Hai người đàn bà trong vụ đấm chết sếp Dầu khí

07:54, Thứ năm 14/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Tin rằng sếp sàm sỡ vợ mình nên Đức mới đến cơ quan vợ là Viện Dầu khí Việt Nam để nói cho ra nhẽ. Trong cơn ghen tuông, Đức xuống tay với ông Toại. Không ngờ, chỉ một cú đấm, người đàn ông xấu số đã mất mạng.

Tin rằng sếp sàm sỡ vợ mình nên Đức (chồng chị Hương) mới đến cơ quan vợ là Viện Dầu khí Việt Nam để nói cho ra nhẽ. Trong cơn ghen tuông, Đức xuống tay với ông Toại. Không ngờ, chỉ một cú đấm, người đàn ông xấu số đã mất mạng. Câu chuyện chưa thể kết thúc dễ dàng vì bà Sen (vợ của ông Toại) quả quyết, chị H “đổ” tiếng oan cho chồng bà.
[links()]
Đấm để trị cái thói “bỉ ổi”?

Quá đầu giờ chiều 4/6, phiên xử phúc thẩm vẫn chưa bắt đầu. Cái nóng oi nồng khiến những người trong gia đình bị hại thêm sốt ruột vì chờ đợi. Phòng xử chật kín, đa số họ là người nhà ông Toại.

Bố mẹ của Đặng Minh Đức (SN 1982) trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng dự tòa, hai ông bà ngồi nép mình dưới hàng ghế cuối như cố trốn sự bức xúc của gia đình bị hại.

Lần hầu tòa này, một lần nữa, Đức quả quyết, không cố ý giết ông Trần Văn Toại (SN 1963), cán bộ của Viện Dầu khí Việt Nam, sếp của chị Phạm Thị Diễn Hương, vợ Đức.

Sáng đó, khoảng 10h ngày 7/9/2011, Đức nhận điện thoại của vợ và nghe thấy ông Toại to tiếng với chị vợ mình, nhân viên dưới quyền ông Toại. Cuộc cãi vã dính đến công việc và sinh hoạt tại cơ quan.

Đức chỉ nhận gây thương tích vì sếp của vợ có tính trăng hoa
Đức chỉ nhận gây thương tích vì sếp của vợ có tính trăng hoa

Bị cáo Đức khai, bị cáo thấy điện thoại của vợ, anh nghe máy nhưng vợ không nói gì với anh, mà nói với ông Toại: “Chú thôi cái trò bỉ ổi đó đi” và tiếng ông Toại: “Còn như thế thì đuổi khỏi cơ quan”. Bị cáo Đặng Minh Đức kể lại, ngay lập tức anh tắt máy và đi tới cơ quan vợ, tìm ông Toại.

Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, Đức đến Viện Dầu khí Việt Nam tìm ông Toại. Nhìn thấy sếp của vợ ở nhà ăn, Đức nói: "Chú ra đây nói chuyện một tý" và kéo ông Toại ra hành lang. Tại đây, Đức đấm vào hàm khiến ông Toại ngã xuống đất, đầu đập mạnh vào thành ghế ở hành lang.

Ông Toại được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Cơ quan giám định kết luận, nạn nhân chết vì viêm hoại tử não diện rộng do chèn ép sau chấn thương. Đức bị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích". Còn chị Hương, CQĐT cho rằng, không có căn cứ truy cứu trách nhiệm.

Ở vụ án này, có hay không chuyện sàm sỡ của ông Toại đối với chị Hương, đó là vấn đề mà gia đình bị hại đặt dấu hỏi. Họ cho rằng, chị Hương đặt điều để Đức được nhẹ tội. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND quận Cầu Giấy, chị Hương từng khai, mình bị quấy rối.

Chị định viết đơn gửi lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam nhưng mẹ chồng khuyên nên chị mới nhẫn nhịn. Sự việc ngày 7/9/2011, như giọt nước tràn ly, khi cãi vã với sếp, chị đã bật điện thoại để chồng tỏ tường nguồn cơn nỗi ấm ức bấy lâu của mình.

Người phụ nữ này khăng khăng rằng, không có ý kích động chồng đến hành hung, hại chết ông Toại. Nhưng phiên xử phúc thẩm lần này, chị Hương vắng mặt khiến câu hỏi đó chưa thể làm rõ.

Người vợ sinh con một bề yêu cầu làm rõ chuyện sàm sỡ

Sau vụ án, đau lòng nhất có lẽ là bà Kiều Thị Sen, vợ ông Toại. Vẻ mệt mỏi, đôi mắt hốc hác, bà trải lòng, gần 1 năm qua nhưng bà chưa nguôi nỗi đau. Ông Toại là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cho bà và các con. Dù sinh con một bề nhưng bà Sen không lấy làm thiệt thòi.

Bà từng hài lòng với cuộc sống vì có một người chồng chiều vợ, thương con, có địa vị và đặc biệt, họ có hai cô con gái học giỏi. Giờ mái ấm tan vỡ, bà Sen thêm rầu lòng vì cho rằng, cái chết của ông Toại còn có uẩn ức.

Đó cũng là lý do, vợ bị hại kháng cáo toàn bộ bản án để đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm làm rõ tội danh “Giết người” đối với Đức.

Dự phiên tòa phúc thẩm, bà Sen cùng hai cô con gái nhỏ ôm di ảnh ông Toại đến tòa từ sớm. Nhìn thấy Đức, các con của ông Toại không kiềm chế được cảm xúc. Họ khóc, oán hận bị cáo và nhắc tới giấc mơ mà bố báo mộng đêm trước. So với phiên sơ thẩm, bà Sen gầy rộc, nét mặt u uất.

Trình bày trước tòa cấp phúc thẩm, bà Sen yêu cầu HĐXX làm rõ có hay không ông Toại sàm sỡ. Là đồng nghiệp của chồng, bao năm làm cùng, người vợ này chưa từng nghe chuyện ông Toại sàm sỡ hay cặp kè với ai. Như lời bà Sen, gia đình bà và nhà Đức có mối quen biết.

Đức từng làm bảo vệ của Viện Dầu khí. Học xong Đại học tại chức (ngành mỏ - địa chất), Đức chuyển sang Phòng Hành chính, vài năm sau thì nghỉ việc, làm nghề tự do. Vợ bị hại thắc mắc, nếu chị Hương nói ra nguyên nhân khiến ông Toại rơi vào tình trạng nguy hiểm, thì bà và mọi người đã không nhận định, ông Toại bị tai biến, vì thế đã để nạn nhân nằm bất động tại cơ quan gần 1h đồng hồ. Tại bệnh viện, các bác sỹ tốn nhiều thời gian để chẩn đoán và hậu quả là “nạn nhân bị chấn thương sọ não, hoại tử diện rộng”.

Sự ra đi của ông Toại khiến những người trong gia đình ngậm nỗi chua xót
Sự ra đi của ông Toại khiến những người trong gia đình ngậm nỗi chua xót

Đó cũng là lý do bà Sen yêu cầu tòa làm rõ vấn đề đồng phạm của chị Hương và truy cứu về hành vi không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Đại diện gia đình bị hại cũng cho rằng, Đức có hành vi giết người, chứ không chỉ là cố ý gây thương tích. Bởi, bị cáo học võ và biết rằng, cú đấm của mình sẽ dẫn đến việc ông Toại chết. Phòng làm việc của ông Toại có lắp camera nhưng đáng tiếc, góc khuất thì không ghi được hình.

Vậy, sau cú ngã của ông Toại, Đức có tiếp tục xuống tay với sếp của vợ không? Nếu Đức tiếp tục đánh ông Toại thì có dấu hiệu của tội “Giết người”.

Họ đề nghị thực nghiệm điều tra lại để làm rõ những tình huống đặt ra. Ngoài ra, gia đình bị hại cũng yêu cầu xem xét, truy cứu hành vi không cứu giúp người khác của vợ chồng Đức.

Bà Sen khẳng định, các cơ quan tố tụng cũng chưa làm rõ nội dung các cuộc điện thoại đi đến giữa chị Hương và Đức để làm rõ vai trò của chị Hương xem có xúi giục hay kích động chồng không.

Đối đáp, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị tòa y án sơ thẩm với Đức. Kiểm sát viên khẳng định, khôi phục lại nội dung cuộc gọi là điều không thể.

“Vết thương của ông Toại phù hợp với kết quả giám định. Ông Toại bị chấn thương do tiếp xúc với vật tày cứng trên diện rộng; như vậy, nạn nhân bị ngã vào thành bàn và gây chết nên không phải thực nghiệm điều tra lại” – kiểm sát viên phân tích.

Không mời luật sư, Đức cũng khá kiệm lời khi tự bào chữa cho mình. Bị cáo vẫn giữ lời khai rằng, không cố ý giết ông Toại. Đức mở lời xin bị hại tha thứ nhưng chỉ nhận được những lời oán trách. Suốt phiên tòa, Đức hiếm khi nhìn thẳng vào HĐXX để trả lời, bị cáo nhắm nghiền mắt, khuôn mặt nặng trĩu.

Cuộc tranh luận “nảy lửa” khiến HĐXX của TAND TP Hà Nội cẩn trọng, quyết định kéo dài thời gian nghị án.

Ngày 4/6/2012, tòa đã tuyên Đức 12 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tòa nhận định, không đủ cơ sở để kết tội bị cáo về hành vi giết người; cũng không có căn cứ về vai trò đồng phạm của chị Hương trong tội lỗi của chồng.

Dù bị cáo phải nhận hình phạt cao hơn mức án sơ thẩm nhưng gia đình bị hại vẫn chưa tâm phục nên họ tiếp tục theo đuổi vụ án.

Rời phòng xử, ông Đặng Tất Thắng, bố của Đức rảo bước rẽ sang một lối khác, tránh va chạm với người nhà bị hại. Chiều muộn, ở phía ngoài trụ sở tòa án, vợ ông tất tả chạy theo người anh trai của ông Toại phân trần điều gì đó. Dáng họ tất bật, khuôn mặt khắc khổ, nom thật tội.

Bố chồng từng nghe tiếng con dâu bị sàm sỡ

Thấy có khách lạ tới nhà, ông Thắng bố của Đức giữ ý. Nom ông khắc khổ, tất tả với núi công việc nhà. Ông bố này cho hay, xảy ra chuyện, thằng con trai độc nhất bị tạm giam, cô con dâu thì đi đi lại lại để phục vụ quá trình tố tụng, gánh nặng gia đình và hai đứa cháu nội dồn lên vai ông và vợ.

Ngặt nỗi, ông chỉ còn một quả thận, vợ (bà Nguyễn Thị Cần) lại huyết áp cao nên họ kiệt sức sau cú sốc mà Đức gây ra. Ông than, quá đau đớn vì con trai bảo vệ hạnh phúc gia đình một cách ngu ngốc. Trưa đó, Đức nhận điện thoại xong, vội vã đi. Ông Thắng hỏi thì con nói, đi giao sim cho người ta.

Đến quá trưa, Đức vẫn chưa về và sau này ông mới hay, con trai mình hành hung ông Toại rồi ra đầu thú. "Phiên tòa ngày hôm ấy, tôi có đến dự. Nhưng chẳng đủ sức để nghe đến phút cuối. Dự tòa, tôi mới biết rõ mọi chuyện" - ông Thắng nói.

Chuyện chị Hương "tố" sếp sàm sỡ, ông Thắng từng nghe. Chính vì chuyện này mà có lần, bố chồng đã tát con dâu vì cái tội dám "hỗn" với chú Toại (hai gia đình quen biết vì ông Thắng, bà Cần và cả Đức từng làm việc tại Viện Dầu khí Việt Nam).

Từ lần đó, ông Thắng yêu cầu chị Hương không được đem chuyện cơ quan về nhà. Mỗi lần hậm hực, chị Hương tìm mẹ chồng thủ thỉ.

Bà Cần đã khuyên con nén nhịn để giữ chỗ làm. Xảy ra vụ án đáng tiếc này, ông Thắng ân hận vì lúc đó đã không tin con dâu. "Không có lửa, làm sao có khói. Nghe đâu, chuyện công việc của nó cũng không được suôn sẻ" - bố của bị cáo cất giọng rầu rĩ.

Trong lúc ông nội bận bịu với khách, cậu con trai út của Đức chạy lăng xăng. Hỏi bé chuyện bố, cu cậu cười tít đáp rằng: "Bố cháu đi làm nên cháu không nhớ đâu". Ít tuổi, bé không hiểu chuyện của những người lớn.

Sau vụ án, chị Hương nghỉ việc và 3 mẹ con ăn bám ông bà. Ông Thắng ngán ngẩm vì cả nhà chỉ trông vào quầy tạp hóa ế ẩm. Còn chị Hương, dù đã nhận lời tiếp nhưng ở phút chót, người phụ nữ này thay đổi ý định. Chị e dè cũng là điều dễ hiểu khi bà Sen còn nhiều ngờ vực.

  • Võ Bảo
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc