Giảm nghèo ấn tượng, vượt “đèn đỏ” để phát triển

10:39, Thứ bảy 02/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người kiên quyết không chịu thoát nghèo để hưởng lợi, đó là một thực tế.

Bước sang ngày thảo luận thứ 2 (1/11) về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu ghi nhận những kết quả đạt được… kích thích hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế. Đời sống người dân đã bớt khó khăn, giảm nghèo ấn tượng. Và, phải vượt “đèn đỏ” để phát triển, không thể kìm hãm trong khó khăn nghèo khó. Phải tạo nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư vào những công trình và lĩnh vực trọng điểm trước mắt… Nhiều giải pháp đã được các đại biểu hiến kế.

1. Giảm nghèo ấn tượng

“Thắng lợi trong hoạt động đối ngoại đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) mở đầu buổi thảo luận. Ông Mạnh tiếp tục đưa ra những con số dẫn chứng về kim ngạch xuất khẩu. Nước ta đã ký nhiều hiệp định thương mại FDI, là một trong những đối tác thương mại hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó cũng còn có những nỗi lo, đề nghị Chính phủ đánh giá thực trạng, thách thức, với quy mô ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó là những lo lắng về cơ chế thị trường, tác động điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đó là một thách thức. Ông Mạnh cho rằng, đất nước ta đang cần nhiều hình ảnh đẹp như Hội An, Tràng An…

Bên cạnh đó là nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, gửi gắm ở đó những thông điệp về một đất nước thanh bình trong lòng du khách tới thăm. Muốn vậy, cần phải cải cách cơ chế, đó là cơ hội để nâng cao trách nhiệm không chỉ Nhà nước mà cả người dân, từ đó loại bỏ những yếu tố kìm hãm sự phát triển.

“Kinh tế tăng trưởng trên 5%, an ninh chính trị được giữ vững là sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và sự vượt khó của người dân”, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hà Giang) nói. Bên cạnh yếu tố một đất nước thanh bình, các đại biểu đề nghị phải tiếp tục cải tiến nguồn nhân lực, lao động có chất lượng cao. Và đừng tự hào là có nguồn nhân công giá rẻ, mà phải là nguồn nhân lực cao chất lượng so với các nước phát triển. Do vậy, phải cải cách giáo dục, phải có chế độ tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng vào cơ quan Nhà nước.

Trong công cuộc chấn hưng đất nước, có sự tham gia của người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người có trình độ là những người con ưu tú của nước Việt luôn hướng về Tổ quốc. “Thực lực là cái Thiêng, ngoại giao là cái Tiếng - Thiêng có to, Tiếng mới mạnh”, đại biểu nói.

Những trăn trở về đời sống người nông dân luôn được các đại biểu quan tâm lo lắng. “Chương trình giảm nghèo của quốc gia là một trong những chương trình rất thành công, có ý nghĩa tác dụng đến đời sống xã hội, ổn định chính trị”, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đánh giá. Nhưng phải tính lại cách làm để không bị lợi dụng, không bị biến thái… Nhiều người kiên quyết không chịu thoát nghèo để hưởng lợi, đó là một thực tế.

“Nền nông nghiệp Việt Nam là “cánh cửa” nền kinh tế. Vậy mà khi hỏi, 40% người nông dân trả lời không hài lòng với cuộc sống”, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu vấn đề. Bà Tuyết cho rằng, cần sử dụng công nghệ cao vào nông nghiệp để người nông dân bớt khổ. Một số đại biểu đồng tình, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng công tác giảm nghèo đáng trân trọng, trong 20 năm đã giảm ½ số người nghèo, nhưng chưa bền vững, tỉ lệ tái nghèo cao. Ở miền rừng núi, Tây Nguyên thì người dân còn hạn chế về kỹ năng nghề, tự cung tự cấp nên tỉ lệ nghèo cao, chưa bền vững.

“Chính phủ cần rà soát các chính sách chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, miền núi. Người dân cảm thấy ít đất sản xuất, cần đo đạc cắm đất rừng. Nếu lâm trường không hiệu quả thì nên xem xét giao đất cho người dân sản xuất”, đại biểu Y Mùi (Kon Tum) đề nghị. Để giải quyết giảm nghèo giữa các vùng miền là đòi hỏi bức thiết, để bà con không bị mua chuộc bởi kẻ xấu.

“Tôi chưa yên tâm, vì kế hoạch những năm trước đã có đề ra nhưng kết quả không như mong muốn. Sự nghèo đói còn tăng hơn 2 năm trước (năm 2012 là 29%, nay 47%)”, đại biểu Lò Văn Muôn (Điện Biên) lo lắng. Ông đề nghị, cần rà soát các chính sách giảm nghèo. Nếu thiếu thì bổ sung các chỉ tiêu giảm nghèo, không giao từng chính sách một. Địa phương có quyền quyết định chủ động từng chính sách. Và, phát triển giáo dục ở miền núi cũng cần kiên trì, đó là biện pháp bền vững nhất...

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 1/11.

2. Phải vượt “đèn đỏ” để phát triển

“Năm 2008-2010 là một bài học kinh nghiệm, không thể “lớn nhanh, phanh gấp”, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) trăn trở với những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2015. Sau khi đánh giá kết quả nổi bật 3 năm qua là, đảm bảo an ninh - quốc phòng để phát triển đất nước. Công tác điều hành của Chính phủ  trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị của các bộ, ngành như Giao thông, Tài chính…

Giải pháp thời gian tới, khi nền kinh tế thế giới vẫn trì trệ cần phải từ từ, phải nâng mức bội chi ngân sách lên 5,3%. Mục tiêu tăng trưởng không thể nôn nóng, cần giữ mức hợp lý, ổn định vĩ mô là gốc để tái cơ cấu kinh tế. Với giải pháp điều hành gói kích thích trên tinh thần là theo dõi sát diễn biến lạm phát. Không chỉ tập trung dự án, mà phải kích thích tiêu dùng (như xây dựng nhà ở) của dân cư, có tác dụng lan tỏa đến 50 ngành kinh tế. Vẫn kích thích tăng trưởng, giảm nợ công quốc gia, chứ không phải mua ôtô và những hàng hóa xa xỉ…

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đưa ra giải pháp, không sản xuất nhiều lúa gạo vì giá quá rẻ, mà phải chuyển đổi sang cây lâu năm. Nhưng thủ tục cũng nhiêu khê, “phải vượt đèn đỏ” để đi chứ không thể cứng nhắc. Liên quan đến sức khỏe người dân, ông Tiên cho rằng, nhiều bệnh viện dở dang. Nên để bệnh viện vay vốn, rồi có khu dịch vụ để phục vụ người dân thu lại vốn.

Cảm thông với những “nổi cộm” của ngành Y tế hiện nay, đại biểu đánh giá: Cần bình tĩnh xem xét, chứ nhiều người ngành Y cũng vất vả lắm như y tế dự phòng, chữa trị HIV… Và đại biểu đề nghị, nếu vi phạm y đức thì đuổi vĩnh viễn khỏi ngành Y thì người vi phạm mới sợ… Quan tâm đến đời sống lực lượng vũ trang, nhấn mạnh về lĩnh vực an ninh - quốc phòng, một số đại biểu cảm thông với những khó khăn của những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.

“Để yên tâm phục vụ trong quân ngũ, cần có quyết sách kịp thời để điều chỉnh mục tiêu. Để CBCS yên tâm phục vụ trong quân ngũ, đề nghị thực hiện chính sách nhà ở trong Quân đội và Công an, ban hành chính sách cho người được hưởng chế độ trước năm 1993”, đại biểu Đặng Thị Kim Liên, nói. An ninh - quốc phòng thực sự đang được tăng cường hiện đại, một số lĩnh vực hiện đại để bảo vệ vùng trời vùng biển nước ta. Chủ quyền an ninh chính trị được giữ vững, chính sách đối ngoại rộng mở đã góp phần nâng cao vị thế đất nước.

“Nhiệm vụ củng cố quốc phòng phải đặc biệt quan tâm. Thực sự có bước phát triển mới cho lực lượng vũ trang, đủ sức bảo vệ lãnh thổ và sự bình yên của đất nước”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) mong muốn sự quan tâm tới lực lượng vũ trang cũng là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh: Không tô hồng, cũng không bôi đen tình hình

Một số đại biểu băn khoăn độ chính xác của số liệu thống kê, tăng GDP 5,4% năm 2013. Tôi xin báo cáo: 350 chỉ tiêu quốc gia trong hệ thống chỉ tiêu. 42% chỉ tiêu quốc gia do Tổng cục Thống kê, 58% số chỉ tiêu thuộc các bộ, ngành có trách nhiệm tính toán. Được các tổ chức quốc tế kiểm định nên các con số Việt Nam công bố là tương đối chấp nhận được.

GDP 5,4% năm 2013 là con số dự báo cả năm, 9 tháng đạt 5,14% (cao hơn năm 2012), đó là khiêm tốn; 5,4 là cả năm là chuyển biến tốt. Tăng chủ yếu từ nhập khẩu máy móc sản xuất, chế biến…chứng tỏ sản xuất đang phục hồi. Tuy còn ít và chưa thực sự bền vững nhưng niềm tin là quan trọng. Để vươn tới, không tô hồng và không bôi đen. Đây là thời kỳ quan trọng của đất nước (vì là giữa nhiệm kỳ).

Nhiều ý kiến hay cần phân tích rõ tình hình, nhìn nhận thẳng thắn làm gì cho 2 năm tới. Chuẩn bị cho trung hạn và dài hạn của đất nước (2016-2020). Tôi tin đất nước ta sẽ phát triển, con người thông minh chịu khó học hỏi sẽ không thua kém các nước…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Có thêm nguồn vốn để phát triển

Về tăng trưởng tín dụng nền kinh tế, 10 tháng đầu năm 2012 là 13%; 10 tháng đầu năm 2013 là 10%. Tăng trưởng tín dụng môi trường nông thôn là rất lớn, tăng trên 15% (dự kiến từ 15 đến 18%).

Dư nợ tín dụng nông nghiệp - nông thôn, nợ xấu xấp xỉ 5%. Về nợ xấu, đến nay công ty xử lý tài sản đã mua 10 ngàn tỉ đồng nợ xấu. Đó là biện pháp tích cực để nền kinh tế khởi sắc hơn. Tích cực cùng các Bộ, ngành tháo gỡ, có sản phẩm liên kết 4 nhà, giải quyết xây dựng tốt hơn. Trước đây, vốn nằm trong nợ xấu, nay xử lý có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế đất nước…

Đại biểu Lê Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): Không thể xí xóa trách nhiệm liên quan đến thủy điện

Việc phát triển thủy điện 10 năm qua, bên cạnh cái thành tựu còn có rất nhiều hệ lụy và thiệt hại cho nhân dân. Nhưng tôi thấy cái bản thẩm tra cuối cùng để ra Nghị quyết của Quốc hội ấy, nếu chúng ta thông qua thế này thì giống như làm cả rồi giờ không ai chịu trách nhiệm hết. Bây giờ đâu phải ngưng một cái là tất cả như cũ. Có những khoảng rừng đã bị phá dở dang như thế, đầu vào đời sống nhân dân xáo trộn như thế, các khu tái định cư chưa xong… Ai chịu trách nhiệm? Không có ai hết.

Tôi đề nghị phải có một bản tổng kết cho rõ ràng. Báo cáo cho biết là thủy điện đóng góp 48% công suất phát điện và 41% điện lượng là anh đánh giá gộp cả những công trình thủy điện chiến lược như Hòa Bình, như Sông Đà, Trị An… Gộp chung thế này thì không đánh giá được 10 năm qua thủy điện nhỏ đã đóng góp thực sự bao nhiêu, so với thiệt hại mà nó gây ra thì như thế nào. Chính vì vậy, chúng ta thông qua Nghị quyết như  thế này nghĩa là xí xóa. Phải coi lại.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): Nói đời sống của người dân di cư thủy điện “tốt hơn nơi ở cũ” là không đúng

Báo cáo cho biết bình quân thu nhập của người dân di cư thủy điện đạt 6,6 triệu/người/năm, “dù chưa đạt bình quân chung nhưng tốt hơn nơi ở cũ” tôi thấy có mâu thuẫn. Đối với huyện Đà Bắc của Hòa Bình, nơi ở cũ đã ở dưới đáy hồ cách đây hơn 40 năm, không biết ai xuống đó mà khảo sát để so sánh là tốt hơn.

Thực sự là hiện nay hộ nghèo ở những vùng này đang cao gấp hơn 2 lần so với bình quân chung của tỉnh. Trước đây tôi làm Bí thư Huyện ủy Đà Bắc, huyện có thủy điện Sông Đà, tỷ lệ hộ nghèo đến nay vẫn là 47%, thu nhập chưa đến 6,6 triệu, so với bình quân của tỉnh là 18 triệu (năm 2012), là mức chênh lệch lớn.

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link