Khuôn mặt chằng chịt sẹo, dấu vết của những lần đánh nhau để tranh giành địa bàn bán ma túy, Thắng bảo không còn hận vợ dù chính cô ta đã đẩy anh vào cảnh nhà tan cửa nát, hai em trai chết vì nghiện.
[links()]
Gần 12 năm “bầu bạn” với ma túy đã để lại cho Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1968, ở phường Tiền Phong, TP. Thái Bình) nước da đen bủng và đôi mắt mà tròng đen ngày càng có xu hướng thu nhỏ lại. Thắng là trại viên mới của cơ sở giáo dục Thanh Hà, nhưng trước đó anh ta đã 4 lần đi tù về các tội trộm cắp, cướp giật và tàng trữ ma túy.
Vừa làm anh vừa làm cha
Diện mạo to đen, nét mặt u sầu của Thắng thật khó đoán tuổi. Nhưng qua trò chuyện mới thấy anh ta có một “kho” tâm sự với ngổn ngang những éo le cuộc đời.
Con trai thành phố nhưng nghề truyền thống của gia đình Thắng lại là nghề thợ rèn, chuyên cung cấp liềm, hái, lưỡi xẻng, lưỡi cuốc. Hỏi Thắng có theo nghề bố mẹ không, anh ta cười bảo có, lúc nhỏ thì làm chung cửa hàng với bác, tới khi bác mất thì tự mình độc lập.
Là anh cả trong một gia đình có 3 anh em trai, ngay từ lúc bắt đầu trưởng thành, Thắng đã rất ý thức về trách nhiệm con trưởng của mình nên ngoài giờ đi học, về nhà là lăn ra cửa hàng giúp đỡ cha mẹ, lúc thì quay bễ lò, khi thì ngồi giữ phôi hàng cho bố quai búa rèn cuốc, xẻng.
Thấy con chăm chỉ, có bao nhiêu kinh nghiệm, bố Thắng đem hết ra truyền nghề cho con, song vẫn động viên Thắng cố học, đừng theo nghề rèn làm gì cho vất vả.
Nghề thợ rèn, suốt ngày lấm lưng, lấm mặt, hít bụi than nên bố mẹ Thắng lâm trọng bệnh khi còn rất trẻ. Tiền của đổ ra cứu người mà không được, 19 tuổi, Thắng trở thành trụ cột trong nhà khi cùng một năm cả bố và mẹ lần lượt qua đời, để lại khoản nợ tiền thuốc thang sau nhiều năm đau ốm.
Hai em trai còn đang đi học, trước cảnh nhà nợ nần chồng chất, Thắng tưởng như phát điên vì không biết phải làm gì trong khi bản thân chưa có việc làm. Gia tài chỉ có đất, Thắng bán đi một phần vừa trả nợ, vừa lo chuyện ăn học cho hai em và có một chút vốn để “nuôi” cửa hàng rèn do người cha để lại.
Thương đứa cháu mồ côi, bác Thắng cũng sang giúp, ngày ngày cùng Thắng tay đe, tay búa, rèn nông cụ bán cho người sử dụng, tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian thì người bác này mất.
Thắng và trại viên trong đội đang trong giờ chăn nuôi lợn |
Còn lại một mình nhưng Thắng cũng cứng cáp hơn rất nhiều sau những ngày có bác phụ giúp, chỉ bảo. Có sức khỏe và chăm chỉ, Thắng giữ được nhiều mối khách chủ yếu là những người bán hàng nông cụ ở các chợ huyện nên công việc đều quanh năm, cuộc sống của ba anh em cũng vì thế mà tạm ổn.
Hai cậu em sau khi học hết PTTH đều được Thắng lo cho đi học nghề, nhưng thật không may cho Thắng, sau khi ra nghề, đi làm ở các tỉnh vùng cao, cả hai lần lượt dính vào ma túy. Người em út nghiện trước, dính vào ma túy trong thời gian nhận công trình làm đường ở Bá Thước.
Ngày biết tin em mình nghiện, Thắng như phát cuồng, vội vàng lên xã vùng cao đón em trai về, động viên cai nghiện tại nhà. Thắng tự tay xích em mình vào chân giường. Dù công việc bận rộn song hàng ngày vẫn dành thời gian lo cho em từng miếng nước, bát cơm.
Biết em trai hay mặc cảm, Thắng tìm những lời nói nhẹ nhàng, khuyên nhủ em và tuyệt nhiên không một lần mắng chửi dù nhiều lúc bị người em lên cơn nghiện, vớ được thứ gì là ném cả vào anh.
Nhìn cảnh anh trai bị đứa em đối xử không ra gì, nhiều lúc không kìm nén được, người em giáp sau Thắng đã đánh cậu em út rất đau, thậm chí còn bắt anh trai bỏ đói cho chừa nhưng Thắng không nỡ.
“Tôi chỉ nghĩ thương nó, lúc bố mẹ mất còn quá nhỏ nên cũng có phần chiều nó hơn, đâu ngờ… Nó chết rồi, chết vì HIV, một phần cũng lỗi tại tôi. Vì tôi không cương quyết, tôi sống để tình cảm chi phối nên mới thế”, Thắng trầm giọng.
Rồi em trai Thắng cũng dứt được cơn nghiện, sau gần nửa năm bị anh quản thúc ở nhà, đã đi làm. Thắng không đồng ý, muốn em ở nhà phụ việc với mình vì nghĩ như thế mới “giữ” được em, cách ly đám bạn nghiện.
Nhưng rồi chính anh lại bị sự yếu mềm vì lòng thương em làm cho thay đổi. Thấy em sức khỏe không như mình, suốt ngày buồn bã vì không được ra ngoài vùng vẫy, Thắng cũng cảm thấy chạnh lòng liền gọi người em sát mình khi đó đang làm chủ thầu xây dựng về bàn chuyện.
Nghe anh nói, người em này bảo cho cậu út đi xây cùng mình, hứa sẽ quản chặt, không để cho tái nghiện. Thắng yên tâm vì biết người em này nóng tính nhưng cương quyết, chắc sẽ giúp em đoạn tuyệt với ma túy, đâu ngờ đứa em mà Thắng hết sức tin tưởng ấy lại bị con nghiện trong người cậu út làm cho mê hoặc.
Dính nghiện vì vợ “cuỗm” tiền bán nhà
Mặc dù rất bận rộn với những lo toan công việc và cuộc sống của hai đứa em, song Thắng vẫn có những tháng ngày hạnh phúc với người con gái ở xã lân cận. Họ quen nhau thật tình cờ, chỉ vài lần cô gái mang dao tới nhờ “đánh” lại, thế là nên duyên chồng vợ.
Ngôi nhà nhỏ vốn chỉ ồn ã vì tiếng bễ, tiếng búa, giờ đã đầm ấm hơn khi có bàn tay phụ nữ. Từ ngày có vợ, Thắng càng chăm chỉ hơn, lượng hàng anh làm ra, bán đi cũng nhiều hơn trước. Hai đứa con một trai một gái lần lượt chào đời. Hạnh phúc như đang mở rộng cửa đón vợ chồng Thắng.
Con khỏe, vợ chăm, đúng lúc Thắng cảm thấy không còn mong gì hơn thì hai người em đột ngột trở về sau hai, ba năm trời bặt tin. Nhìn dáng vẻ tơi tả của hai em, Thắng tê tái lòng vì biết từ đây mái ấm gia đình của mình sẽ không còn yên ả như trước.
Khuyên em cai nghiện không nổi, nhiều lúc Thắng cảm thấy tuyệt vọng khi không thể canh nổi chúng bởi mắt trước mắt sau là chúng trộm tiền, không thì bê đồ đi đổi ma túy. Thương em, thương vợ con, Thắng động viên vợ cùng mình gánh vác nhưng về lâu về dài là không thể.
Nghe vợ phân tích, nếu còn ở chung nhà với hai cậu em, đứa con trai đang tuổi lớn của Thắng rất dễ có nguy cơ bị lôi kéo vào tệ nạn, chưa nói gì tới tương lai sau này của cô con gái lớn, Thắng đồng ý bán đi phần lớn mảnh đất đang ở, lấy tiền về nhà ngoại xây nhà.
Anh dự định sau khi về nhà ngoại, dựng được căn nhà để ở sẽ tiếp tục nghề rèn để kiếm sống và chu cấp cho hai em. Đâu ngờ nhà mới đào móng, một đêm ngủ dậy, thấy thấy chỉ còn trơ lại một mình. Cô vợ ôm bọc tiền hơn 400 triệu đồng, dẫn hai con biến mất không một lời nhắn gửi.
Thắng ngơ ngác, bố mẹ vợ cũng lắc đầu không biết, chẳng còn biết hỏi ai, Thắng đành quay về nhà với đôi bàn tay trắng.
“Thú thực là cho đến lúc này tôi vẫn còn hận vợ tôi lắm. Gia cảnh như thế, hai đứa em thì nghiện ngập thế mà cô ấy nỡ bỏ tôi, ôm tiền dẫn con đi”, Thắng tâm sự.
Cửa hàng không còn, chỉ còn mảnh đất nhỏ với gian bếp bé tẹo vẫn làm chỗ tá túc của hai người em, Thắng đành phải về đấy trú ngụ. Ngày ngày nhìn hai em lên cơn nghiện, cào cấu mặt mũi, Thắng cảm thấy tuyệt vọng.
Và trong lúc chưa tìm ra lối thoát, anh đã buông xuôi tất cả. Không còn nỗi đam mê làm hàng, Thắng dùng số tiền ít ỏi do các mối hàng trả nợ để tồn tại, giải sầu bằng rượu và thuốc lá. Khi trong túi không còn tiền, anh nghĩ tới tài sản của hàng xóm.
Bị bắt về tội trộm cắp, không chỉ láng giềng ngỡ ngàng mà ngay cả Thắng cũng bàng hoàng khi biết mình bị kết án 18 tháng tù giam. Gần một năm cải tạo, trở về, cho dù rất quyết tâm song nỗi mặc cảm “thằng tù có hai em nghiện ngập” đã khiến Thắng chật vật mới kiếm đủ miếng ăn bằng nghề phụ hồ.
Những lúc rảnh rỗi, Thắng lại qua nhà ngoại hỏi tin tức về vợ con nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Hai em trai thì ngày càng nghiện nặng, bản thân thì vợ con bỏ rơi, vốn liếng không có nên dù đã rất nỗ lực, hai năm sau, Thắng cũng không gượng nổi nữa. Anh theo gót hai em, dính vào ma túy và đương nhiên để có tiền hút hít, tiền chu cấp cho hai em, Thắng phải đi cướp, đi bán ma túy.
Ba án tù liên tiếp đã đưa Thắng có mặt tại các trại giam Ba Sao, Thanh Lâm và trại tạm giam Công an Thái Bình. Những vết sẹo theo thời gian cũng nhiều lần do va chạm trong những lần tranh giành địa bàn bán ma túy với các con nghiện khác.
Thắng bảo, lần vào tù lâu nhất là hơn 4 năm, về nhà một thời gian sau mới tái nghiện do đi mua ma túy cho em trai chích mà không nhịn được.
“10 năm sống với em trai nghiện, mãi tới lúc vợ con bỏ đi, em mới dính nhưng cũng chưa dính sâu lắm, vài ngày không dùng vẫn chịu được”, Thắng kể.
Hai em trai sau một thời gian dài bê bết với ma túy, lần lượt nhiễm HIV do chung chạ khi tiêm chích. Thắng không dính HIV vì “giữ gìn” hơn. Khi nói về đứa em đã chết, giọng thật chua xót, Thắng bảo giá như vợ anh ta không tệ bạc cầm tiền bỏ đi, cuộc đời anh ta không đến nỗi xuống dốc thế này và biết đâu hai đứa em sẽ cai nghiện được.
Do thường xuyên trộm cắp vặt nên Thắng bị đưa vào cơ sở giáo dục. Hơn 10 năm nghiện nên khi vào cơ sở giáo dục, Thắng không thể cai nghiện ngay được. Nhưng bằng ý chí và quyết tâm, Thắng muốn nhân cơ hội này đoạn tuyệt với ma túy.
Theo lời Thắng thì “ở bên ngoài chơi ma túy lúc nào thì vào đây lên cơn vật lúc đó” nên để cai chay, đêm đêm, dù trời nắng nóng hay giá lạnh, Thắng đều trở dậy ngồi cạnh bể nước để hễ lên cơn nghiện là múc nước dội vào người cho “vã”.
Thắng bảo, thời gian đầu, mỗi đêm phải “tắm” chục lượt, người ướt như chuột, ngồi rên hừ hừ từ nửa đêm cho tới sáng. Nhưng gần 1 năm nay thì đỡ rồi, giờ mỗi đêm chỉ dậy 1-2 lần dội nước theo thói quen mà thôi.
Hỏi Thắng còn hận vợ không, anh ta cười buồn không đáp. Thắng bảo giờ chẳng nghĩ gì cả, chỉ muốn sau khi về dọn dẹp lại căn bếp, mở lại nghề rèn xưa kia để kiếm sống. “Bố vợ tôi mới viết thư lên, thông báo đã tìm được nơi vợ con tôi ở, giờ cũng vất vả lắm”, Thắng kể.
Sau khi dẫn hai con xuống Hải Phòng làm ăn, vợ Thắng bị lừa hết tiền, giờ cả mẹ cả con phải đi làm phụ hồ kiếm sống, muốn về quê mà không dám vì sợ chồng không tha thứ. Thắng bảo, từ hôm nghe bố vợ nói thế, anh càng suy nghĩ nhiều hơn, càng thấy phải quyết tâm cho ngày về lương thiện để “làm chỗ dựa cho hai con”.
Nghe Thắng quyết tâm, nghĩ tới cảnh anh ta cai chay bằng cách dội từng thùng nước lạnh lên người, tôi nghĩ chắc chắn Thắng sẽ làm được, trở thành người lương thiện sau những bi quan, chán nản.
- Minh Châu