Người bị bệnh đau nửa đầu migrain thường có xu hướng nghĩ tới việc uống thuốc giảm đau. Tuy việc đó giúp người bệnh giảm đau sau khi uống thuốc chừng 15-20 phút nhưng nếu lạm dụng thuốc trong thời gian ngắn 1 tháng sử dụng với tần suất nhiều thì nguy cơ tăng các cơn đau đầu lên gấp 7,5 lần. Vì vậy, chế độ chăm sóc cho người bị bênh đau nửa đầu migrain cần được coi trọng để có hướng chữa trị dứt điểm
Cách điều trị và phòng ngừa
Điều trị đau đầu là biện pháp can thiệp nhằm làm giảm cường độ, giảm thời gian, giảm tần suất xảy ra cơn đau, hạn chế các triệu chứng đi kèm. Điều trị đau đầu được chia thành hai phương pháp:
Điều trị cắt cơn
Với mục tiêu nhằm chấm dứt cơn đau ngay khi nó bắt đầu xảy ra, điều trị cắt cơn thường sử dụng 2 nhóm thuốc: thuốc không cần kê đơn và thuốc kê đơn.
Khi đau đầu, nhất là những cơn đau dữ dội, đa phần mọi người có xu hướng sử dụng thuốc giảm đau nhanh. Thuốc giảm đau sẽ hiệu quả, giúp bệnh nhân thoát cảnh “nhức đầu bưng bưng” có khi chỉ trong 15-30 phút sau khi uống. Tuy nhiên, thuốc giảm đau cũng chính là “con dao hai lưỡi”, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây nên các bệnh lý khác.
Thực trạng đáng lo ngại là mọi người không đến gặp bác sĩ để chữa đúng căn nguyên bệnh, thay vào đó họ lại “tự kê đơn”, chủ động điều trị bằng các loại thuốc giảm đau thông thường được bán không kê toa tại các nhà thuốc. Lưu trữ các loại thuốc giảm đau trong tủ thuốc tại gia là trường hợp dễ dàng nhận thấy ở hầu hết các gia đình.
Tiến sĩ J-A Zwart thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy đã chứng minh việc uống thuốc giảm đau bừa bãi trong một tháng để điều trị các cơn đau mãn tính làm tăng nguy cơ đau nửa đầu gấp 7,5 lần so với bình thường. Hiệp hội Đau nửa đầu CHLB Đức (DMG) cảnh báo dùng thuốc giảm đau nhanh, mạnh để giải quyết các cơn nhức đầu sẽ dẫn đến hội chứng đau đầu vì lệ thuộc thuốc. Để tránh phải lệ thuộc, các chuyên gia khuyên không nên dùng thuốc giảm đau đầu nhanh mỗi lần lâu hơn 3 ngày và mỗi tháng nhiều hơn 10 ngày.
Khám và điều trị Migraine
Điều trị bệnh đau đầu Migraine, theo bác sĩ Lê Văn Nam, quá trình gồm có điều trị cắt cơ đau và ngừa cơn đau. Điều trị cắt cơn (điều trị cấp tính) giúp làm giảm ngay cơn đau. Được áp dụng trong mọi trường hợp Migraine. Bệnh nhân có thể được điều trị đồng thời vừa cắt cơn và ngừa cơn. Bệnh nhân điều trị ngừa cơn đau (điều trị mãn tính) được dùng thuốc lâu dài làm cơn đau không xuất hiện. Điều trị này chỉ định cho những bệnh nhân có cơn đau nhiều, trên 3 cơn mỗi tháng hoặc ở bệnh nhân có số cơn đau tuy ít nhưng khó cắt cơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể được kê thêm thuốc giảm đau và chống nôn.
Để phòng ngừa cơn đau nửa đầu khởi phát, bệnh nhân nên tránh các thuốc gây giãn mạch, thuốc ngừa thai có estrogen; sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, tránh các căng thẳng tâm lý, tránh các thức ăn gây tăng cơn như rượu bia, fromage, bột ngọt.
Bác sĩ Nam lưu ý, mọi người dù bất cứ tuổi nào khi gặp các triệu chứng sau thì nên đi khám ngay: nhức đầu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người trên 50 tuổi; nhức đầu khởi phát đột ngột khi gắng sức; nhức đầu xảy ra ở bệnh nhân nhiễm HIV, ung thư, phụ nữ mang thai; nhức đầu xảy ra trên bệnh nhân bị chấn thương sọ não trong vòng 3 tháng trước.
Nếu chưa đi khám được, một số trường hợp nhức đầu Migraine có thể tạm điều trị với các thuốc giảm đau thông thường như: Paracetamol 500 mg/2 viên lúc đau, Diclofenac 50 mg/lần đau, Ibuprofen 400 - 600 m/lần đau. Khi đau đầu, bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi trong phòng tối và yên tĩnh để giúp làm giảm cơn đau.
Bệnh nhân không nên tự thực hiện một số xét nghiệm cao cấp vừa gây tốn kém vừa khiến bệnh nhân thêm lo lắng, ảnh hưởng tới việc điều trị; tuyệt đối không tự sử dụng các thuốc điều trị chuyên biệt khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Sau khi khám, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, không tự ý bỏ thuốc, không lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc an thần.