1. Vào năm 2008, trong một chuyến đi tới đất nước đạo Hồi Indonesia, nhiếp ảnh gia Stephanie Sinclair, đã được chứng kiến một cảnh tượng các bà mẹ đạo Hồi, vùng Bandung đưa con gái đi cắt bớt bộ phận sinh dục ngoài (hay còn gọi là cắt bao quy đầu ở nữ) vào ngày sinh nhật của nhà tiên tri Mohammed.
Gần 250 bé gái dưới năm tuổi đã được mẹ đưa đến một trung tâm để thực hiện cuộc tiểu phẫu này. Trong những bức ảnh mà Stephanie chụp, ghi lại cảnh phẫu thuật này đã khiến không ít người phải bàng hoàng vì nỗi đau mà những bé gái phải chịu đựng vì hủ tục kì lạ này. Và một lần nữa, hồi chuông cảnh tỉnh phải chấm dứt hủ tục cắt bao quy đầu ở các bé gái trước tuổi dậy thì, lại được dóng lên.
Theo như số liệu của tổ chức y tế thế giới công bố thì hằng năm, có khoảng hơn 3 triệu em gái trên 28 quốc gia bị cắt bộ phận sinh dục, mặc dù chiến dịch chống tập tục này đã được phát động toàn cầu từ lâu. Phần lớn các quốc gia duy trì tập tục đáng sợ này là các quốc gia Châu Phi và các nước theo đạo Hồi.
Trong thực tế, hủ tục này là một hoạt động tiến hành cắt bỏ nếp da bao quanh âm vật. Do mặt trong lớp da này có những tuyến tiết ra dung dịch chất nhờn mà khi tích tụ sẽ tạo ra một lớp cặn gây mùi hôi nên theo quan niệm từ xa xưa của các quốc gia Châu Phi và Đạo Hồi thì nếu lưu giữ lớp da này, các bé gái sẽ “sở hữu” một bộ phận sinh dục không sạch sẽ, nhiều ô uế, không bảo vệ được trinh tiết của mình và thậm chí là không thể sinh con trai để nối dõi cho gia đình nhà chồng vì những lời cầu nguyện sẽ không thể đến với thánh thần. Chính bởi vậy, trước khi đến tuổi dậy thì, các bé gái phải được cắt bỏ lớp da ngoài này (hay còn được gợi là cắt bao quy đầu ở nữ).
Các bé gái được đưa đi cắt bao quy đầu thường rất nhỏ, phải chưa đến tuổi dậy thì. Có khi, những bé gái chỉ mới lên 2 – 5 tuổi cũng được mẹ đưa đi để cắt bao quy đầu.
Ở một số các nước đạo Hồi thì đây là một hoạt động miễn phí, được tài trợ bởi Quỹ Assalaam, một tổ chức giáo dục và dịch vụ xã hội Hồi giáo. Hoạt động này sẽ diễn ra chủ yếu vào mỗi mùa xuân. Các em nhỏ sẽ được mẹ dẫn đến trung tâm và trao cho một nhóm những người phụ nữ có kinh nghiệm tiến hành làm tiểu phẫu cắt bao quy đầu âm vật, thu hẹp cửa mình.
Thủ tục phẫu thuật này được tiến hành trong vài phút và các bé gái không mất quá nhiều máu. Sau khi được cắt bỏ lớp da, cửa mình của các bé gái sẽ được sát trùng. Tiếp đó, các bé gái được đưa vào một căn phòng để nghỉ ngơi. Tại đây, các bé gái sẽ được nhận một món quà nhỏ (có thể là một bộ quần áo mới), gọi là đánh dấu sự trong sạch của các bé và ăn mừng bằng một số loại hoa quả hay uống một cốc sữa trước khi đi về nhà.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát được các nhà xã hội học tiến hành ở Indonesia, 96% các gia đình được hỏi đã thừa nhận rằng họ đã cho con gái mình trải qua việc cắt bao quy đầu trước khi chúng 14 tuổi.
2. Trong khi đó, ở các quốc gia Châu Phi khác, nghi thức “cắt bao quy đầu” có phần đáng sợ hơn và nó trở thành nỗi ám ảnh trong trí nhớ của mỗi người phụ nữ. Người châu Phi quan niệm, dù là nam hay nữ đều có bao da quy đầu, chúng là những nếp gấp da bao quanh cơ quan sinh dục và được xem là bộ phận không tốt, cần phải cắt bỏ để giữ sự tinh khiết. Thông thường, hủ tục cắt bao quy đầu nữ thường diễn ra với các bé gái trong độ tuổi từ 4 đến 8.
Ngoài việc cho rằng, cắt bao quy đầu ở các bé gái sẽ giúp cho các em trở thành những người phụ nữ trinh tiết, trong sạch, trong quan niệm của những người dân Châu Phi, việc cắt bao quy đầu còn là một nghi lễ đánh dấu cho sự kết thúc tuổi thơ để bước sang giai đoạn trưởng thành. Bởi vậy, những bé gái không trải qua phẫu thuật cắt bao quy đầu sẽ không được lập gia đình.
Nghi lễ cắt bao quy đầu của các bé gái ở Châu Phi thường diễn ra vào buổi sáng sớm của tháng 12 trong năm. Khi đó, gia đình bé gái phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ phẫu thuật là những con dao thô sơ được mài thật sắc. Các bé gái phải cắn răng chịu hoàn toàn nỗi đau về thể xác do không được sử dụng thuốc gây tê. Những “ca phẫu thuật” kiểu hoang dã này thường được thực hiện bởi nhóm phụ nữ có kinh nghiệm trong làng.
Không giống như việc cắt bỏ bao quy đầu được thực hiện ở một số các quốc gia Hồi Giáo do các trung tâm hỗ trợ, các bé gái ở Châu Phi sẽ phải chịu đựng một khoảng thời gian phẫu thuật khá lâu do các dụng cụ sử dụng vô cùng thô sơ. Thêm vào đó, trong suốt quá trình tiến hành nghi thức kéo dài hàng tiếng đồng hồ, các bé gái sẽ phải liên tục thổi sáo và hát.
Chưa hết, sau cuộc phẫu thuật, những người phụ nữ sẽ sử dụng loại dây thép mỏng để khâu vết cắt mà không dùng bất kỳ phương pháp cầm máu nào. Theo ước tính của tổ chức y tế thế giới, có 1/3 số phụ nữ Kenya ở độ tuổi 15 tới 49 đã phải trải qua hủ tục rợn tóc gáy này. Đặc biệt, Kisii là địa danh mà hủ tục có cơ hội “hoành hành” nhiều nhất, tới 97% phụ nữ tham gia nghi lễ.
Ở Somalia, 95% các bé gái đều phải thực hiện tập tục này trước khi 5 tuổi. Hay như ở Ai Cập, thì hầu như tất cả nữ giới đều phải trải qua hủ tục đau đớn này. Bà Zayednap, một người Ai Cập, cho biết rằng ở làng quê của bà, hầu như tất cả nữ giới đều trải qua phẫu thuật cắt bộ phận sinh dục. Em gái của bà cũng đã phẫu thuật khi cô ấy bắt đầu học cấp hai.
3. Việc tiến hành cắt bỏ bao quy đầu ở các bé gái đều được các bà mẹ thực hiện với niềm tin rằng họ đang làm một điều tốt cho sức khỏe cũng như cuộc sống của con gái mình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cắt bao quy đầu ở những bé gái còn nhỏ tuổi có thể gây đau đớn, băng huyết, nhiễm trùng và thậm chí là dẫn tới tử vong nếu người thực hiện không có đủ chuyên môn cũng như dụng cụ giải phẫu. Không những vậy, việc cắt bao quy đầu có thể ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến khả năng tình dục của các bé gái sau khi phát triển hay để lại những nỗi ám ảnh về tâm lý sâu sắc.
Ngoài ra, nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới đã kết luận rằng hành vi cắt bao quy đầu ở các bé gái không chỉ gây tổn hại tới sức khỏe của trẻ em gái mà còn ảnh hưởng tới việc sinh nở. Các nhà khoa học đã có những bằng chứng đầu tiên về biến chứng sản khoa có liên quan tới việc cắt âm hộ. Kết quả nghiên cứu đối với 28.000 phụ nữ tại 6 nước châu Phi phát hiện rằng những bà mẹ càng có các dạng cắt âm hộ phức tạp thì càng gặp nhiều biến chứng hơn. Hành vi này cũng đồng thời liên quan tới tỷ lệ cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có tới từ 10 đến 20 ca chết non.
Ông Laura Guarenti, một bác sĩ sản khoa, thành viên của tổ chức WHO chăm sóc cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Jakarta đã khẳng định rằng việc cắt bao quy đầu ở trẻ em gái thực tế hoàn toàn không có giá trị y tế nào cả. Nó 100% là điều không nên làm.
Tổ chức Y tế Thế giới đã can thiệp và khuyến cáo cần chấm dứt tình trạng này. Chính phủ của các quốc gia có hủ tục này cũng đã không ngừng cố gắng để xóa bỏ hủ tục đau đớn này đối với các bé gái.
Từ năm 1997, Ai Cập đã ban hành lệnh cấm cắt bớt bộ phận sinh dục của nữ giới ngoại trừ trường hợp bắt buộc về mặt y tế. Các bác sĩ cũng bị cấm tiến hành làm phẫu thuật trái phép. Hay như, trong nhiều năm nay, chính phủ Kenya rất nỗ lực để nghiêm cấm hủ tục này. Bố mẹ các bé gái thậm chí có thể phải ngồi tù hay bị phạt rất nhiều tiền nếu để con gái họ thực hiện nghi lễ cắt bao quy đầu.
Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ các bé gái phải trải qua hủ tục cắt bao quy đầu đã giảm, nhưng con số này không đáng kể khi quan niệm truyền thống đã hằn sâu trong tiềm thức của người dân châu Phi hay các quốc gia đạo Hồi. Niềm tin và ảnh hưởng của tôn giáo mạnh mẽ trong dân chúng ở một số nơi tập tục này vẫn tiếp tục diễn ra.
Các ca phẫu thuật lúc này lại được thực hiện ngay tại nhà riêng bởi các bà đỡ, vừa có chi phí rẻ hơn so với việc đi tới phòng khám, bệnh viện mặc dù nó có tỷ lệ tử vong cao do dụng cụ dùng để phẫu thuật cho các bé gái không được gây mê và khử trùng triệt để.
- Lâm Linh