(Đời sống) - Bắt đầu từ tháng 7/2013, Cục cứu hộ, cứu nạn Quốc gia sẽ khánh thành bàn giao công trình Trung Tâm Cứu nạn, cứu hộ trên đảo Lý Sơn và hạ thủy tàu cứu nạn tải trọng 450 tấn để trang bị cho lực lượng biên phòng trực tại đảo Lý Sơn thực thi nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên biển.
Theo Đại tá Bùi Phụ Phú, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Cục trưởng Cứu hộ, cứu nạn (Thuộc Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng) đang hoàn tất để hạ thủy và đưa vào hoạt động con tàu cứu nạn trên biển với mục đích tạo môi trường ổn định, hòa bình trên biển để ngư dân yên tâm bám biển, thúc đẩy sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của tổ quốc.
Với nhiệm vụ được giao lực lượng cứu hộ, cứu nạn thuộc Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh sẽ thực thi nhiều biện pháp tích cực. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về pháp luật, về chủ quyền biển đảo của Quốc gia và các nước láng có chung biển Đông được chú trọng.
Ngoài ra, lực lượng này còn chủ động ứng phó tốt hơn với các tình huống nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa bão, để kịp thời cứu nạn cứu hộ tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển.
Khi chưa có tàu cứu nạn thì tàu của lực lượng cảnh sát biển đóng vai trò chủ công trong việc cứu nạn, cứu hộ ngư dân Lý Sơn gặp nạn trên biển. |
Theo kế hoạch, năm 2013, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ của tỉnh Quảng Ngãi, chủ công là Bộ đội biên phòng sẽ tham gia nhiều hoạt động diễn tập với qui mô cấp quốc gia để nâng cao hiệu quả trong công tác cứu nạn cứu hộ.
Bên cạnh việc hạ thủy con tàu cứu nạn 450 tấn, Trung tâm cứu hộ, cứu nạn đang được xây dựng tại huyện đảo Lý Sơn cũng sẽ được khánh thành bàn giao và chính thức đưa vào sử dụng. Đây được xem là Trung tâm cứu nạn, cứu hộ đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải Miền Trung.
Thời gian qua, đặc biệt là từ khi Trung Quốc áp đạt lệnh cấm đánh bắt cá năm 2013, hoạt động của ngư dân Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn nói riêng trở nên khó khăn hơn.
Từ đầu tháng 3 đến nay, số vụ quấy nhiễu, gây căng thẳng từ phía Trung Quốc tăng lên so với trước, do đó việc đưa vào hoạt động tàu cứu nạn 450 tấn và Trung tâm cứu nạn, cứu hộ tại đảo Lý Sơn sẽ tạo điều kiện để ngư dân yên tâm hơn khi vươn khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước đó, đáp lại những lo lắng của đại biểu về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, về việc ngư dân bị truy đuổi, chủ quyền bị xâm phạm, trong phiên Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại QH ngày 30/5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư cỡ lớn để bảo vệ ngư dân, biển đảo.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, hiện nay, ngoài các giải pháp như Quyết định 48 hỗ trợ người dân trực tiếp ra khơi để khai thác, nuôi trồng hải sản, thực hiện dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa, nhà nước đang triển khai nhiều chính sách khác. Chính phủ đã triển khai thí điểm cho ngư dân vay để mua, thay tàu mới với công suất lớn (400-1.000 mã lực). Mức vay tối đa tới 70 - 80% kinh phí đóng tàu và lãi suất cố định 3%/năm trả trong 10 năm.
Ông Ninh nhận định đây là mức hỗ trợ rất lớn. Tới đây, Chính phủ sẽ tổng kết chương trình thí điểm này để triển khai nhân rộng cho cả nước. Khi đó, mọi ngư dân sẽ được vay vốn để đóng tàu mới cả tàu gỗ và tàu sắt từ 90 mã lực đến trên 1.000 mã lực.
Phó Thủ tướng cũng thông tin Chính phủ đã cho đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, vừa giúp bà con ngư dân bám biển, vừa giữ chủ quyền biển đảo.
- Cam Thảo (tổng hợp)