Theo thông tin trên TTXVN, chiều 20/9, tại Trung tâm học liệu thuộc Đại học Thái Nguyên, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức hội nghị báo cáo “Đánh giá nghèo Việt Nam 2012.”
Dự hội nghị có các chuyên gia kinh tế, chuyên gia phát triển xã hội, chuyên gia phân tích… đến từ Ngân hàng Thế giới, một số trường Đại học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cùng hơn 100 cán bộ giảng viên, sinh viên đang công tác, học tập tại Đại học Thái Nguyên.
Theo báo cáo "Đánh giá nghèo Việt Nam 2012" của Ngân hàng Thế giới, dựa trên chuẩn nghèo mới (tương đương 653.000 đồng/người/tháng hoặc 2,25 USD/người/ngày) thì tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% xuống còn 20,7% trong 20 năm qua và là nước có điều kiện sống tốt.
Tình trạng nghèo chủ yếu tập trung ở vùng cao, gồm miền núi Đông Bắc và Tây Bắc và một số khu vực ở Tây Nguyên. Các hộ khá, giàu chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ cũng như các trung tâm đô thị dọc bờ biển.
Người nông dân Việt đang ngày càng nghèo đi hay giàu lên? |
Đọc xong số liệu này nhiều người có thể thở phào nhẹ nhõm vì người Việt đang giàu lên chứ không phải nghèo đi. Nhưng ngẫm xa một chút thì thấy có điều gì là lạ. Mới đây thôi, tại Hội thảo công bố “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” cho biết hiện nay, mức thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt gần 50.000 đồng/ngày; 41,5% số hộ không hài lòng về cuộc sống.
Báo cáo này có số liệu từ cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Bản chi tiết cho thấy thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình ở nông thôn đang giảm dần và tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010 – 2012, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48.618 đồng/ngày, tức khoảng 1.458.000 đồng/tháng. Điều đáng chú ý là trong số các hộ tham gia điều tra, có tới 50% hộ phải vay nợ, và chủ yếu là vay ngoài với lãi suất cao (số tiền nợ từ vay tư nhân, tín dụng ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%).
Từ những con số tại Hội thảo công bố “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” nếu tính chi tiết, mỗi hộ gia đình có 4 người (một cặp vợ chồng và hai con) thì chia bình quân mỗi người được 12.000 đồng/ngày. Thu nhập một năm mỗi người dân ở nông thôn chỉ được 4,2 triệu đồng, tương đương với 200 USD trên một năm.
Nếu đem so sánh mức thu nhập của người nông dân Việt Nam so với các nước trong khu vực thì chúng ta càng xót xa hơn về bức tranh nghèo của người nông dân. Mức thu nhập này chỉ hơn tý chút mức thu nhập 20 năm trước của chúng ta. Năm 1991, mức thu nhập bình quân theo đầu người của người dân Việt Nam là 114 USD. Nhiều năm trở lại đây mức thu nhập này đã tăng đáng kể nhưng ở nông thông thì chỉ có ngày càng nghèo hơn. Trong khi đó, mức thu nhập trung bình theo đầu người ở nông thôn của Trung Quốc năm 2012 đạt 1.285 USD/năm. So với người nông dân Việt và người nông dân Trung Quốc họ có thu nhập cao hơn chúng ta cả chục lần.
Vậy chúng ta nên lạc quan tin theo báo cáo thế giới rằng Việt Nam đã bớt gần 30% nghèo hay nhìn vào thực tế rằng, thu nhập bình quân của nông dân Việt Nam chỉ là 50.000 đồng/hộ gia đình/ngày? Còn nhớ, phát biểu tại hội thảo “Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn ở Việt Nam - Từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững” tổ chức hồi tháng 6/2011 ở Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng (nay đã nghỉ hưu - PV) nói: “Những thành tích mà Việt Nam có được trong xuất khẩu gạo là có thật, nhưng chúng ta không khỏi day dứt vì nông dân vẫn là những người nghèo và những vùng chuyên canh trồng lúa là những vùng kém phát triển". Đọc đây thì độc giả hẳn ai cũng sẽ tự tìm ra câu trả lời.