Giao thông "dạy" công chức Việt nói khẽ, cười duyên

06:58, Chủ nhật 15/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sau đợt kiểm tra an toàn giao thông tại 21 tỉnh vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa yêu cầu 7 thứ trưởng tiếp tục kiểm tra tại 42 địa phương từ nay đến cuối năm.

Theo báo Vnexpress, 42 địa phương sẽ được các Thứ trưởng kiểm tra an toàn giao thông và việc chấp hành quy định về vận tải ôtô là Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình...

Sau đợt kiểm tra  lần 1, các đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông đã phát hiện phần lớn đơn vị vận tải chưa quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông, trong đó nhiều hợp tác xã vận tải không có bộ phận theo dõi an toàn giao thông hoặc có nhưng không hoạt động. Nhiều hợp tác xã chỉ đứng ra thực hiện các thủ tục pháp lý cho xe được hoạt động còn việc điều hành xe do các cá nhân (lái xe, chủ xe) thực hiện, các cá nhân này tự chịu trách nhiệm kết quả kinh doanh.

 

Sau khi thanh tra 18 tỉnh, bộ Giao thông đã kiến nghị phê bình 6 tỉnh và nhắc nhở 12 tỉnh (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các đoàn thanh tra phát hiện nhiều đơn vị có phương tiện chạy vượt tốc độ nhiều lần, số xe vượt quá tốc độ chiếm 80% đến 90%. Trong khi đó, nhiều địa phương, đơn vị vận tải không quản lý, kiểm tra, nhắc nhở lái xe qua thiết bị giám sát hành trình, dẫn đến nhiều lái xe chạy vượt quá tốc độ lớn (như tại Long An, có lái xe chạy đến 137km/h; tại Bình Thuận, có lái xe chạy đến 130km/h, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, có lái xe chạy đến 120km/h)...

Sau khi có kết quả, bộ này cũng kiến nghị phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình sáu địa phương là: TP.HCM An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hoà, Lạng Sơn vì đã buông lỏng công tác quản lý và cấp phép, thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị vận tải container; chưa thực hiện tốt công tác quản lý về vận tải, có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép. 12 địa phương còn lại bị kiểm tra cũng được bộ kiến nghị phó Thủ tướng nhắc nhở, tập trung chấn chỉnh, quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý về vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Với kết luận quả thanh tra như trên có thể thấy ngành giao thông sau khi đã nêu bật tình trạng nhức nhối của ngành hiện nay là mọi thứ đều đúng nhưng kết quả vẫn sai, tai nạn vẫn xảy ra... đã cố gắng bắt tay vào tìm ra những sai phạm, những điểm chưa đúng. Tuy nhiên, sau khi xới tung các vấn đề về giao thông của 18 tỉnh thành trong cả nước thì có vẻ cả ngành vẫn không biết là sai gì, ở đâu, nên mới có kết quả phê bình 6 tỉnh và nhắc nhở 12 tỉnh.

Chỉ có điều khi kết quả thanh tra được công bố, không ít người cứ thắc mắc không biết hai hình thức nhắc nhở và phê bình khác nhau như thế nào?

Tuy nhiên, có lẽ thắc mắc dường như cũng là để cho có thôi vì cả hai đều là những hình phạt nhẹ nhàng, khiến ai cũng hài lòng, lãnh đạo thì vui vì thanh tra làm việc có kết quả, chứng minh làm việc có hiệu quả, còn nhân viên thì bị phạt nhẹ nên cũng chẳng buồn.

Hơn nữa, khi mà các công chức mẫn cán của bộ đã mất công vi hành từ TW xuống địa phương soi xét mãi nhưng không thấy sai nhiều, chỉ nhắc nhở, phê bình nhẹ nhàng thì Bộ trưởng Đinh La Thăng trong một cuộc họp đã chỉ ra ngay chỗ sai mà chẳng mất công phải thanh kiểm tra lên xuống đó là do:  "Một số bệnh viện ở Hà Nội như Việt - Đức, Bạch Mai, bệnh viện C đang xây to hơn. Điều này càng làm giao thông ùn tắc trầm trọng" và cũng do “Bộ Xây dựng chả làm gì”... Thế mới biết công chức mẫn cán chạy tứ tung không bằng Bộ trưởng ngồi quan sát đưa ra quyết sách, quả nhiên là người xưa dậy chẳng sai, một người lo bằng kho người làm.

Tất nhiên, Bộ trưởng cũng sẽ chẳng trách phạt gì đâu vì ngành giao thông vốn có tiếng là giơ cao đánh khẽ. Thời gian gần đây, đã có không ít lần Bộ trưởng tức giận, muốn xử phạt, đề nghị cách chức một số lãnh đạo địa phương nhưng đến khi tiến hành lại thương tình, xét giảm trừ gia cảnh sắp về hưu hay cha ốm nặng mà xử phạt nhẹ nhàng để chờ về hưu hay thuyên chuyển công tác...

Người ta cứ hay nói công chức Việt Nam không biết cách ứng xử hay cáu gắt, quát tháo nhân dân, tuy nhiên, với cách ứng xử nhẹ nhàng như của Bộ Giao thông trong thời gian vừa qua, nhắc nhẹ, phạt nhẹ, giơ cao đánh khẽ, biết cười với dân để dung hòa các mối quan hệ phức tạp, xử lý vấn đề một cách đơn giản có lẽ hình ảnh công chức nước ta đã được cải thiện phần nào. Và ngành giao thông quả nhiên xứng đáng trở thành biểu tượng để công chức cả nước học tập, noi gương.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: