Lao động Việt Nam chăm chỉ nhất thế giới nhưng vẫn nghèo

13:37, Thứ tư 04/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nhiều ý kiến cho rằng lao động Việt Nam chính là những người chăm chỉ nhất thế giới, bởi trong khi lao động người nước ngoài không muốn làm ngoài giờ, thậm chí quy định cấm làm ngoài giờ thì chúng ta lại rất vui vẻ, nhiệt tình hăng hái khi thực hiện công việc ngoài giờ.

Theo các quy định mới, nhân viên làm việc ở Bộ Lao động - Xã hội sẽ không bị phạt hay khiển trách vì tắt máy di động hay không nhận tin nhắn điện thoại ngoài giờ hành chính. Bộ này chỉ cho phép liên lạc nếu có việc không thể trì hoãn sang ngày làm việc hôm sau.

Bộ yêu cầu các cấp lãnh đạo tuân thủ nguyên tắc "can thiệp tối thiểu" vào thời gian rảnh rỗi của nhân viên, và trong trường hợp phải liên lạc thì cũng phải hạn chế ở mức thấp nhất số người liên quan.

Theo Bộ trưởng Lao động - Xã hội Đức Ursula von der Leyen, những quy định mới nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần cho nhân viên, khi bà từng cảnh báo rằng "không nên để công nghệ kiểm soát và chi phối mà chính con người phải kiểm soát công nghệ".

Những quy định trên được đưa ra sau khi một số tập đoàn lớn của Đức như Volkswagen, BMW và Puma đã áp dụng các chế tài tương tự. Volkswagen đã cấm việc chuyển tiếp thư điện tử từ lãnh đạo xuống nhân viên nửa giờ sau khi hết thời gian làm việc, trong khi các công ty khác tuyên bố nhân viên không cần kiểm tra thư điện tử vào dịp cuối tuần hay trong thời gian nghỉ của họ.

Việc Bộ Lao động - Xã hội Đức ban hành quy định này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của rất nhiều người lao động trên thế giới bởi người ta đang ngày càng lo lắng với việc công việc đã chi phối quá nhiều đến cuộc sống của người lao động và khiến cho họ cảm thấy áp lực, mệt mỏi, thậm chí nhiều khi là cả việc không hạnh phúc khi ở cùng gia đình.

Tuy nhiên, xét trên một khía cạnh nào đó, quy định mới được ban hành này ở Đức có lẽ sẽ khiến không ít người lao động Việt Nam cảm thấy tự hào vì tinh thần làm việc quên mình của mình bởi trên thực tế hầu hết mọi vấn đề quan trọng trong công việc ở nước ta đều được giải quyết ở ngoài giờ hành chính. Chuyện gặp gỡ đối tác, ký kết hợp đồng trong quán nhậu có lẽ đã không còn xa lại với những người làm kinh doanh ở nước ta. Thậm chí, với cả các công chức, không ít thời gian bàn bạc, trao đổi công việc cũng được diễn ra ở các quán cafe, trà đá ngoài giờ làm.

Có lẽ trong giờ hành chính, người lao động Việt Nam có quá nhiều việc để làm nên mới phải làm cả ở ngoài giờ mới đủ. Cũng đúng thôi, bởi nếu trong giờ làm mà công chức bận đi đám cưới, đám tang, thậm chí tham gia tổ chức, phục vụ thì quả nhiên là làm không hết việc. Như trường hợp từ ngày 13 - 16/6, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Cán đã điều 61 công chức của các phòng quản lý tài vụ, phòng văn xã, trung tâm tin học công báo, trung tâm lưu trữ, phòng hành chính tổ chức, phòng quản lý đô thị... đến phục vụ cho đám tang của một cán bộ lãnh đạo hưu trí của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ đã đủ cho chúng ta thấy sự bận rộn của công chức Việt.

Bản phân công nhân viên phục vụ đám tang ở Đà Nẵng trong giờ hành chính

Đấy là chưa kể đến chuyện đám cưới, đám ma cố tình tổ chức vào giờ hành chính để mọi người có mặt cho đông đủ.

Chính vì vậy, nếu có một vài người lao động Việt Nam cho rằng lao động ở Đức thiếu sự linh hoạt có lẽ cũng rất dễ hiểu. Bởi nếu có sự linh hoạt, quy định kia chắc chắn sẽ không ra đời, vào người lao động ở Đức cũng sẽ phải tự học cách phân chia thời gian cho hợp lý như người lao động ở Việt Nam.

Thậm chí đã xuất hiện những ý kiến cho rằng có lẽ lao động Việt Nam chính là những người chăm chỉ nhất thế giới, bởi trong khi lao người nước ngoài không muốn làm ngoài giờ, thậm chí quy định cấm làm ngoài giờ thì chúng ta lại rất vui vẻ, nhiệt tình hăng hái khi thực hiện công việc ngoài giờ.

Hơn nữa, với nhiều người, việc chăm chỉ lao động ngoài giờ có thể giúp cho bản thân họ thăng tiến nhanh hơn trong công việc, bởi điều này đồng nghĩa với việc họ rất chăm chỉ, có thể làm việc ở mọi nơi, mọi lúc. Và quan trọng nhất là lao động nhiệt tình trong thời gian ngoài giờ làm việc sẽ giúp cho các mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên trở nên hài hòa, thân ái hơn. Nhân viên vì sếp, vì thành tích chung mà miệt mài lao động, trong giờ hành chính thì đi phục vụ sếp, ngoài giờ thì đi lo việc cơ quan của là sự chăm chỉ khiến ai cũng phải vui lòng, khen ngợi.

Chỉ có một điều có lẽ hơi đáng tiếc chính là lao động Việt Nam chăm chỉ nhưng vẫn nghèo. Bởi trên thực tế dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất thế giới (khoảng 2%), Việt Nam vẫn là một nước nghèo, lao động có việc làm nhưng thu nhập không cao. Thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong ASEAN và Trung Quốc, dù đã được cải thiện nhiều do đổi mới và mở cửa cách đây hơn một phần tư thế kỷ.

Theo báo cáo của một đề tài khoa học cấp Nhà nước do ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện, tính theo tỷ giá hối đoái, GDP đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 114 USD năm 1991 lên 1.061 USD năm 2010. Trong khi đó, GDP đầu người của Trung Quốc tăng từ 353 USD lên 3.915 USD trong khoảng thời gian trên. Như vậy, thu nhập đầu người của Việt Nam tương đương 32% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 27% năm 2010.

Trong khi đó, Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc