bùa, khi ra khỏi cửa Hà Tiên thì đốt đi một lá. Lá thứ nhì chờ lúc có một con cá to định làm hại thì đốt. Còn lá thứ ba để dành đốt khi vào cửa sông Bắc Nam.
Theo giai thoạt lưu truyền, khi ấy thuyền dong buồm với 10 người, chiếc bùa thứ nhất được đốt vừa lúc ra khỏi Hà Tiên. Thuyền ra giữa biển, thình lình ở trước mũi thuyền sóng bắn lên cao. Một con cá to nhảy bổng lên khỏi mặt nước, bằng một tầm người đứng. Vị thuyền trưởng nhớ lời dặn của ông Đạo Lập đem đốt lá bùa thứ hai.
Thuyền lập tức bình yên, tiếp tục vượt biển. Lênh đênh trên đại dương, một buổi chiều nọ, trước mũi thuyền bỗng vụt hiện lên vật gì to như hòn đảo. Cả thuyền ai nấy đều kinh ngạc, tưởng chừng tàu bị lạc vào đảo hoang. Nhưng nhìn kỹ thì thấy nó cử động và khi đến gần mới nhận ra một con kình ngư khổng lồ, đang đùng đùng lướt sóng chặn đầu thuyền.
Biết rõ đó là con vật ăn thịt người, trên tàu ai nấy kinh hoảng. Vị thuyền trưởng bấy giờ mới sực nhớ lá bùa thứ nhì đã đốt, chắc chắn nó phải được đốt vào lúc này mới đúng. Cùng đường, thuyền trưởng đành đem đốt lá bùa thứ ba nhưng hoàn toàn vô hiệu.
Kình ngư lướt tới càng nhanh, cái vẫy đuôi nhẹ của nó cũng đủ làm thuyền lật úp. Lúc ấy mọi người đều trông rõ từng khía cạnh của cánh vi cá khổng lồ. Thuyền trưởng ra lệnh cho thuyền đảo chệch một bên để tránh vật dữ.
Tuy nhiên, sóng bủa trùng trùng tràn ngập cả sàn thuyền. Cánh vi cá và cánh buồm thuyền đã cao ngang nhau và chỉ cách chưa đầy chục thước. Nháy chớp, lưng cá đã cọ vào sườn thuyền khiến thuyền chao nghiêng dữ dội.
Phút nguy ngập ập đến nhưng không hiểu sao con kình ngư bỗng dừng lại. Đợi khi thuyền vừa vượt khỏi, nó mới quẫy đuôi một cái khiến thuyền phải quay tròn mấy vòng… nhưng cuối cùng cũng thoát trong gang tấc.
Từ hôm ấy cho đến khi trở về, thuyền được bình yên, không còn gặp trở ngại. Khi về tới Mũi Nai (tỉnh Kiên Giang), vị thuyền trưởng vừa lên bờ đã thấy ông Đạo Lập đứng sẵn ở dưới đám dừa bên mé biển, cười nói:
“Đoán biết bữa nay cậu về nên ghé lại đón mừng. Chà! Chiều hôm ở ngoài Thổ Châu, cậu đã sợ xanh mặt, khi đó tôi ngồi trên chóp cột buồm chớ đâu. Nếu tôi không giữ cho thuyền vững lại và đuổi quái ngư đi, nó sẽ cắm đến và đội lật thuyền, các người đều đã vào bụng nó rồi. Các người chẳng thấy từ xa nó hướng thẳng về mũi thuyền đó sao!”.
Thuyền trưởng bỗng thất sắc, nhớ lại từng phút lâm nguy ngoài biển. Ông Đạo Lập còn nói: “Chỉ tội nghiệp cho con cá bé, bỗng dưng chết oan ức vì lá bùa thứ hai, đáng lẽ phải để mà diệt con quái ngư ấy”. Nghe ông Đạo Lập nói, ai nấy đều kinh hồn.
Tương truyền ông Đạo Lập còn có nhiều phép thần thông mà rất ít người tu hành, tu luyện dù lâu năm vẫn không đạt được. Ngoài phép tàng hình, đoán biết trước chuyện tương lai sắp xảy ra, ông Đạo Lập còn có thể phi thiên, lướt gió và đi trên mặt nước nhẹ như đang đi bộ.
Theo truyền khẩu trong nhân gian thì trong những lúc giao du bốn bể và hành thiện giúp đời, ông Đạo Lập thoát ẩn thoát hiện ở nơi này, nơi khác khiến nhiều người hết sức bất ngờ. Bất cứ nơi nào có người gặp nạn hay cần sự giúp đỡ là có mặt ông.
Có khi buổi trưa vừa thấy ông xuất hiện ở Hà Tiên, nhưng một lúc sau thì ông có mặt tại vùng Bảy Núi để giải trừ tai nạn cho người khác. Người ta đồn đại rằng, những lúc cấp bách “cứu người như cứu lửa” ấy thì ông Đạo Lập không đi bộ thông thường mà đi mây về gió.
Nghĩa là ông có thể biến hóa, ẩn thân để di chuyển nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác. Đặc biệt, chuyện được dân gian truyền khẩu nhiều nhất là ông có thể vượt sông rộng chỉ bằng đạp chân lên nón lá để làm thuyền.
Số là ông Đạo Lập đi đâu cũng luôn đội một chiếc nón lá rộng vành trên đầu, tay cầm gậy. Vậy nên trên đường đi gặp sông sâu cách trở là ông cứ lột nón lá đặt xuống nước làm thuyền để đặt chân lên rồi dùng gậy chống hoặc bơi sang bờ sông đối diện.
Những truyền thuyết hay sự tích về ông Đạo Lập được người dân từ vùng Bảy Núi (Thất Sơn) đến tận miệt Hà Tiên, Kiên Giang truyền kể cho nhau từ đời này sang đời khác.
- Lạc Vinh