Gửi những người yêu Hà Nội: "Tức điên lên thì phải làm cái gì đi chứ..."

09:51, Thứ hai 14/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Đối với tôi, tình yêu và hành động nên đi chung với nhau, không thì làm sao bạn tự hào về những gì bạn yêu được, và làm sao bạn nói bạn yêu một người/điều gì đó mà bạn chẳng làm gì cho nó???

(Phunutoday)-Tôi thấy những người nói, có những người tức điên lên, nhưng rồi có thấy họ làm gì đâu !!! Đến một mức nào đó, nói đã quá đủ rồi, làm gì đi chứ? Và nếu chẳng ai làm gì thì .. hiểu luôn rồi đó. Tôi tự hỏi, “tình yêu” của bạn đủ gọi là tình yêu chưa?

[links()]

Mùa thu Hà Nội xưa
Mùa thu Hà Nội xưa
Gửi tòa soạn, và gửi những người yêu Hà Nội, và những người muốn giữ gìn văn hóa người Hà Nội.

Với chủ đề này, tôi thấy mọi người nói nhiều rồi, đủ nhiều để cho ai đó thực sự yêu Hà Nội phải hành động. Mọi người có tình yêu thật sự với Hà Nội, và chuyện này nếu là nỗi nhức nhối thật sự trong lòng mọi người, tôi nghĩ đến lúc nên bắt đầu suy nghĩ về cách giải quyết và giải quyết vấn đề, chứ đừng phản biện gì nữa.

Tôi thấy những người nói, có những người tức điên lên, nhưng rồi có thấy họ làm gì đâu !!! Đến một mức nào đó, nói đã quá đủ rồi, làm gì đi chứ? Và nếu chẳng ai làm gì thì .. hiểu luôn rồi đó. Tôi tự hỏi, “tình yêu” của bạn đủ gọi là tình yêu chưa?

Tôi ở Sài Gòn, khói bụi, ô nhiễm, nắng nóng quanh năm, mưa đến sẽ lụt, đôi khi hoảng sợ khi chứng kiến cướp giật. Nhưng ít ra khi đi chợ hay đi ăn cũng không phải nơm nớp bịt tai nghe những người khác lớn tiếng. Bạn cho rằng tôi may mắn, hay do tôi đang sống trong môi trường có tỷ lệ thấp về “hiện trạng kém văn hóa” ?  Có khi mọi người cho rằng chất lượng sống chỉ là chất lượng hàng hóa dịch vụ xung quanh, nhưng nó còn là chất lượng giữa cách ứng xử với nhau trong cộng đồng, điều này thì tự mỗi người đều có thể ảnh hưởng đến mà. Chất lượng ứng xử của từng người với nhau, cho thấy thực sự vấn đề đó quan trọng như thế nào đối với họ.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Ba tôi quê miền Trung, mẹ tôi quê miền Bắc. Mỗi năm cả nhà tôi đều có dịp đi từ Nam - Trung - Bắc, thăm ông bà họ hàng, cũng như đi công việc, cho nên tôi đã lớn lên trong điều kiện là có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều phong cách và hoàn cảnh sống khác nhau ở các thành phố, vùng miền.

Tôi yêu Sài Gòn, lẽ dĩ nhiên là như vậy. Vì đất Sài Gòn nuôi cả gia đình tôi, và riêng tôi. Ba mẹ tôi không vì sống bao nhiêu năm ở Sài Gòn mà lại không bao giờ muốn về quê. Ba tôi thì ít bộc lộ, nhưng mẹ tôi thì yêu Hà Nội thấy rõ. Bà rất hay nghe những bài nhạc về Hà Nội, nhiều đến nỗi có lúc tôi phát bực (nghe nhiều quá mà không hiểu thì phải bực thôi).

Tuy nhiên, không phải bà không biết về những vấn đề “bức xúc” trong văn hóa ứng xử hiện nay của phần lớn những người sống ở Hà Nội. 30 năm đi tới đi lui, đặc biệt thời gian ở Hà Nội tất nhiên ít hơn ở đây, nhưng mẹ tôi cũng gặp “bún mắng, cháo chửi” rồi, ngồi cafe cũng xui làm sao nghe một phụ nữ kế bên ngồi “nói lớn và nói xấu” về nhà chồng, ngồi quán phở thì nghe anh con trai “xyz” với mẹ mình , xuống sân bay hỏi giờ chuyến bay thì nhân viên bảo tự tìm bảng thông báo mà xem... Chỉ thấy rằng 10 lần ra Hà Nội, thì đã có 7,8 câu chuyện hay hay mang về để nói với cả nhà. Xui xẻo hay do môi trường ?

Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn hàng ngày ngân nga theo những bài hát, câu chuyện về Hà Nội, và thậm chí đôi khi ám chỉ rằng bà vẫn muốn về sống ở đấy (!!! hic !!!) . Tôi tất nhiên không đồng quan điểm với bà, nhưng tôi thích và trân trọng cách bà vẫn luôn hướng về nơi bà muốn, mặc dù bà nhận thấy ở đấy có nhiều điều bức xúc lắm. Theo tôi đó là lòng yêu quê hương chân thành.

Nhưng mọi người, nhất là những người yêu Hà Nội thực sự (có mẹ tôi) , tôi mong mọi người hãy hiểu rằng mọi người từ nơi khác đến, họ nói những điều họ bức xúc ra, bởi vì nó có thật. Chúng tôi chẳng hề mảy may nghĩ đến việc “dìm hàng” người Hà Nội làm gì, vì Hà Nội là gương mặt của Việt Nam trên thế giới, nói xấu Hà Nội với người ngoài khác gì nói xấu cả chúng tôi?

Có một sự thật là, nếu 100 người đến, có 10 người “bức xúc”, thì có thể cho là họ xui xẻo gặp phải một phần nhỏ “xấu” trong xã hội, tuy nhiên có đến trên 50 người, cùng bức xúc về một vấn đề, thì tức là vấn đề có tồn tại và tồn tại ở tỷ lệ cao. Tp HCM không phải không có tệ nạn, cướp giật, hôi của, chửi bới, vv... nhưng thực sự là nó tồn tại ở tỷ lệ thấp hơn.

Tôi nghe vài ý kiến “bênh vực” Hà Nội, tôi thấy mừng. Nhưng tôi chỉ mừng vì có người dám lên tiếng bảo vệ điều mình tự hào, điều mình yêu quý, còn cách phản biện thì tôi chưa thấy là có lý. Nhất là ý kiến về “người tỉnh lẻ”, “người nhập cư” , ngay cả việc “phân loại” như vậy cũng cho thấy một sự “khinh thường người khác” từ phía ý kiến ấy rồi.

“Gốc” hay “không gốc” thì có liên quan gì đến cách ứng xử của một người nào đó đâu? Vẫn có những người có đầy đủ tiện nghi gốc gác, họ không tránh khỏi nghiện hút. Vẫn có những người từ nghèo khổ cằn cỗi, họ lại thành công và sang trọng.

Hay phản biện bằng cách “dìm hàng” nơi khác, cũng đâu được gì. Bạn không muốn bạn thành công bởi vì người khác quá dở, mà bởi vì bạn thực sự tài giỏi. Hoặc như xem mình là Tràng An cao quý, không phải ai muốn gia nhập hội cũng được; cái này tôi thấy là ...nhảm nhất vì nếu như vậy, tỉ lệ này sẽ mất dần đi cho đến khi tuyệt chủng vì họ chẳng cho ai vào. Mọi người có thể cứ tiếp tục nói lên những kinh nghiệm và cách phản biện của mình, đó là quyền của mọi người. Nhưng cuối cùng tôi không thấy ai đứng lên và nói rằng, tôi sẽ làm cho mọi người không thể nói về Hà Nội như vậy nữa. Tranh luận mà không đưa ra cách giải quyết, và không thực hiện nó, ....tất cả chỉ là một sự tốn thời gian của tất cả mọi người.

Tôi có nói chuyện nhiều với nhiều người ở Hà Nội. Họ thực sự nhận biết được và đồng tình với tôi về các hiện trạng này, nhưng họ lại có quan điểm là, mọi người ở đây sống như vậy, mình không “nói lớn” hơn họ là mình bị thiệt ! (Phần lớn họ nghĩ họ bị thiệt khi ăn nói nhỏ nhẹ và lịch sự).

Ai đó có thể nói rằng , “tôi không phải người cầm quyền, làm sao tôi có thể thay đổi được họ?”, “tôi chỉ là một cá thể nhỏ, làm sao tôi thay đổi cả cộng đồng? Có thể tôi sẽ bị ăn tươi nuốt sống trước khi tôi kịp nhỏ nhẹ với họ đến ngày thứ 30!” .

Văn hóa là cách sống của người dân, không phải luật lệ mà cần hành pháp. Văn hóa tốt sẽ tự lây lan, gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Giả thiết, trong vòng quen biết của một người có 50 người bạn. Ai cũng sợ bị thiệt, sợ 49 người kia bắt nạt mình. Chỉ cần một người , kiên quyết sống theo văn hóa “không nói lớn”, một tuần, một tháng, một năm.. rồi tất nhiên ai cũng chỉ còn sợ 48 người bắt nạt thôi, họ tự dưng bớt đi một “cái lông nhím” trên người, và có thể có ai đó sẽ làm theo bạn. Hoặc ít ra khi ở gần bạn, họ sẽ không còn hung dữ như trước nữa. Điều này tôi có thể chứng thực, vì những người tôi nói chuyện có thể là từ vô gia cư đến giáo sư khoa học, trong đến ngoài nước, tôi hiểu rằng khi mình không muốn ăn hiếp một ai đó, không tỏ vẻ khinh thường, không phân biệt ... thì trên 50% mọi người cũng đối xử với tôi như thế, không ngay lúc đấy thì sau này.

Nếu là người có ảnh hưởng, tổ chức một ngày lễ, tuần lễ “Tràng An”, để trong những ngày đó, mọi người tạm thời bỏ đi cái “nóng” hằng ngày, mặc tứ thân, áo dài, tham quan , thư giãn , phổ biến cách sống “Tràng An” là như thế nào cho những người không biết bằng hoạt động cụ thể. Cái này thì Nhật làm tốt lắm. (Gia đình tôi ở SG, nhưng cũng nhân dịp 10/10/2010, nhà tôi lên phong trào “sống như người Tràng An” hưởng ứng, mọi người nói chuyện lich thiệp hơn, không khí như Tết, đọc báo bình thơ, nói chuyện hài, nghĩ lại thấy vui ; nhưng chỉ tiếc là tôi lại không biết rõ “Tràng An” là như thế nào, nên chỉ nghĩ được vài hoạt động như Tết vậy thôi).

Văn hóa tốt thì nên truyền đạt cho người khác, cứ giữ khư khư mà nói rằng “mọi người chẳng hiểu nổi đâu, phải gặp đúng người thì mới cảm nhận được”, thì rất tiếc sự thật là trong cuộc sống này, mọi người không có thời gian đâu mà đi tìm lùng 30% dân số Hà Nội tìm người Tràng An để biết và cảm nhận. Nếu bạn muốn giữ văn hóa của mình thì phải tìm người kế thừa chứ? Ai không biết thì làm cho họ biết, chứ thấy họ không biết thì quay đầu đi luôn thì dễ rồi.

Đối với tôi, tình yêu và hành động nên đi chung với nhau, không thì làm sao bạn tự hào về những gì bạn yêu được, và làm sao bạn nói bạn yêu một người/điều gì đó mà bạn chẳng làm gì cho nó???

Và ngay cả khi có người khác có một hành động cụ thể nào đó cùng với ý muốn của bạn, bạn nghĩ , “ôi vậy là đủ, không cần đến mình phải nhọc sức” thì cũng không hẳn đúng, vì càng nhiều người tham gia, nghĩa là càng ý nghĩa cho việc làm đó. Như trong Vietnam Idol, một chị tôi biết cũng sung sung “chị thích UL lắm , con bé hát hay thật”, tôi hỏi “vậy chị vote cho UL chưa?”, chị bảo “Sẽ có nhiều người vote mà, mình vote làm gì !!!”. Tôi thì lần đấy vote hẳn trên 60 tin, cho đến sát lúc công bố. Tôi rất tin UL sẽ thắng, nhưng đối với tôi thì thắng không đủ, mà phải thắng lớn, vì tôi cho rằng cô ấy xứng đáng! (nhà đài kỳ đó chắc lời dữ lắm khi có những người như tôi, tiếc là cuối cùng không công bố rõ bao nhiêu votes) :-)

Mong bài viết này có thể đến với một người nào đó, đủ tình yêu và niềm tự hào để hành động cho điều mình yêu quý.

P.S. Tôi đang tưởng tượng, có ai đó sẽ nói, nói như tôi thì dễ, làm mới thấy khó, ngon thì làm thử xem. Đúng đấy bạn ạ và khó thì suy nghĩ và làm cho đến khi thành công thì thôi.

  • Thảo.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc