Khi thông gia “góp gạo thổi cơm chung”...

08:13, Thứ bảy 22/10/2011

( PHUNUTODAY ) - Điều gì sẽ xảy ra khi các ông bà thông gia bị đẩy vào tình huống “góp gạo thổi cơm chung” bất đắc dĩ? Những hỉ, nộ, ái, ố đua nhau phơi bày trong quãng thời gian ngắn ngủi nhưng đủ để…nhớ đời những người trong cuộc…


Nỗi ám ảnh mang tên bà thông gia siêu mê tín
Hai bà thông gia đã tìm được tiếng nói chung, nhờ có việc ở cùng lần này mà mối thâm tình giữa hai bên ngày càng được củng cố.
Hai bà thông gia đã tìm được tiếng nói chung, nhờ có việc ở cùng lần này mà mối thâm tình giữa hai bên ngày càng được củng cố. (Ảnh minh họa)
Mấy hôm nay bà Đào đứng ngồi không yên, sau khi nghe Toàn - con trai thông báo bà Nhiễu - thông gia nhà bà sẽ đến ở nhờ mấy tháng trong khi đang sửa lại nhà. Không phải là bà ghét gì thông gia nhưng bởi bà vốn là người kỹ tính và có lối sinh hoạt hơi khác thường một chút nên cho người lạ tá túc là một điều tối kỵ đối với bà. Chồng bà Đào mất sớm, một mình bà ở vậy nuôi con, nay con khôn lớn đến tuổi xây dựng gia đình, có thêm cô con dâu, bất đắc dĩ bà đã mất cả thời gian dài để thích nghi, giờ mới tạm quen với lối sống mới lại có thêm bà thông gia, thật đúng là cực hình đối với bà Đào.
 
Nhưng bà Đào làm sao có thể từ chối, bởi vốn dĩ, căn nhà này là do vợ chồng con trai bà cùng góp tiền để mua, hơn nữa bà thông gia cũng cùng cảnh đơn chiếc, nay nhà bà ấy đang sửa để bà ấy đi thuê nhà thì còn ra thể thống gì?
 
Bà Nhiễu vốn sống một mình quen, nay sửa nhà, con rể, con gái cùng đến đề nghị về nhà nó ở tạm bà cũng lo lắng lắm, bởi bà biết bà Đào vốn là người đồng bóng, tính nết thất thường, hơn nữa - theo như con gái nói, thì bà Đào vốn không thích người lạ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bà tặc lưỡi đồng ý và tự nhủ mình sẽ thật giữ ý để không làm ảnh hưởng đến gia đình thông gia, thời gian 2 tháng chắc sẽ qua nhanh.
 
Về sống cùng mới biết, bà Đào là người rất đồng bóng và mê tín, bà Nhiễu bao phen dở khóc dở cười vì cái sự mê tín của bà Đào.
 
Bà Nhiễu vẫn nhớ như in, cảm giác đêm đầu tiên ở nhà thông gia, tiếng gõ mõ tụng kinh đều đều và ánh sáng mờ mờ đỏ đỏ của căn phòng ở tầng 3 khiến bà không sao ngủ được, vừa lạ nhà bà vừa có cảm giác sờ sợ, người bảng lảng cảm giác như đang ở trong một ngôi chùa cô tịnh. Hỏi ra bà mới biết, bà thông gia có thói quen gõ mõ tụng kinh vào mỗi buổi tối. Phải mất cả tuần bà mới quen với tiếng gõ mõ tụng kinh và mới có thể ngủ ngon giấc mỗi đêm.
 
Bà Nhiễu làm sao quên được buổi chợ đầu tiên bà mua một con vịt định nấu món vịt om sấu thật ngon để đãi thông gia. Vừa nhìn thấy con vịt, bà Đào giãy nảy lên: “Trời ơi, bà có biết hôm nay là đầu tháng hay không mà bà lại mua vịt về, ăn vào đen đủi cả tháng đó”. Bà Nhiễu đành líu ríu xin lỗi rồi lẳng lặng mang con vịt ra biếu ông xe ôm đầu ngõ.
 
Sau khi biết bà Nhiễu thuộc mệnh kim, còn bà Đào thì mệnh thủy, kim sinh thủy vậy là tốt quá, bà Đào thở phào mối lo lắng đầu tiên đã được hóa giải. Nhìn bà Nhiễu mặc bộ quần áo màu vàng cam bà Đào giãy nảy lên: “Trời ơi, bà mệnh Kim mà mặc màu này không được rồi, sinh bệnh tật và hay gặp xui xẻo lắm”.
 
Nói là làm, bà bắt bà Nhiễu phải lên thay ngay cái áo màu trắng rồi sau đó là một bài thuyết giảng về việc “mệnh gì phải mặc màu gì”. Hỏi ra bà mới biết, ngay cả con dâu, con trai cũng răm rắp nghe theo bà trong việc lựa chọn màu sắc trang phục. Để chiều lòng thông gia, từ hôm đó bà Nhiễu cố gắng chỉ mặc những bộ quần áo có màu hợp với mệnh của mình. Không những thế, ở nhà bà Đào ai thuộc mệnh nào thì phòng ngủ người đó sẽ được sơn màu sắc hợp với mệnh đó.
 
Cũng vì hợp mệnh với bà Đào mà bất kể bà Đào đi đâu, làm việc lớn gì, bà Nhiễu cũng phải đích thân xuống nhà, đón đường để bà gặp may, thậm chí nhiều khi bà phải hộ tống bà Đào đi. Dẫu biết, tuổi già đi đâu có bạn sẽ thêm vui nhưng bà Đào toàn đi cúng bái, hầu đồng, xem bói, giải hạn ở cửa điện… toàn những việc mà bà Nhiễu vốn không thích nhưng biết tính thông gia, bà bấm bụng đi theo.
 
Bà Đào nói: “Tôi phải chăm đến cửa điện thế này cũng là vì các con, bà xem, nhờ có tôi, công việc kinh doanh của vợ chồng thằng Toàn ngày một phát đạt, tôi thì luôn khỏe mạnh, gia đình tôi lúc nào cũng bình yên, tôi chỉ mong chúng nó sinh cho tôi một đứa con trai nữa là tôi mãn nguyện rồi”.
 
Mọi việc cứ đều đều diễn ra thì đùng một cái bà Đào bị trẹo chân, bà đang đi từ tầng 3 xuống thì bị trượt chân ở cầu thang, cái chân bị bong gân khá nặng khiến bà phải nằm một chỗ ít nhất 2 tuần. Nằm một chỗ, con cái bận bịu suốt ngày nên bà Nhiễu đương nhiên là người túc trực, giúp đỡ bà từ việc vệ sinh cá nhân, ăn uống đến việc thắp hương lễ bái ban thờ hàng ngày.
 
Nhờ đó, hai bà có nhiều thời gian ở bên nhau hơn, ngày nào cũng thủ thỉ chuyện trò, bà Nhiễu thấy bà Đào tuy sống hơi khác biệt nhưng rất thương con, ngẫm lại bà làm như vậy cũng vì lo cho sự bình an của cả nhà. Bà Đào cũng thấy ngày càng quý bà Nhiễu, bà thấy bà Nhiễu là người hiền lành, thật thà, lại rất chu đáo và nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa đâu ra đấy.
 
Thấy bà Đào đã quý mến và tin tưởng mình, bà Nhiễu mới dần thủ thỉ khuyên nhủ bà Đào về việc quá mê tín, bà nói: “Tôi biết tuổi già chúng mình, chưa vướng bận con cháu nên lấy việc lễ bái làm niềm vui nhưng tôi thấy việc đi chùa công đức, ăn chay, hay tụng kinh niệm phật là việc nên làm, còn việc đến cửa điện, xem bói, giải hạn thì bà phải hạn chế đi. Phật ở tại tâm, mình cứ sống lương thiện, làm nhiều việc tốt thì chắc chắn mình sẽ luôn gặp may mắn bình an vô sự”.
 
Bà Đào cũng dần hiểu ra, bà thấy bà thông gia nói cũng phải, bà tự nhủ “khỏi bệnh sẽ rủ thông gia đi chùa lễ Phật, còn việc cúng bái mê tín bà sẽ dần dần chấm dứt”. Hai bà thông gia đã tìm được tiếng nói chung, nhờ có việc ở cùng lần này mà mối thâm tình giữa hai bên ngày càng được củng cố.

Choáng váng thông gia sành điệu
 Mặc dù đã nghe con dâu kể qua về sự sành điệu, chịu chơi của bà thông gia nhưng khi được chứng kiến, bà Loan cũng choáng váng
Mặc dù đã nghe con dâu kể qua về sự sành điệu, chịu chơi của bà thông gia nhưng khi được chứng kiến, bà Loan vẫn choáng váng. (Ảnh minh họa)
Khác với tâm trạng của bà Đào, bà Loan thì phấn khởi ra mặt khi nghe tin thông gia đến ở chung. Bà Nguyệt - thông gia nhà bà vốn huyết áp cao, mà chồng bà đang đi công tác nước ngoài, không yên tâm để bà sống cùng Osin các con đón bà về sống chung mấy tháng để tiện bề chăm sóc. Ai cũng biết, anh Nam, con trai bà hiện nay công danh thành đạt, gia đình bà kinh tế khá giả mấy năm nay cũng nhờ công lớn của ông thông gia nâng đỡ, bà Loan vốn từ lâu đã ngưỡng mộ bà thông gia về gia thế cũng như sự giàu có, sành điệu…Hàng ngày hai bà vốn rất ít có dịp gặp nhau nên bà rất mong cơ hội này sẽ là dịp tốt để bà trả ơn thông gia.
 
Bà thông gia chưa đến nhưng bà Loan đã cho sửa hẳn căn phòng vợ chồng mình đang ở - căn phòng rộng rãi nhất căn hộ để bà thông gia ở. Nội thất phòng ngủ bà cũng thay luôn, chăn ga gối chắc chắn phải là của Hàn Quốc rồi thì bàn trang điểm, tủ để đồ, thảm trải sàn… tất cả đều là đồ xịn… bà tân trang phòng cho thông gia còn hơn cả phòng cho cô dâu mới.
 
Mặc dù đã nghe con dâu kể qua về sự sành điệu, chịu chơi của bà thông gia nhưng khi được chứng kiến, bà Loan cũng choáng váng: đến ở tạm mà bà Nguyệt mang đến va li lớn, va li nhỏ quần áo rồi tính sơ sơ cũng cả hơn chục đôi giày, rồi phụ kiện, túi xách… chất đầy cả phòng.
 
Bà Nguyệt ở nhà vốn có Osin chăm sóc đến tận răng nên bà chẳng bao giờ chịu làm việc gì, bà lấy cớ “huyết áp cao, không được vận động mạnh” để không động tay động chân bất cứ việc gì, điều này thì bà Loan không phải là không biết từ trước nên bà đã chuẩn bị tinh thần sẵn để đón nhận. Nhưng ngay cả những việc thuộc về vệ sinh cá nhân như việc quần áo tắm xong mang lên máy giặt hay việc ngủ dậy gấp chăn màn cho gọn gàng… mà bà thông gia cũng không làm khiến bà Loan phát bực.
 
Bà thông gia mới ở mấy ngày mà bước vào căn phòng bà thấy chẳng khác gì cái ổ rác, trên giường, dưới đất cơ man nào là quần áo, đồ lót, tất… nếu bà dọn thì nghe có vẻ không tiện, có khi lại mang tiếng là nhòm ngó đồ người khác… nên bà đành lựa lời nhờ con cô con dâu lên dọn hộ.
 
Bà Nguyệt đến là vô ý, nhà có những hai người đàn ông mà bà chẳng giữ ý gì cả: đi đâu không sao nhưng cứ ở nhà là bà diện váy lụa mỏng tang, áo hai dây, đi lại hiên ngang trong nhà. Nhiều khi ông thông gia nhìn thấy ngại quá đành phải quay đi. Đã thế nhiều khi đèn trong phòng ngủ hỏng, bà cứ diện nguyên bộ váy ngủ mỏng tang gọi ông thông gia vào sửa… bà Loan rất nóng mắt nhưng nghĩ tới ơn nghĩa của thông gia với gia đình mình đành cố nhịn.

Càng sống chung, bà Loan lại càng thấy xa lạ với cuộc sống của bà thông gia: dường như bà Nguyệt chẳng có việc gì làm ngoài việc đi shopping, massage mặt, đi chơi bài, tán chuyện gẫu với mấy bà bạn…. bà đi cả ngày không biết mệt. Một ngày có khi bà thay đến 4 bộ quần áo, ra tiệm làm tóc mấy lần… Bà Loan đôi khi không khỏi chạnh lòng, cùng là phụ nữ sao mình chỉ quanh quẩn cơm nước, dọn nhà đã hết ngày mà vẫn thấy thiếu thời gian, sao bà Nguyệt lại lãng phí thời gian đến thế.
 
Bà tự an ủi mình, âu cũng là số phận, mình vất vả cả nửa đời người, bây giờ con cái thành đạt, nhà cửa đề huề, gia đình êm ấm mình cũng đâu kém gì ai, chỉ có điều mình là người phụ nữ của gia đình, cho mình đi chơi cả ngày chắc gì mình đã hạnh phúc bằng việc được chăm sóc bố con thằng Nam… nghĩ vậy, bà tủm tỉm cười một mình.
 
Bà tự nhủ: “Mình cũng không nên trách bà thông gia, hoàn cảnh thế nào người ta quen cách sống thế ấy, dịp này mình cố gắng chịu khổ, cố gắng chăm sóc bà thông gia một thời gian, sau này mình cũng đỡ áy náy về ơn nghĩa của gia đình bên ấy đối với mình”.
  • Kim Linh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc