Từ tháng 7 đến tháng 10, miền Tây đón mùa nước lũ tràn về mang theo phù sa và vô vàn loại tôm cá. Người dân vùng này, nhất là ở An Giang, bắt những con cá to ngon để mang ra chợ bán cho người thành phố. Còn những con cá nhỏ như cá lòng tong, cá bống trứng, cá sặc, cá bã trầu… được gom lại thành từng mẻ và chế biến món ăn, gọi là hủn hỉn.
Hủn hỉn không phải là tên của một loại cá cụ thể, mà là sự kết hợp của nhiều loại cá nhỏ và vụn vặt. "Ngày xưa, khi cuộc sống còn khó khăn, cá nhỏ mang ra chợ bán không ai mua nên người ta để lại để ăn. Sau khi đánh bắt, người dân sẽ chọn lọc những con cá to để mang đi bán, còn những con cá nhỏ còn lại thì đem về chế biến. Dù là cá nhỏ nhưng khi nấu canh chua hay kho đều ngon đến lạ lùng," chị Hòa ở An Giang nhớ lại những ngày tháng gian khó.
Chị Hoà cho biết, cá hủn hỉn sau khi được mang về sẽ được vớt ra rổ, nhặt sạch cỏ rác. Sau đó, cá được rửa sạch với một ít muối, để ráo nước, lúc này cá vẫn còn nhảy tưng tưng. Tiếp theo, cá được đưa vào nồi để kho tiêu, kho nghệ hoặc kho lá gừng. Để có một nồi cá hủn hỉn kho với lá gừng đúng vị, cần kho nhạt. Khi nước sôi, đổ mớ cá cùng lá gừng và mẻ vào, dùng đũa đảo nhẹ cho đều rồi đậy vung lại. Khi nước sôi lại là cá đã chín. Cuối cùng, rưới lên một ít mỡ heo và thêm vài trái ớt hiểm là có thể mang ra thưởng thức.
Hiện nay, cá hủn hỉn đã trở thành một đặc sản quý hiếm, không phải ai cũng có cơ hội mua được. Đôi khi, những người buôn bán ở chợ quê mới mang cá hủn hỉn ra bán, và giá của nó có thể lên đến 100.000 đồng/kg.
Bà Lan, sống tại huyện An Phú, An Giang, chia sẻ: "Trong những năm gần đây, cá hủn hỉn trở nên rất được ưa chuộng, nhưng mỗi ngày chỉ có vài người mang một ít ra bán. Vừa mang ra chợ, khách đã tranh nhau mua hết ngay lập tức. Con trai tôi ở thành phố thường dặn mẹ nếu thấy cá hủn hỉn thì mua gửi lên, nhưng cũng phải thỉnh thoảng đi chợ từ rất sớm mới may mắn mua được, hoặc tôi phải dặn trước người bán."
Tại các nhà hàng và quán ăn ở An Giang, món cá hủn hỉn kho tiêu rất được lòng du khách. Nhiều người đánh giá rằng món này có hương vị độc đáo, thậm chí còn ngon hơn cả cá lớn khi kho. Khi chế biến, cần cho thêm nhiều tiêu và nước màu để cá có màu vàng ngà hấp dẫn. Vì cá hủn hỉn nhỏ nên kho rất nhanh chín; đặc biệt là trong quá trình kho, mùi thơm lan tỏa khắp nơi khiến ai cũng phải thèm thuồng.
Bà Lan nhớ lại: "Ngày trước, sau khi từ ruộng về với cái bụng đói meo, chỉ cần bước vào cửa và ngửi thấy mùi cá kho là đã nuốt nước miếng liên tục. Nước cá hủn hỉn kho được người ta dùng để chấm với chuối chát, khế và một số loại rau có sẵn trong vườn nhà, chẳng mấy chốc đã "đánh bay" cả nồi cơm."