Câu chuyện tưởng chừng là đơn giản nhưng nó đã khiến cho tình làng nghĩa xóm giữa hai người là ông Nguyễn Văn Xính (SN 1945), ngụ ấp Định Bình, xã Tân Thành, TP Cà Mau và ông Nguyễn Văn Thêm (SN 1955) ngụ cùng địa phương phải xích mích. Họ phải dẫn nhau ra tòa khi ông Xính tố cáo ông Thêm có hành vi ném 3 con tôm thối xuống ao nuôi tôm công nghiệp của gia đình mình khiến tôm nuôi chết hàng loạt.
[links()]
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào giữa năm 2012, TAND TP Cà Mau buộc ông Thêm phải bồi thường thiệt hại cho ông Xính là 100 triệu đồng. Cho rằng hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng bồi thường nên ông Thêm làm đơn kháng cáo. Tại phiên xét xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Cà Mau đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Làm cuộc thử nghiệm… xem có phải ý trời
Ở ấp Định Bình, hai gia đình ông Nguyễn Văn Thêm và Nguyễn Văn Xính từ lâu vốn có thâm tình với nhau. Nhưng gần đây mối quan hệ này đã đổ vỡ chỉ vì sự ghen ghét nhỏ nhặt của ông Thêm. Do có ranh đất sát nhau nhưng gia đình ông Thêm nhiều năm liền không thành công trong việc nuôi tôm.
Trong khi đó, vuông tôm của gia đình ông Xính thì lại liên tiếp trúng đậm. Tức mình khi nhìn ông Xính thường xuyên thu về bạc trăm triệu từ mấy đầm tôm. Từ đó, ông Thêm đâm ra ganh tị với gia đình ông Xính.
Ông nông dân này luôn mang trong đầu ý nghĩ có lẽ “ý trời” cố tình trêu ngươi mình nên cho gia đình ông Xính làm ăn ngày càng khá giả.
Nghĩ tới nghĩ lui, ông Thêm quyết định lấy ba con tôm chết đã mang mầm bệnh từ vuông tôm của mình bỏ qua vuông của ông Xính để xem ông hàng xóm của mình còn cười tươi được nữa hay không. Chính hành động nông nỗi, vô ý thức nhất thời của ông Thêm đã tạo ra một câu chuyện “dở khóc dở cười” cho cả hai gia đình.
Những con tôm thối là nguyên nhân của câu chuyện bi hài này |
Mọi chuyện bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng ngày 13/5/2011, những người làm công cho gia đình ông Xính khi chăm sóc đầm tôm phát hiện tại ao nuôi tôm số 1 có xác 2 con tôm chết, ao nuôi số 3 cũng phát hiện thêm xác 1 con tôm chết.
Còn tại ao nuôi số 2 và ao nuôi số 4 qua kiểm tra gia đình ông Xính lại phát hiện có màng tôm thối nổi lên trên mặt nước. Xác tôm chết trong đầm nuôi tôm công nghiệp mà ông Xính phát hiện có trọng lượng khoảng 80 – 90 con/kg.
Là một lão nông có nhiều kinh nghiệm nên khi nhìn qua ông Xính đã biết 3 con tôm thối này không phải là tôm của ông. Vì khi đó tôm nuôi trong ao của gia đình ông đều có kích thước bằng đầu cây nhang, tức khoảng 1.000 con/kg.
Nghi ao nuôi tôm của mình có ai đó cố tình “chơi khăm” vì ghen ghét nên ông Xính đã mang xác 3 con tôm thối là “vật chứng” quan trọng đến trình báo công an địa phương. Những ngày sau đó tôm nuôi trong các đầm của ông Xính đều chết trắng, gây thiệt hại cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng.
Từ sự trình báo của ông Xính, những ngày sau đó Công an ấp Bình Định, xã Tân Thành, Thành phố Cà Mau tiến hành các bước xác minh và xuống lập biên bản vụ việc nói trên. Sau khi đã rà soát lại các vuông tôm tiếp giáp với đất ông Xính.
Ngày 17/5/2011, Công an xã Tân Thành mời ông Thêm lên làm việc về những nghi vấn xung quanh 3 con tôm thối mà ông Xính phát hiện trong đầm tôm nhà mình. Trước những chứng cứ không thể chối bỏ, ông Thêm thừa nhận là thủ phạm của 3 con tôm thối đó chính là mình.
Trả lời câu hỏi vì sao ông làm như vậy. Ông nông dân này ngập ngừng nói do thấy gia đình ông Xính nuôi tôm trúng quá nên ghét. Tuy nhiên, ông Thêm cũng cho rằng mình làm như vậy là để kiểm chứng xem ông trời có cố tình “chơi” mình hay không. Bởi vì đất ông và đất ông Xính gần nhau nhưng tôm ông nuôi thì chết hoài, còn tôm ông hàng xóm thì cứ trúng.
Sau khi được nghe cơ quan chức năng phân tích cặn kẽ việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Ngày 18/5/2011 ông Thêm dẫn theo vợ là bà Nguyễn Thị Lá đến gia đình của ông Xính để nói xin lỗi và hứa sẽ khắc phục mọi hậu quả.
Đáng tiếc là lời hứa của ông Thêm đã nhanh chóng thành lời nói suông chứ không thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Xính. Những ngày sau khi nhận thấy cái sai của mình ông Thêm biến mất khỏi địa phương ngay cả vợ con cũng không biết đi đâu.
Bực mình vì nghi ông Thêm cố tình bỏ trốn để lánh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình mình, nên ông Xính đã làm đơn gởi đến Công an Thành phố Cà Mau đề nghị khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại tài sản đối với ông Thêm. Đỉnh điểm của việc này là hai ông nông dân này phải dẫn nhau ra tòa.
Tốn tiền vì 3 con tôm thối
Tại phiên tòa, sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và căn cứ vào kết quả tranh luận. Hội đồng xét xử nhận định chanh chấp của nguyên đơn và bị đơn đặt ra được xác định là bồi thường thiệt hại về tài sản ngoài hợp đồng.
Xét mối quan hệ nhân quả và hành vi của ông Thêm thừa nhận có ném xác 3 con tôm thối sang đất của gia đình ông Xính dẫn đến việc tôm nuôi của ở các đầm tồm công nghiệp của ông Xính bị chết. Đồng thời, dựa trên việc chính quyền xã Tân Thành kết hợp với Hội nông dân của xã xác định tôm của ông Xính chết là do bị bệnh đóm trắng (trùng khớp với bệnh trên tôm của ông Thêm).
Ngoài ra, dựa trên Công văn của Chi cục nuôi trồng thủy sản Cà Mau xác định tôm ông Xính bị chết nguyên nhân là do lây bệnh từ 3 con tôm thối của ông Thêm ném sang.
Xét thấy tôm ông Xính chết là do hành động ném tôm thối của ông Thêm. Tại tòa ông Thêm cũng thừa nhận mình có lỗi mà lỗi này là do ông vô ý chứ không cố ý nhưng hậu quả đã xảy ra là có trên thực tế, vậy hậu quả phải thuộc về ông Thêm.
Từ những cơ sở nêu trên Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận yêu cầu của gia đình ông Xính buộc ông Thêm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nguyên đơn số tiền là 100 triệu đồng.
Ngoài ra, kể từ ngày ông Xính có đơn thi hành án nếu ông Thêm không hoàn trả xong phải trả thêm khoản lãi phát sinh theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án.
Vợ con khóc như mưa vì hậu quả cuộc "thử nghiệm"
Đến ấp Định Bình, xã Tân Thành, Thành phố Cà Mau chúng tôi được nghe nhiều bà con nông dân nói về câu chuyện bi hài này. Dường như ở địa phương này, việc thử nghiệm “ý trời” bằng 3 con tôm thối của ông Thêm đã trở thành chủ để để người ta bàn tán ở khắp đầu thôn cuối xóm.
Có người thể hiện niềm chia sẽ vì hành động nông nổi của ông Thêm đã vô tình đẩy gia đình ông vào vòng khó khăn. Cũng có người thể hiện quan điểm dứt khoát rằng, việc làm của ông nông dân này đáng bị trừng trị nhằm làm gương cho những kẻ khác để không còn cảnh “trâu cột ghét trâu ăn” tái diễn trong thời gian tới.
Tuy nhiên với số tiền 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả cho việc trắc nghiệm của chồng cũng đã khiến vợ con ông Thêm rơi nước mắt. Vì ở thời điểm hiện tại nghề nuôi tôm của gia đình không đem lại thu nhập mà còn lỗ.
Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi vợ ông Thêm là bà Nguyễn Thị Lá với nét mặt buồn so cho biết, cuộc sống của gia đình chủ yếu nhờ vào mấy công đất vuông sau nhà nhưng mấy năm nay làm ăn không đặng. Thả tôm vụ nào là chúng nó kéo nhau đâm đầu vào bờ vuông chết hết ráo.
Thu nhập kinh tế gia đình vốn đã eo hẹp nay lại càng trở nên túng quẫn nhiều hơn khi phải đối mặt với khoản tiền khá lớn để khắc phục hậu quả vì hành động nông nỗi của chồng.
Giải thích về việc ông Thêm vắng mặt tại địa phương một cách khó hiểu sau khi đã đến xin lỗi và hứa bồi thường cho gia đình ông Xính, người vợ này nói với giọng trầm buồn: Hôm ấy vào ngày 12/5, ông ấy (ông Thêm) bơi xuồng đi tuần vuông rồi ném 3 con tôm sú chết từ vuông nhà tui sang đất ông Xính, khi về tui không nghe ổng nói lại.
Đến khi công an xã mời lên làm việc thì tui mới té ngửa biết mọi chuyện. Thú thật lúc đó tui tức ông chồng của mình nhiều lắm vì lớn rồi mà suy nghĩ không thấu đáo. Còn việc ổng đi vắng khỏi địa phương không phải là ông ấy trốn mà thực ra chồng tui đi làm hồ ở ngoài Cà Mau.
Dù gì thì chuyện giờ cũng đã được phân xử, vợ chồng chỉ còn cách cố làm để có tiền khắc phục hậu quả mà thôi. Hàng ngày tui cùng chồng đi bán ghe hàng bông theo xóm tích cóp tiền để thực hiện bản án.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mãi cho đến nay gia đình của ông Xính vẫn chưa nhận được khoảng tiền bồi thường từ việc “chơi khăm” của ông Thêm. Ngoài ra, để giữ tình làng nghĩa xóm, tại phiên xét xử trước đó gia đình ông Xính đã chủ động xin tòa giảm mức bồi thường đối với ông Thêm chỉ còn 100 triệu đồng.
Nếu tính hết tất cả các khoảng chi phí mà ông Xính phải bỏ ra để đầu tư vào mấy đầm tôm công nghiệp của gia đình mình thì số tiền lớn hơn con số mà ông Thêm phải bồi thường.
Dư luận địa phương cho rằng, qua câu chuyện bi hài này đã cho nhiều người một bài học về đạo lý sống ở đời. Phải sống như thế nào để còn giữ lại được chút tình nghĩa vốn tồn tại lâu đời ở chốn làng quê.
- Trọng Hoàng