Phụ nữ càng đảm đang, đàn ông càng ỷ lại: Càng biết làm nhiều càng khổ!

( PHUNUTODAY ) - Lấy được một người phụ nữ đảm đang, đàn ông dần dần sẽ sinh tật ỷ lại. Vì thế hãy tự yêu thương lấy bản thân, đừng gồng mình gánh vác tất cả, tội cho đôi vai gầy ấy lắm.

Niềm hạnh phúc của một người phụ nữ chính là được chăm sóc cho những người thân yêu của mình. Họ cảm thấy vui sướng khi thấy chồng con ăn ngon lành những món mình mướt mồ hôi nấu nướng, thấy yên tâm khi chồng con bước ra đường tươm tất từ đầu đến chân. Và họ tự hào khi mình có thể tự tay vun vén, cho chồng con những điều tốt nhất.

Tuy nhiên, rất nhiều người phụ nữ đã buồn bã thú nhận với nhau rằng: Bản thân mình quần quật nấu ăn cả năm cho chồng nhưng khi mình mệt, ốm sốt chưa bao giờ được chồng nấu cho 1 bữa dù là bát cháo suông. Ngày này qua tháng khác mình dọn dẹp, vun vén nhà cửa không ai biết nói tiếng cảm ơn nhưng khi mệt mỏi không làm lập tức có người lên tiếng phàn nàn, chê trách phụ nữ bỏ bê nhà cửa.

Những gì phụ nữ hy sinh cho gia đình không ai trân trọng nhưng hễ chồng vứt 1 bịch rác nhỏ hay quét hộ cái nhà đã lập tức kể công. Đó không phải là chuyện hiếm mà dường như rất phổ biến trong đời sống hiện nay. Phụ nữ đảm đang, hy sinh, quên mất bản thân mình để vun vén cho nhà cửa nhưng người đàn ông bên cạnh lại sống rất vô tâm, lạnh nhạt.

Có một người chị rất giỏi chuyện nhà. Chị nấu ăn ngon. Mỗi bữa ăn của chị rất nhiều món cầu kì, lại bày biện rất đẹp mắt. Công việc bận nhưng mỗi ngày chị đều dậy thật sớm để đi chợ. Chị bảo phải đi chợ sớm mỗi ngày mới mua được những thứ tươi ngon nhất cho bữa cơm. Bước đến nhà chị, ai cũng trầm trồ về sự ngăn nắp, sạch sẽ. Chị ôm mọi việc vào người.

Bởi phải chính tay chị làm việc nhà chị mới thấy yên tâm. Chồng chị giặt đồ chị chê là không sạch. Con chị học lớp 12, muốn nấu nướng chị cũng không cho vì con nêm nếm không ngon. Chị đi làm về trễ, chồng muốn ra ngoài ăn chị lại bảo không hợp vệ sinh. Chưa kịp thay quần áo, chị lại lao đầu vào nấu nấu nướng nướng để cho chồng con có bữa cơm tươm tất.

Empty

Không chỉ vậy, chị cũng hiếm khi tham gia tiệc tùng, ăn uống sau giờ tan ca với đồng nghiệp vì sợ chồng con ở nhà đói. Cứ như thế, chị như con thiêu thân chị cuốn vào hàng đống công việc không tên. Và chồng con chị dần dần ỷ lại. Họ không đụng tay bất kì vào việc gì vì đã có chị lo. Những khi chị đi làm chưa về, chồng cũng chỉ nằm ườn bấm điện thoại. Chỉ cần chị không dọn dẹp 1 bữa, từ nhà khách đến nhà bếp hỗn độn như bãi chiến trường. Lâu nay, mọi người trong gia đình quen được hầu hạ, coi đó là việc hiển nhiên và chẳng bao giờ quan tâm đến sự mỏi mệt của chị.

Đến một giai đoạn, phụ nữ sẽ nhận ra mình chẳng khác nào người giúp việc còn chồng thì lại sống sung sướng, ung dung như những ông chủ, cần gì là được đáp ứng. Phụ nữ trách chồng sống quá ích kỷ tuy nhiên, phụ nữ à, chính sự đảm đang, sống cạn kiệt vì người khác đã khiến đàn ông ỷ lại.

Phụ nữ hãy nhớ lại đi, ngay từ những ngày đầu về ra mắt nhà chồng tương lai chúng ta đã e dè, sợ sệt và cố tỏ ra mình đảm đang ra sao. Nhà người yêu nấu nướng, chúng ta lao vào bếp làm hết mọi việc. Ăn xong lại cắm đầu rửa chén, dọn dẹp. Điều chúng ta mong là gia đình anh ấy nhận thấy mình giỏi bếp núc, nội trợ, có thể làm tốt việc làm dâu, làm vợ. Và dần dần, chuyện bếp núc, cơm nước được “ưu tiên” luôn cho chúng ta đến khi làm vợ, làm dâu thực sự.Và ngay những ngày đầu tiên làm vợ, chúng ta thật sự hạnh phúc khi được chăm sóc chồng.

Nấu cơm, giặt quần áo, vun vén nhà cửa… tất cả những điều ấy đều khiến phụ nữ chúng ta vui sướng. Thời gian đầu, ai cũng nỗ lực chăm sóc chồng 1 cách tốt nhất, hoàn hảo nhất và không ít người đã nói với chồng rằng: “Từ nay anh đừng làm gì cả, đã có vợ anh chăm sóc cho anh rồi!”. Và dần dần, từ việc lớn đến việc nhỏ, mọi việc đều dồn lên đôi vai nhỏ bé của phụ nữ.

Đừng để sự hy sinh, đảm đang của phụ nữ trở thành thói quen và đàn ông sẽ nghĩ rằng mình không làm đã có vợ làm thay. Khi vợ mướt mồ hôi, quán xuyến nhà cửa, đón con, nuôi dạy con thì có những ông chồng vẫn ung dung, đủng đỉnh ngồi ở quán nhậu như những gã độc thân.

Phụ nữ à, bớt đảm đang, bớt hy sinh và cầu toàn đi. Bởi vì càng đảm đang lắm thì càng mệt mỏi nhiều mà thôi!

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn