Hạnh phúc của chàng nhạc công khiếm thị tài hoa

( PHUNUTODAY ) - Thành hài hước, lại yêu chiều vợ nên mỗi lần biết vợ giận dỗi, Thành đều nói: “Không ai nấu ăn ngon bằng vợ, và không ai yêu anh bằng vợ, vợ anh là nhấthellip;” Trong căn nhà nhỏ trong khu chợ Trời vẫn ngày ngày vang tiếng cườihellip;

Chuyện tình yêu ngọt ngào ấy là của đôi bạn trẻ Vũ Thế Thành (sinh năm 1990, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Lê Thúy Kiều (sinh năm 1991, Thái Nguyên).

[links()]

Cậu bé khiếm thị có giọng hát trời cho

Một buổi sáng tháng 9/1990, cả khu phố chợ Trời bỗng hân hoan khi nghe tiếng khóc của một cậu bé nặng 3,2 kg. Sinh ra, như mọi đứa trẻ khác, Thành khao khát dòng sữa ấm thơm từ mẹ. Nhưng mẹ Thành - chị Phạm Tuyết Lan - hốt hoảng phát hiện ra không có sữa cho con bú.

Cố gắng lắm, chị mới chắt được những giọt sữa hiếm hoi trên bầu ngực cho con ăn. Thiếu sữa, đứa trẻ khóc ngặt nghẽo. Xót con lắm, vợ chồng chị Lan chạy khắp xóm, xin cho con từng chén sữa của những bà mẹ đang cho con bú, kèm thêm cho ăn sữa ngoài.

Vì thiếu sữa, cơ thể Thành ngày càng ốm yếu, suy nhược. Khi Thành đến 45 ngày tuổi, cậu bé bỗng thở yếu, cơ thể suy nhược nặng, chị Lan vội vã bế con đến bệnh viện khám.

Các bác sỹ bảo, Thành bị tim bẩm sinh. Người ta khuyên chị nên về nhà sinh thêm đứa con nữa, bởi tình hình này cậu bé khó qua khỏi, mà nếu qua khỏi thì cũng sẽ bị teo hết cơ, không đi lại được. Coi như cuộc đời con đã được định đoạt bởi số phận rồi.

Thương con, nhiều đêm người mẹ trẻ ôm con khóc ròng, nước mắt tràn ướt gối. Không đầu hàng số phận, chị Lan quyết tâm giành lấy sự sống cho con trai. Thành thường xuyên phải nhập viện theo dõi, thời gian ở viện của hai vợ chồng chị nhiều hơn ở nhà.

Ngày đi làm đủ nghề trang trải sinh hoạt, viện phí, hai vợ chồng chị thay nhau vào viện chăm con. Rồi một ngày, chị Lan để ý thấy con không có nhiều cảm giác với màu sắc, ánh sáng. Các cơ mắt cứ co lại, không thể nhìn rõ hình hài.

Vợ chồng Thành hạnh phúc trong ngày cưới
Vợ chồng Thành hạnh phúc trong ngày cưới

Theo lời bác sỹ, ngày ngày, chị lại cầm chiếc khăn đỏ đu đưa trước mặt con để con tập nhận ra sắc màu. Tình yêu bao la của mẹ đã khiến cho đứa con trai chưa đầy 1 tuổi bắt đầu nhận thức được màu sắc, dù mọi thứ chỉ được nhìn qua lăng kính mờ nhạt, ảo ảnh.

Đến 8 tuổi, Thành mới chỉ nặng 12 kg. Hai vợ chồng chị đưa con đi viện, mong tìm thấy cách trả cho con đôi mắt sáng nhưng Thành không thể phẫu thuật thay giác mạc, bởi cậu mắc bệnh tim, nguy cơ rủi ro lên đến 50%.

Đi chữa khắp các bệnh viện từ Hà Nội đến Sài Gòn đều không có kết quả, hai vợ chồng chị ôm con về, sống chung với căn bệnh nhược thị và đón trước tương lai đôi mắt sẽ mù hẳn.

Lên 6 tuổi, thấy chúng bạn được đến trường, Thành cũng đòi mẹ đi học chữ. Hằng ngày, thấy hai chị đang học, Thành cũng học theo, bập bẹ từng chữ một. Thấy con ham học, chị Lan dắt con đến các trường công ở Hà Nội xin cho con được theo học nhưng các trường đều bị khước từ vì “căn bệnh của cháu, nên cho cháu vào trường khuyết tật để dễ dàng theo kịp với kiến thức hơn”.

2 năm sau, chị Lan xin cho con vào học ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Cả tuần học bán trú, cuối tuần về nhà, Thành đã gắn bó với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu đến 13 năm, trở thành nơi nuôi dưỡng tâm hồn và ước mơ của Thành.

Vốn thích đàn hát, ngay từ năm 3 tuổi, nói chưa sõi nhưng Thành đã hát được nhiều bài hát thiếu nhi và nhạc đỏ. Muốn bố mẹ hay anh chị cho đi chơi đâu, Thành đều “đánh đổi” bằng giọng hát của mình.

Chị Lan thường bế con đứng lên bàn nước để con trai vừa hát, vừa biểu diễn những bài hát thiếu nhi cho mọi người nghe. Ai cũng tấm tắc khen cậu có giọng hát “trời cho”.

Mới vào trường Nguyễn Đình Chiểu, thấy các anh chị lớp lớn đánh đàn bầu, Thành rất thích. Thầy giáo dạy nhạc ngày ngày vẫn thấy một cậu bé loắt choắt, đứng bên ngoài cửa sổ lớp học, say mê với những vũ khúc đã hướng dẫn Thành tập những bản nhạc đơn giản đầu tiên.

Hằng ngày, cậu dậy từ 5h sáng, mang đàn ra tập luyện. Nhờ sự chăm chỉ, chỉ sau một thời gian ngắn, bài hát “Xòe hoa” là tác phẩm đầu tiên của Thành khiến mọi người trầm trồ.

Thấy cậu bé có năng khiếu đàn hát, các thầy cô trường Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục dạy cậu học đàn organ, ghi ta, trống và cậu nhanh chóng thành thục các loại đàn.

Thành là thành viên tích cực thường xuyên tham gia biểu diễn văn nghệ của trường và lưu diễn bên ngoài. Thành trở thành một nhạc công trong đoàn biểu diễn của Trung tâm nhân đạo Sao Mai.

Không chỉ có đàn hát hay, Thành còn vẽ đẹp. Năm 2004, cuộc thi vẽ mang tên Sắc màu Hà Nội được tổ chức, tác phẩm về một dàn nhạc khiếm thị đang biểu diễn của Thành đã vượt qua 600 thí sinh Việt Nam và nước ngoài để giành giải nhất.

Cậu cũng là người khuyết tật Việt Nam đầu tiên đến với nghệ thuật gốm, với bức tranh từng được triển lãm Ánh sáng từ bàn tay do các nhà tài trợ nước ngoài Na Uy, Nhật Bản,… tổ chức, hay bức tranh Bản đồ Việt Nam bằng gốm được trưng bày tại các buổi triển lãm ở Nhật…

Một ngày cuối tháng 9/2010, Thành bỗng bẽn lẽn tâm sự với mẹ: “Sinh nhật con, con dẫn người yêu về ra mắt mẹ nhé”. Bà Lan sững người, tưởng con nói đùa.

Mới 20 tuổi, lại còn bệnh tật như thế, mẹ chỉ mong con sống thật tự tin và mạnh khỏe, chứ đâu dám mơ gì đến con dâu? “Thế mà nó dẫn người yêu về nhà thật” – Bà Lan mỉm cười hạnh phúc.

Hạnh phúc bắt nguồn từ chữ “duyên”

Bắt đầu từ một tin nhắn làm quen, rồi những câu chuyện hài hước qua điện thoại, hai trái tim đã “bắt nhịp” với nhau. Thành coi đó là sự se duyên của số phận, bởi: “Ông trời lấy đi của tôi đôi mắt, nhưng bù lại cho tôi một hạnh phúc hoàn hảo và người vợ hết lòng yêu thương”.

2 năm trước, một người bạn đã gọi nhầm số điện thoại của cô gái ấy, rồi cho Thành số để cậu làm quen. Phân vân mãi, Thành mới gửi tin nhắn đi, với nội dung: “Chào bạn, mình là Thành, chúng mình làm quen nhé!”

Tin nhắn gửi đi không mong sẽ nhận được hồi âm, thế nhưng, 2 phút sau, Thành bất ngờ nhận được tin nhắn trở lại: “Mình cũng rất vui khi được làm quen với bạn”. Chuyện tình yêu của Thành ngọt ngào và thú vị như chính con người của cậu.

Cô gái tên là Lê Thúy Kiều, quê ở Định Hóa (Thái Nguyên). Kiều sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, nhà có 3 chị em gái. Chị gái Kiều cũng bị khiếm thị, nên vừa học hết lớp 9, Kiều đã phải gác lại giấc mơ đèn sách để đi làm thuê, phụ giúp bố mẹ nuôi cả nhà.

Kiều xin vào làm phục vụ cho một cơ sở Tẩm quất của người mù ở Xuân Hòa, Vĩnh Phúc. Mỗi tháng, cô tích trữ lương để gửi về cho bố mẹ nuôi em và chăm sóc chị. Cuộc sống của Kiều sẽ không có nhiều biến động cho đến khi cô quyết tâm gắn đời mình với chàng họa sỹ, nhạc công của dàn nhạc khuyết tật ấy.

Lần đầu tiên gặp mặt, Thành khăn áo chỉnh tề, đi xe buýt lên Vĩnh Phúc để gặp người thương. Cuộc hẹn gặp mặt đầu tiên có nhiều bỡ ngỡ, mà vui đến khó quên, để rồi mỗi khi kể lại, cả hai đều cười tíu tít, và ngượng ngùng.

“Hôm đó, Kiều cầm ô màu đỏ đứng ở xa đợi tôi. Hai đứa đi ăn chè, chẳng may cốc chè của cô ấy bị thủng đáy đổ hết ra người. Hai đứa vừa lúi húi lau quần áo, vừa ngượng” – Thành kể.

Tình yêu cứ thế nảy nở. Những ngày nghỉ cuối tuần, Thành lại… nói dối bố mẹ là ở lại trường, nhưng thực chất là để có thời gian đi thăm người yêu. Đi nhiều đến nỗi, bác xe ôm đều đặn chở cậu ra bến xe buýt, còn tài xế xe buýt thì nháy mắt hỏi:

“Thăm người yêu hả, sắp cưới chưa?” và đón Thành ở nơi thuận lợi cho cậu nhất. Yêu nhau ở xa nên mỗi lần lên thăm, Thành mang tới cho Kiều… 3 thùng mỳ tôm, 3 gói xúc xích, vì sợ nàng… đói bụng! Đó là số tiền Thành kiếm từ những chuyến đi biểu diễn cùng với nhóm nhạc ở trường.

Sống trong gia đình có người bị thiệt thòi về thể chất, Kiều càng hiểu và quyết tâm đến với Thành, vì tình yêu, cũng vì trọn nghĩa. Thấy con gái quyết tâm lấy Thành, hàng xóm dị nghị, đàm tiếu, nhưng Kiều tâm sự với bố mẹ:

“Bố mẹ sinh ra con, nhưng không thể lựa chọn hạnh phúc cho con. Khi con chọn anh ấy, con đã biết, bố mẹ sẽ đồng tình”. Hôm dẫn người yêu về ra mắt gia đình, Thành bất ngờ khi lần đầu tiên ra mắt bố mẹ Kiều, Thành đã được gọi với cái tên âu yếm: “Con rể!”

Được hai bên gia đình đồng ý, Kiều nghỉ việc ở Vĩnh Phúc, xuống Hà Nội ở và xin vào làm tại một cơ sở tẩm quất do thầy giáo của Thành đứng ra mở cho người mù. Những ngày nghỉ, Kiều cùng Thành tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ của người khuyết tật hay các buổi biểu diễn quyên góp từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Kiều kể, Thành hát hay, vẽ đẹp, nhiều tài lẻ nên dù chàng có bị khuyết thiếu về cơ thể thì vẫn không thiếu những cô gái ngưỡng mộ. Nhưng điều đó không khiến cô buồn, bởi cô biết, Thành chỉ yêu mỗi mình cô.

Thành hài hước, lại yêu chiều vợ nên mỗi lần biết vợ giận dỗi, Thành nói với vợ rằng: “Không ai nấu ăn ngon bằng vợ, và không ai yêu anh bằng vợ, vợ anh là nhất…”

Trong căn nhà hạnh phúc đó, đã xuất hiện thêm một sinh linh bé bỏng, khỏe mạnh. Con gái Gia Linh từ bé đã bộc lộ sở thích hát múa. Mỗi khi thấy bố đánh đàn, học hát là con gái lại lắc lư, bập bẹ tập theo. Vừa bế con, Thành vừa cười, nụ cười rạng ngời, hạnh phúc.

Trong căn nhà nhỏ trong khu chợ Trời vẫn ngày ngày vang tiếng cười, tiếng đàn hát và tiếng trẻ con bắt đầu bi bô tập nói…

  • Thủy Triều
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn