Hạnh phúc kỳ lạ: Một chồng hai vợ ở Quảng Nam

06:27, Thứ năm 17/05/2012

( PHUNUTODAY ) - “Cả hai bà đều vất vả, mình là người đàn ông trong nhà phải giữ cân bằng bởi một cử chỉ không khéo thôi là sinh chuyện, nên cứ mỗi khi căng thẳng, tôi thường ra ngoài để hai bà tự nói chuyện”.

Bên dòng sông Ly hiền hòa có một gia đình một chồng hai vợ đã sống hạnh phúc hơn 60 năm qua. Ông lão đã 83 tuổi, còn 2 bà vợ cũng ngót nghét 80. Người ta tự hỏi điều gì đã làm nên hạnh phúc của họ?
[links()]
Hạnh phúc bất ngờ

Cuộc đời của “con rái cá” biệt động thành Đà Nẵng Nguyễn Văn Tại không chỉ gắn với những chiến công mà còn ly kỳ bởi câu chuyện tình éo le nhưng đầy tình người giữa ông và hai người vợ.

Tìm về tận nhà ông ở thôn An Lạc, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, được nghe kể về câu chuyện tình có một không hai của ba ông bà khiến chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ và thán phục.

Trước khi đến nhà ông, chúng tôi có ghé qua nhà ông Nguyễn Văn Thắng (trưởng thôn An Lạc) nghe ông kể về người đồng đội cũ của mình, ông Thắng kể: “Tôi nhập ngũ sau anh Tại nhiều năm nhưng cùng là lính biệt động cả nên biết nhau.

Thời gian năm 1971- 1972, anh là cấp trên của tôi. Chuyện của anh, dân ở đây ai cũng biết. Thật sự, họ là một gia đình rất hạnh phúc mà chúng tôi phải nể phục. Không những thế, gia đình anh còn là biểu tượng của tình yêu thương, đức hy sinh, lòng vị tha mà chúng tôi vẫn đem ra răn dạy con cháu”.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ven sông Ly là ông Nguyễn Văn Tại năm nay 83 tuổi cùng hai bà vợ bà  Lê Thị Dân (81 tuổi) và Lê Thị Tráng 78 tuổi. Căn nhà cấp 4 nằm hướng mặt ra sông, dưới rặng tre mát rượi làm xua tan cái nắng hè đang oi ả.

Rót cho mỗi người một bát chè xanh nóng hổi, bà Tráng nói như phân trần: “Mấy năm nay, ông nhà tôi mắc chứng lãng tai, lúc nhớ lúc quên. Ấy thế nhưng đến giờ uống thuốc thì ông chả quên ngày nào”.

Ông Nguyễn Văn Tại hạnh phúc bên hai bà vợ.
Ông Nguyễn Văn Tại hạnh phúc bên hai bà vợ.

Nhìn căn nhà đã xuống cấp nhưng rất gọn gang sạch sẽ, sân vườn tinh tươm sạch không thấy bóng rác lá. Thấy khách mải mê ngắm nghía khu vườn, ông Tại lên tiếng: “Mọi thứ là do tay hai bà ấy cả đấy, chứ tôi mấy năm nay vết thương cũ tái phát liên miên, yếu rồi, không lo được như trước nữa.”

Sinh ra và lớn lên ở chân núi Ngũ Hành Sơn, anh thanh niên Nguyễn Văn Tại được giác ngộ cách mạng từ khi còn trẻ. Lớn lên một chút, như bao thiếu niên trong làng, Tại tham gia đội giao liên nội thành.

Bằng tài trí và lòng can đảm của mình, rất nhiều lần Tại đã đánh lừa được quân địch mang tài liệu vào nội đô. Ngay từ ngày đó, Nguyễn Văn Tại đã có biệt danh “rái cá” bởi sự nhanh nhẹn và láu cá. 17 tuổi, ông lên đường nhập ngũ và đóng quân ở Buôn Mê Thuột.

Nhận thấy ở cậu thanh niên trẻ tuổi ngoài tấm lòng yêu nước còn có tố chất trở thành lính biệt động nên cấp trên quyết định chuyển ông sang huấn luyện đặc công. Sau sáu tháng huấn luyện, ông được trở về chiến đấu trên quê hương mình.

Vì nhiệm vụ nên ông đã chuyển cả gia đình vào Điện Bàn sinh sống. Thấy ông đi cả năm mới tạt qua nhà một lần, mẹ ông lúc đó đã già sau nhiều lần giục ông lấy vợ không được đã quyết định mai mối cho ông một cô gái cùng làng rồi nhắn người gọi ông về để cưới.

Lúc nhận được tin mẹ nhắn, ông đang ở Đà Nẵng vội vàng về. Ông kể: “Hôm tôi về đã thấy mẹ tôi chuẩn bị trầu cau, vừa thấy tôi về vội vã dắt sang nhà gái dẫn lễ. Trên người tôi vẫn nguyên bộ quân phục nhưng khi gặp bà ấy lần đầu tiên, tôi ưng ngay, về nhà giục cha mẹ cuới luôn”.

Nghe chồng kể chuyện ngày xưa, bà Dân cũng tủm tỉm cười kể lại: “Bữa đó ông ấy sang nhà, tôi không dám ra tiếp mà chỉ đứng ở trong buồng nhìn ra”.

Vì thời chiến, đám cưới của họ diễn ra nhanh chóng, cưới xong, ông lại tiếp tục chiến đấu còn bà ở nhà làm du kích. Mãi hơn một năm sau ngày cưới, ông mới có dịp ghé thăm nhà, rồi ông biền biệt cả năm mới về để bà Dân ở lại vừa chăm sóc mẹ già vừa nuôi con nhỏ.

Thấy chị vất vả nhà lại neo người, bố mẹ bà Dân mất sau đó ít lâu, bà Tráng quyết định sang ở chung để giúp chị trông cháu. Ngày cưới bà Dân, bà Tráng mới 16 tuổi, bà tham gia đội du kích xã Điện Hồng từng nhiều lần dẫn bộ đội vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

Năm 1956, ông Tại bị địch bắt rồi chuyển thẳng ra Côn Đảo. Nghe tin chồng bị địch bắt, bà Dân lo lắng mất ăn mất ngủ. Mẹ ông biết chuyện, ốm liệt giường rồi mất sau đó ít lâu. Sau khi bị bắt, được đồng đội giúp đỡ, ông trốn lên Tây Nguyên mãi 3 năm sau mới về.

Cuộc trùng phùng bao ngày xa cách của vợ chồng ông làm bà con hàng xóm rơi nước mắt. Lúc này bà Tráng đã 20 tuổi, cũng đã nhiều đám sang hỏi cưới bà làm vợ nhưng cô du kích chỉ lắc đầu cười. Nhắc lại chuyện cũ, bà Tráng kể:

“Chẳng hiểu sao tui cũng thương ổng lúc nào không biết! Hồi đó chỉ biết thương vậy thôi chứ có biết có nói năng gì đâu!”. Mỗi lần về thăm nhà thấy cô em vợ chưa lấy chồng, ông Tại đùa rằng: “Bà lấy chồng làm gì, lấy tôi đây này”.

Không biết có phải vì câu nói đùa của ông không mà bà Tráng đều từ chối hết đám trai làng cho đến bộ đội. Sau bao lần giục em gái lấy chồng không được, bà Dân có ý nghĩ để em gái ở lại làm vợ lẽ của chồng cho có chị có em.

Năm 1960, ông Tại cưới thêm bà Tráng. Vì ở cùng một nhà trước đó, nên chỉ làm mấy mâm cơm đạm bạc, thế rồi về sống với nhau. Người làng An Lạc ngày ấy đã được chứng kiến một đám cưới kỳ lạ khi mà vợ cả đội mâm trầu cau dẫn lễ, hỏi chính em gái mình về làm lẽ cho chồng.

“Cưới xong tôi lại đi biền biệt các bà ở nhà lo làm lụng nuôi nhau thôi chứ đâu có tính toán được chi! Tôi làm thêm căn nhà vách đất, bà cả thì ở nhà ngoài, bà em thì ở trong, cứ thế tần tảo mần ăn qua ngày thôi!” ông Tại nhớ lại.

Hòa hợp đến khó tin

Ba ông bà có với nhau được 7 người con. Hỏi ông làm sao để gia đình hòa thuận được, vì chuyện bà cả bà hai xưa nay đâu có dễ hòa hợp. Bà Tráng cười móm mém kể lại:

"Ngôi nhà tranh ba gian được ngăn ô. Bà cả nằm gian ngoài, tôi nằm gian trong. Dẫu vẫn gọi "chị" xưng "em" với chị gái nhưng lúc này thân phận của chúng tôi đã khác.

Tôi thì thôi du kích, ở nhà phụ chị đi lưới nuôi lũ nhỏ rồi sinh con. Khi nào ông ấy về thì chị em tự biết bảo nhau. Cũng có lúc chị em chung đụng, lời qua tiếng lại nhưng sau đó lại quên ngay vì dẫu thế nào cũng là chị em ruột".

Năm 1964, ông bị thương nặng ở đầu. Sau một thời gian chữa trị ông ra quân về làm ruộng với hai bà vợ. Bảy người con được ông bà dạy dỗ rất chu đáo nên rất ngoan ngoãn, chúng không phân biệt bà cả, bà hai mà gọi cả hai bà là mẹ.

Bản thân ông cũng không bao giờ thiên vị con ai hơn. Có chút lộc hay quà biếu, họ chia đều nhau cùng hưởng. Hơn 50 năm chung sống với nhau nhưng ông chưa bao giờ để trong nhà có tiếng cãi vã. Ông bảo:

“Cả hai bà đều vất vả, mình là người đàn ông trong nhà phải giữ cân bằng bởi một cử chỉ không khéo thôi là sinh chuyện, nên cứ mỗi khi căng thẳng, tôi thường ra ngoài để hai bà tự nói chuyện”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng thôn An Lạc cho biết thêm: “Đó là một gia đình hạnh phúc nhất mà tôi từng biết. Người ta một vợ một chồng mà còn bao nhiêu chuyện, vậy mà hai bà với một ông mà lại chẳng có chuyện chi mới lạ! Già rồi mà mỗi lần đi đám, đi hội, ổng dắt hai bà theo nhìn tình tứ lắm! Tui vẫn thường lấy gia đình ổng làm gương, cùng nói với mọi người cứ nhìn vào đó mà sống cho tốt!”

Ba người con trai ông cũng đều là bộ đội phục viên, người lớn tuổi nhất cũng xấp xỉ 60, anh con út năm nay cũng đã 42 tuổi họ đều có gia đình riêng nhưng vẫn một mực hiếu thuận với cha mẹ. Ngày lễ ngày tết, cả gia đình sum họp, tiếng nói tiếng cười rộn ràng cả xóm nhỏ.

Nhấp thêm ngụm nước chè ông nói: “Tôi đã sống gần hết cuộc đời của một con người, đã trải qua đủ hỉ, nộ, ái, ố của trần gian và ngộ ra nhiều điều. Điều tôi rõ nhất là hạnh phúc thì không bao giờ trọn vẹn.

Trời cho mình cái này nhất định sẽ lấy đi của mình cái khác. Trời không cho tôi tiền bạc, nhưng cho tôi một gia đình hạnh phúc. Cứ nhìn các con cháu biết thương yêu nhau là tôi mừng lắm”.

Hai năm trở lại đây, bà Dân bị bệnh khớp việc đi lại khó khăn, mọi việc vệ sinh cá nhân đều nhờ một tay bà Tráng lo hết. Hàng xóm ngày ngày thấy một ông lão lui cui nhóm lửa đun thuốc cho vợ - một hình ảnh mà không phải gia đình bình thường nào cũng có được.

Người ta vẫn thường nói: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, nhìn cách bà Tráng ân cần đưa chén thuốc, ông Tại đỡ bà Dân ngồi dậy để uống, thấy câu nói đó thật đúng. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, thời gian đủ dài để chứng minh tình yêu, tình người họ dành cho nhau.

 

  • Nguyễn An
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc