Heo bị tiêm thuốc an thần, tiết lộ từ chính đầu nậu buôn heo

18:55, Thứ năm 03/05/2018

( PHUNUTODAY ) - Người này tiết lộ, việc tiêm thuốc an thần là do cả thương lái vận chuyển và chủ lò mổ làm, không may bị phát hiện thì cũng chỉ bị phạt hành chính vài chục triệu.

Các vụ việc liên quan đến tiêm thuốc an thần cho heo trước khi vận chuyển, giết mổ… liên tục được các cơ quan chức năng phát hiện. Dù biết tiêm thuốc như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến người dùng thịt heo, nhưng vì sao các đầu nậu vẫn lén lút làm việc này?

Một đầu nậu có thâm niên hơn 20 năm, cung cấp heo thịt từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ cho thị trường TP.HCM, S.T cho biết, gia đình ông trước đây có lò giết mổ heo ở Long An, nhưng do sợ “quả báo” vì thọc huyết heo quá nhiều nên đến đời ông thì bỏ nghề làm thịt heo mà chuyển sang thu mua, cung ứng heo sống nguyên con cho các lò mổ… Hiện tại, mỗi ngày S.T đều có 300 con heo đưa về các lò mổ ở Sài Gòn dù thịt heo đắt hay rẻ.

Một cảnh tiêm thuốc an thần cho heo tại lò mổ

Một cảnh tiêm thuốc an thần cho heo tại lò mổ

Những năm trước đây thuốc an thần đã được người chăn nuôi sử dụng để tiêm cho heo nái sau khi đẻ. “Sở dĩ người ta phải tiêm thuốc an thần cho heo nái vì hầu hết những con này sau khi sinh đều rất hung dữ, thường tấn công luôn chủ trại chăn nuôi để bảo vệ heo con.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp heo mẹ bị kích động sau khi đẻ dẫn đến cắn chết bầy heo con. Có thuốc an thần với liều lượng vừa đủ thì con heo mẹ không còn hung dữ, chỉ ăn rồi ngủ, heo con tha hồ bú mẹ mà không bị cắn hay bị giẫm đạp đến chết”, S.T. giải thích.

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, các thương lái tìm được hiệu quả khác của thuốc an thần nên đã sử dụng ngày một nhiều và bừa bãi. 1 xe tải chở đầy heo sống vận chuyển đi xa hàng trăm cây số luôn xảy ra chuyện heo cắn nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí giẫm đạp nhau đến chết vì không gian chật hẹp, khiến thương lái bị lỗ vốn. Khi được tiêm thuốc an thần, heo lên xe là… ngủ li bì, nên việc vận chuyển rất an toàn.

Sau khi giới thương lái truyền tai nhau “bí kíp” tiêm thuốc an thẩn để vận chuyển heo an toàn, đến lượt các chủ lò giết mổ phát hiện nếu tiêm thuốc an thần cho heo ngủ mê mệt trước khi hạ thịt thì con heo sẽ… “chết trong êm ái”, không phản kháng kêu la inh ỏi làm phiền những gia đình xung quanh lò giết mổ.

Đặc biệt là các lò mổ heo trái phép, không có kiểm dịch, không đăng ký hoạt động kinh doanh. Nếu không tiêm thuốc an thần, con heo sẽ kêu la rất lớn trước khi bị giết thịt. Còn con heo bị tiêm thuốc không hề kêu la phản kháng nên vừa không làm phiền các hộ xung quanh mà lại vừa làm các cơ quan chức năng như Chi cục Thú y, Quản lý thị trường không thể nào phát hiện.

Các loại thuốc an thần được thương lái và chủ lò mổ tiêm cho heo trước khi giết mổ

Các loại thuốc an thần được thương lái và chủ lò mổ tiêm cho heo trước khi giết mổ

Hiện nay các loại thuốc an thần tiêm cho heo được bày bán công khai rất nhiều ở các cửa hàng thuốc thú y, gồm các loại như Prozil fort, Combistress, Prozil… với giá 90.000 -100.000đ/lọ, mỗi lọ tiêm được 40 - 50 con heo với liều lượng từ 0,2 - 0,5ml/con.

Thông thường trước khi giết mổ khoảng 2 giờ thì chủ lò tiêm thuốc cho heo, sau đó con heo sẽ thấm thuốc ngủ li bì, không có bất kỳ phản ứng hay tiếng kêu la nào khi các nhân công của lò mổ đem đi giết thịt.

“Tui không biết rõ thịt heo có tiêm thuốc an thần có tác hại như thế nào đến sức khỏe con người, nhưng các loại thuốc an thần tiêm cho heo bày bán công khai thì chắn chắn là họ được phép bán. Theo chỗ tui biết, hiện nay thương lái vận chuyển heo trên đường và chủ lò mổ đều sử dụng thuốc an thần tiêm cho heo.

Nếu bị phát hiện thì chỉ nộp phạt vài chục triệu đồng là xong. Mới đây tui còn phát hiện nhiều thương lái, chủ lò mổ tiêm thuốc an thần xong, chờ cho heo thấm thuốc ngủ li bì thì lại tiếp tục… bơm nước để heo tăng thêm trọng lượng”, S.T. nói.

Các loại thuốc tâm thần phổ biến được tiêm cho heo hiện nay bao gồm Combistress và Prozil. Các loại thuốc này đều chứa thành phần chính là Acepromazin, có tác dụng AT kinh (neuroleptique) mạnh và tác dụng phụ là gây ngủ, hạ huyết áp, giãn mạch ngoại vi, giảm đau..., có thêm Atropin để hạn chế heo tiết dịch, ói mửa. Acepromazin bị cấm dùng cho người nhưng lại được dùng trong Thú y, để AT chó mèo làm giảm hung dữ, dễ huấn luyện; dùng khi thú đẻ, mổ, thiến, chống nôn cho lợn, chó, mèo; chống lợn nái cắn con khi bú...

Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, các thương lái thường tiêm thuốc an thần cho heo nhằm để heo bớt "quậy" bởi heo bị sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ vùng vẫy rất dữ khi được đưa vào giết mổ, ngoài ra còn giúp thịt đẹp nhờ giãn mạch sau khi tiêm thuốc, trong khi người sử dụng thực phẩm có tồn dư thuốc an thần sẽ có nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Theo TS Lê Thanh Hiền - trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM), người sử dụng sản phẩm có chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt...

Nếu trong trường hợp có tương tác với thuốc khác có thể làm tình trạng lâm sàng phức tạp hơn. Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận.

Lâu nay, nhiều chủ trại chăn nuôi heo cũng thường tiêm thuốc an thần cho heo giống quá hung hăng kích động khi thực hiện việc chuyển trại hoặc mới nhập trại. Tuy các loại thuốc an thần sử dụng trong lĩnh vực thú y đang bày bán trên thị trường đều được sự cho phép của Bộ NN&PTNT, nhưng những loại thuốc này không được phép sử dụng với heo thịt chuẩn bị giết mổ.

Nếu chủ trại chăn nuôi đã sử dụng thuốc an thần cho heo thì phải thực hiện việc cách ly thời gian từ 5 - 7 ngày sau khi tiêm để thuốc có thời gian đào thải ra khỏi cơ thể heo mới được giết mổ.

Nhưng trên thực tế thì rất khó kiểm soát việc thương lái, chủ lò giết mổ tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết thịt. “Do thuốc an thần tồn tại trong gan, cơ, thận của heo và được đào thải chậm nên nếu heo vừa được tiêm thuốc rồi giết mổ ngay đưa thịt ra thị trường tiêu thụ sẽ tồn dư trong thịt một lượng thuốc rất lớn.

Bởi lẽ rất khó phát hiện hoặc kiểm soát việc sử dụng bừa bãi thuốc an thần của thương lái, chủ lò giết mổ khi họ tiêm cho heo, nên chắc chắn liều lượng sử dụng có thể rất cao so với chỉ định và sẽ tồn lưu trong thịt heo bày bán trên thị trường, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng”, 1 vị cán bộ thú y nói.

Việc tiêm thuốc an thần nhằm chống heo sốc, cắn nhau, giãy giụa, kêu, ói mửa khi vận chuyển, hạn chế hao thịt, bầm tím hay heo chết; nhưng thuốc thần tiêm vào heo trước khi giết mổ làm thịt đỏ tươi như thịt bò, bắt mắt, miếng thịt luôn ướt, tươi, dẻo, mà người mua nào cũng thích… mới là thực chất “chiêu trò”.

“Theo lời các chủ lò mổ quen biết thì việc tiêm thuốc an thần sẽ khiến thịt heo mềm, đỏ đẹp.

Do vậy khi đi chợ, người tiêu dùng cần chú ý không nên chọn các loại thịt mềm, ướt, có màu đỏ tươi bất thường, các xớ thịt căng mọng, vì có nhiều khả năng thịt đó còn tồn lưu thuốc an thần và đã bị bơm nước”, S.T. đưa ra một số cách nhận biết heo bị tiêm thuốc tâm thần.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc