Hiện tượng mưa sao băng là gì?

( PHUNUTODAY ) - Mưa sao băng là một hiện tượng thiên nhiên không còn mới lạ đối với mỗi chúng ta. Tuy nhiên, khi được hỏi về hiện tượng mưa sao băng là gì?, xảy ra như thế nào? Và nguyên nhân vì sao có mưa sao băng thì không phải ai cũng biết.

Mưa sao băng là gì?

Mưa sao băng xảy ra khi bụi hoặc các mảnh nhỏ từ các tiểu hành tinh hoặc sao chổi đi vào khí quyển Trái đất ở tốc độ rất cao. Khi băng qua khí quyển, chúng va quẹt với các hạt không khí và tạo ra ma sát, làm nóng các mảnh nhỏ. Nhiệt làm bốc hơi đa số mảnh nhỏ, tạo ra cái chúng ta gọi là sao băng.

Đa phần sao băng có thể nhìn thấy được ở độ cao chừng 60 dặm (96,5 km). Một số sao băng lớn nổ tung tóe, gây ra một lóe sáng rực rõ gọi là quả cầu lửa, chúng thường có thể nhìn thấy vào ban ngày và ở xa 30 dặm (48 km) vẫn có thể nghe thấy. Tính trung bình, các sao băng có thể lao vút trong khí quyển ở tốc độ khoảng 30.000 dặm/giờ (48.280 km/h) và đạt tới nhiệt độ khoảng 3000 F (1648 C).

Đa số sao băng rất nhỏ, một số nhỏ xíu như hạt cát, cho nên chúng biến mất trong không khí. Những sao băng lớn rơi tới mặt đất được gọi là thiên thạch và ta hiếm gặp chúng.

mua-sao-bang-3

 Ảnh minh họa.

Tại sao có mưa sao băng?

Nguyên nhân chính làm xuất hiện mưa sao băng chính là các Sao Chổi. Sao Chổi là những thiên thể quay quanh mặt trời với quỹ đạo Hyperbol hoặc elip.

Do Sao Chổi được cấu tạo bởi băng, bụi và đá nên khi chuyển động gần Mặt Trời chúng bị tan tạo thành những dải bụi trên quỹ đạo.

Khi Trái Đất đi ngang qua quỹ đạo bay của Sao Chổi thì bụi khí sẽ bay vào trong khí quyển làm xuất hiện rất nhiều sao băng và được gọi là Mưa Sao băng.

Trong hành trình chuyển động quanh Mặt trời hàng năm của mình Trái Đất sẽ đi qua những giao điểm của nó và một Sao Chổi tại thời điểm xác định, do đó các trận mưa sao băng là có chu kỳ, và chu kỳ của tất cả các trận mưa sao băng đều là 1 năm.

Quan sát mưa sao băng như thế nào?

Người yêu thiên văn hoàn toàn có thể quan sát mưa sao băng bằng mắt thường mà không cần tới sự trợ giúp của các dụng cụ thiên văn.

Kẻ thù của quan sát thiên văn nói chung và mưa sao băng nói riêng là mây và sự ô nhiễm ánh sáng trong thành phố. Ánh sáng thành phố cản trở rất nhiều việc quan sát sao băng trên bầu trời đêm.

Mặt trăng cũng là vật cản trở khác khi quan sát mưa sao băng. Ánh sáng từ Mặt trăng cũng át gần hết các ngôi sao khác, tốt nhất nên chọn những thời điểm không có trăng để quan sát.

Những trận mưa sao băng kinh điển

Mưa sao băng Perseid: thường xuất hiện từ giữa tháng 7 và đạt đỉnh vào giữa tháng 8.

Mưa sao băng Perseids là do các mảnh vỡ của sao chổi 109P/Swift-Tuttle (S-T) rơi vào khí quyển mà tạo thành. Khi đạt đỉnh, chúng ta có thể quan sát khoảng 100 vệt sao băng rơi mỗi giờ.

Mưa sao băng Leonids: xuất hiện vào khoảng giữa tháng 11 hàng năm (thường từ ngày 13/11 – 21/11). Đây là cơn mưa sao băng duy nhất trong năm có khả năng gây ra bão. Theo chu kì 33 năm, mưa sao băng Leonids sẽ lớn bất thường, khi đạt đỉnh có thể mang tới hàng nghìn sao băng bay vào bầu khí quyển.

Sự kiện này lần đầu tiên xảy ra vào năm 1833, khi một cơn bão sao băng Leonids đổ bộ Trái đất. Khi đó, thậm chí không ít kẻ mê tín dị đoan cho rằng, Leonids chính là biểu hiện cảnh báo Ngày Tận thế của nhân loại.

Lần gần đây nhất bão sao băng Leonids xuất hiện là hồi năm 2002, với tần suất 3.000 sao băng/ giờ. Bạn sẽ phải chờ đợi đến năm 2028 mới được chứng kiến một hiện tượng thiên văn kì thú bậc nhất trong lịch sử tiếp theo.

Mưa sao băng Geminid: xuất hiện vào giữa tháng 12 ở độ cao 100km so với mặt đất. Khi mưa đạt đỉnh, chúng ta có thể quan sát từ 50 tới 100 vệt sao băng mỗi giờ.

Về bản chất, chúng vốn là các mảnh thiên thạch của sao chổi 3200 Phaethons bay vào khí quyển Trái đất. Các vệt sao băng phát sáng bay ngang và gần như trùng lặp vào đường chân trời.

Theo:  khoevadep.com.vn