Góc khuất nghề quản giáo

11:25, Thứ tư 12/11/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Kín cổng, cao tường, kiểm soát nghiêm ngặt, tổ chức canh gác, tuần tra 24/24 giờ là hình dung ban đầu của chúng tôi về các trại giam.

Được chứng kiến công việc của các giám thị, quản giáo Trại tạm giam Quân khu 1 mới thấy khó khăn, nhọc nhằn và cả những cám dỗ mà các anh trải qua vượt ngoài suy nghĩ của chúng tôi.

Người thầy đặc biệt

Theo Đại tá Phạm Quang Nhật, Trưởng phòng Điều tra hình sự Quân khu 1, tình hình tội phạm, người phạm tội xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quân đội nói chung và trên địa bàn quân khu nói riêng có những diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ nguy hiểm, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều vụ án để lại hậu quả nghiêm trọng, kéo dài, gây nhức nhối trong nhân dân.

Hình ảnh tại trại giam
Hình ảnh tại trại giam

Để hoàn thành nhiệm vụ giam giữ, kiềm chế tội phạm và giúp phạm nhân sớm hoàn lương, các giám thị, quản giáo Trại tạm giam Quân khu phải không ngừng trau dồi nghiệp vụ, đồng thời trở thành những người thầy đặc biệt mở rộng tấm lòng cảm hóa những phận đời lầm lạc.

Nhiệm vụ chính của Trại tạm giam T82 là quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân phục vụ công tác truy tố, điều tra, xét xử và đảm nhiệm chức năng cảnh vệ tư pháp. Thượng úy Ngô Đình Lực, Phó giám thị, trao đổi với chúng tôi: “Để giúp phạm nhân tự giác sửa chữa lỗi lầm, cán bộ, quản giáo luôn thực hiện nghiêm quy định của ngành, tổ chức giáo dục chính trị cho phạm nhân theo tài liệu của Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng). Trong thực tiễn hằng ngày, hành động của cán bộ phải xuất phát từ tâm, từ tình người mới cảm hóa được phạm nhân".

Để quản lý, giáo dục phạm nhân, các giám thị, quản giáo sử dụng nhiều kênh thông tin, tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp giúp phạm nhân tự giáo dục, cảm hóa lẫn nhau. Hàng tuần, trại tổ chức bình bầu phạm nhân cải tạo tốt, hằng tháng, chỉ huy trại tổng hợp nhận xét gửi về gia đình.

Cứ 6 tháng, cán bộ trại gửi nhận xét, thông báo về địa phương tình hình cải tạo của từng phạm nhân. Đặc biệt, với những phạm nhân cải tạo tốt, đã có gia đình, được phép của Trại, người thân có thể lên thăm, và nghỉ lại trong “căn buồng hạnh phúc”.

Không ít đứa trẻ ra đời trong căn buồng đầy tính nhân văn này. Chúng tôi liên hệ với anh Nguyễn Văn Đ, hiện sống tại Nam Trực, Nam Định, từng là phạm nhân của trại giam, nay đã hoàn lương.

Kể lại quãng đời lầm lỗi, giọng anh Đ, chùng xuống: “Do phút bồng bột của tuổi trẻ và ma men xui khiến, không kiềm chế được dục vọng nên phải trả giá đắt bằng bản án chung thân.

Khi ấy, tôi vừa bước qua tuổi vị thành niên, cuộc đời vừa mở ra đã đóng sập trước mắt. Mẹ tôi không chịu được cú sốc, qua đời. Bố tôi đã già yếu. Tôi là con trai duy nhất, lao động chính lại chôn vùi tuổi xuân trong nhà tù.

Tưởng rằng đời mình như vậy là hết nên tôi chống đối, không cải tạo. Nhưng rồi được cán bộ phân tích, động viên, dần dần, tôi đã lấy lại được thăng bằng. Tôi vẫn nhớ như in cử chỉ ân cần của quản giáo Lê Văn Tân không chỉ một mà nhiều lần nhường áo ấm, lo nơi ăn nghỉ, cho bố tôi tiền bắt xe về quê khi lên thăm con trong những chiều đông giá rét…

Tình cảm chân thành ấy khiến tôi cảm động. Sau 14 năm cải tạo tốt, tôi được ân xá. Giờ tôi đã có gia đình, có việc làm ổn định. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn tới cán bộ đã kéo tôi ra khỏi vũng bùn tội lỗi để làm lại cuộc đời”.

Những góc khuất

Trong câu chuyện với cán bộ quản giáo, chúng tôi được các anh chia sẻ những góc khuất trong nghề. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Dân, Tổ trưởng Tổ quản giáo, kể: “Mới đây, phạm nhân nữ tên là Chu Thị T, hơn 60 tuổi, nhà ở Bố Hạ, Bắc Giang, phạm tội làm giả giấy tờ, chữ ký cơ quan nhà nước, khi vào trại không đồng tình với bản án nên kịch liệt phản đối, tuyệt thực nhiều ngày. Bằng các biện pháp nghiệp vụ cộng với sự kiên trì, cán bộ quản giáo đã thuyết phục được phạm nhân, tham gia cải tạo, chấp hành tốt bản án”.

“Cứu một người phúc đẳng hà sa” - triết lý của đạo Phật rất gần với công việc, lẽ sống của những cán bộ trại giam, đang hằng ngày cứu phạm nhân ra khỏi vũng bùn tội lỗi, giúp họ vươn lên trở thành người tốt.

Trước đó, có trường hợp phạm nhân Hoàng Văn C, ở Đại Từ, Thái Nguyên, phạm tội phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia, khi bị tạm giam, tạm giữ đã nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy, vật thuốc, chán sống, tinh thần và thể trạng suy kiệt, lở loét đầy người, lại bị mặc cảm nên có hành vi rất bột phát, nếu không quản lý chặt chẽ, rất dễ xảy ra tự tử, tự thương.

Cán bộ quản giáo vừa lo bảo vệ mình, không để bị lây nhiễm HIV, theo dõi sát tình hình, vừa kiên trì, gần gũi thuyết phục, động viên, nên phạm nhân đã ổn định tâm lý, quyết tâm hoàn lương.

Cái khó đối với người quản giáo là chủ yếu quản lý bằng mắt và các nghiệp vụ. Các anh khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giam giữ và bảo vệ thành công hàng chục phiên tòa, trong đó nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan nhiều người, nhiều thành phần xã hội.

Với những đối tượng cộm cán, côn đồ không chịu cải tạo, cán bộ quản giáo một mặt đấu tranh không khoan nhượng, mặt khác tìm cách khơi dậy phần lương thiện còn lại giúp phạm nhân nhận ra và sửa chữa lỗi lầm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ vững vàng, cán bộ Trại tạm giam Quân khu 1 đã giúp cơ quan điều tra phá nhiều vụ án phức tạp.

Không chỉ đấu tranh với tội phạm, các cán bộ trại tạm giam còn phải đấu tranh với chính mình. Đại úy Phạm Văn Vũ nhớ lại, anh và đồng nghiệp thường nhận được tin nhắn với nội dung biếu xén đồ đắt tiền.

Mua chuộc không được, các đối tượng quay ra đe dọa cán bộ và gia đình. Để vượt qua những thủ đoạn ấy, mỗi giám thị, quản giáo vừa phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, không tham lam vật chất, vừa phải đấu tranh kiên quyết với tội phạm và nghiêm khắc với bản thân. Đã có bài học đau xót đối với cán bộ thoái hóa, biến chất, vi phạm nghiệp vụ phải xử lý.

Phạm nhân lướt facebook: hút thuốc lào không phải ma túy
Đó là kết luận của Tổng cục Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công An) về việc phạm nhân lướt facebook trong tù.
chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: mailt
TIN MỚI CẬP NHẬT