Khi thực phẩm chức năng trở thành "tội đồ"

11:15, Thứ hai 09/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Với hơn 2.000 loại sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) và khoảng 1.000 công ty tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối mặt hàng này, thị trường TPCN phát triển#160; như "nấm mọc sau mưa".



Tuy nhiên, sự phát triển về số lượng ấy đang tỷ lệ nghịch với chất lượng và cách quản lý của cơ quan chức năng. Dân trong ngành dược phẩm nhận xét: TPCN tại Việt Nam đang loạn về cả chủng loại, chất lượng, giá và kênh phân phối.
 
Loạn giá, loạn công dụng
 
Khảo sát của PV tại thị trường Hà Nội cho thấy, trung bình một cửa hàng thuốc tân dược đang tiêu thụ không dưới 10 loại TPCN. Các mặt hàng đa dạng từ loại viên sủi hoạt huyết dưỡng não, vitamin tăng cường sức khỏe đến các loại giảm cân, làm đẹp da, bổ gan, xương khớp

Ảnh minh họa
Nhiều chị em sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng với mong muốn được thấy  "tìm lại dáng thon", như những lời quảng cáo của các nhãn hàng. (Ảnh minh họa)

Dược sĩ Nguyễn Thành Dũng – chủ một cửa hàng thuốc trên phố Chùa Bộc (Đống Đa) -khẳng định trong tất cả các tủ thuốc của các hiệu thuốc tân dược, không thể thiếu TPCN.

TPCN còn loạn về chủng loại khi các nhà sản xuất thi nhau đưa ra các loại multi, plus, bổ gan, xương khớp, tăng trí lực, sáng mắt… với hàng nghìn tên gọi khác nhau. Nhưng về chất lượng, nhiều sản phẩm còn chưa đảm bảo sự đồng nhất về nguyên liệu, quy trình sản xuất – một chuyên viên Cục vệ sinh an toàn thực phẩm thừa nhận.



Một dược sĩ cho biết, riêng về TPCN làm đẹp da, giảm cân cho chị em phụ nữ, trên thị trường hiện đã có khoảng 300 – 400 loại khác nhau, từ hàng sản xuất trong nước đến sản phẩm nhập khẩu. Giá thành các sản phẩm này cũng vô cùng đa dạng.

Giá của một loại TPCN có tác dụng giảm cân cho chị em được sản xuất trong nước thường dao động từ 60.000 -  400.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, nếu là hàng xách tay hay nhập khẩu hoàn toàn từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... thì giá thường không dưới 2 triệu đồng/hộp. Có nhiều loại được bán theo "liệu trình" điều trị khoảng 3 - 4 tuần với giá không hề rẻ từ 6 - 10 triệu đồng.

Một số sản phẩm có tác dụng trẻ hóa da cho phụ nữ như collagen dạng viên, gel tăng đàn hồi da mặt, viên uống được chiết xuất từ nhau thai cừu... cũng có nhiều mức giá khác nhau từ vài chục nghìn tới hàng triệu đồng/lọ. Nhiều chị em sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng với mong muốn được thấy "điều kỳ diệu", "tìm lại dáng thon", "mãi mãi với thời gian" như những lời quảng cáo của các nhãn hàng.

Chị Minh Hiên - một "tín đồ" của các loại thức phẩm chức năng giảm cân than thở: "Tôi sinh đứa thứ 2 xong được cả năm rồi mà thân hình vẫn "bồ tượng" nên trở thành "con mồi" của không biết bao nhiêu hãng TPCN. Tôi đã theo đuổi cả năm trời với ít nhất là 3 hãng khác nhau mà kết quả không mấy khả quan". Chị Hiên cũng cho hay, các loại TPCN giảm cân cho chị em vô cùng đa dạng, từ dạng viên, dạng bột đến dạng gel.

Các nhà cung cấp luôn tìm mọi cách để khẳng định, nếu dùng sản phẩm của họ, chắc chắn sẽ "đánh thức được vẻ đẹp bên trong"  nhưng kết quả đạt được thường không đúng như quảng cáo. Loại sản phẩm gần đây nhất chị đang dùng là một loại của Hàn Quốc, dạng sữa. Khi dùng sản phẩm này, tuyệt đối không được ăn bất kỳ một hạt cơm và thức ăn gì khác trong vòng 3 tuần liên tục.

Người dùng phải tuân thủ chỉ định là chỉ uống sản phẩm và nước lọc hàng ngày. Nhà cung cấp khẳng định, sau 3 tuần tuân thủ, người dùng sẽ giảm được từ 6 - 10 kg. Sau 3 tuần "khổ hạnh" chi Hiên giảm được 4kg nhưng cũng chấm dứt liệu trình điều trị vì từ tuần thứ 4 trở đi chị không xuống được 1 gram và giá thì "quá chát".

Giải thích cho hiện tượng xuống cân nhanh chóng như vậy, bác sĩ Vũ Đăng - Trung tâm điều trị thẩm mỹ và phòng khám P cho biết: "Số cân giảm xuống nhanh chóng như vậy thực ra là lượng mỡ mềm và nước trong cơ thể bị rút đi mà người dùng không biết. Sau khi lượng nước đó rút đi, chỉ còn lại các mô mỡ cứng mà nếu không luyện tập thể thao vào có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì không thể nào giảm cân được nữa".

Bác sĩ Đăng cũng khuyến cáo chị em không nên quá tin vào quảng cáo chất lượng mà các loại TPCN đang lạm dụng hiện nay mà phải hiểu được bản chất của cấu tạo các mô mỡ trong cơ thể mình. Ông cũng khuyên việc giảm cân quá nhanh trong một thời gian ngắn sẽ "lợi bất cập hại" nhiều hơn khi cơ thể phải thay đổi quá nhanh mà chưa kịp thích nghi.

Giống như đi mua thuốc, người tiêu dùng không bao giờ mặc cả giá khi mua TPCN. Người bán hàng nói giá bao nhiêu, họ bỏ tiền mua như vậy. Một cách vô thức, người tiêu dùng đã vô tình đánh đồng việc mua TPCN như là mua thuốc điều trị.

Dược sĩ Trần Liên chia sẻ: “Thói quen tiêu dùng dễ dãi của nhiều người khiến họ "tiền mất tật mang". Phải biết trừ hao những lời có cánh đang được quảng cáo trên các mẫu mã TPCN vì thực tế, hàm lượng điều trị trong TPCN là cực kỳ ít, nó mang tính chất hỗ trợ nhiều hơn. Thông thường, người dùng phải uống đến “toa tàu” trong một thời gian rất dài thì mới có tác dụng nhưng người Việt mình thì chỉ uống 5 – 10 hộp trong vài tháng là bỏ”.

Vì sao thực phẩm chức năng lại trở thành “tội đồ” ?

Theo quy định của Bộ Y tế thì trên nhãn sản phẩm không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào và bắt buộc phải ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Tuy nhiên, để lách luật, trên giấy phép xin quảng cáo, các doanh nghiệp đều ghi nội dung theo đúng quy định nhưng khi quảng cáo trên các phương tiện đại chúng hoặc trên bao bì, các ngôn từ bị biến hóa đa dạng, dễ gây hiểu lầm cho người dùng. Và đáng tiếc, sự "vượt rào" này khiến cơ quan chức năng không thể rà soát hết trước một "rừng" chủng loại như hiện nay.

Có một nghịch lý là khi cơ quan chức năng không thể quản lý hết việc quảng cáo quá đà của các loại TPCN thì các nhãn hàng tân dược phải khẳng định ngược, "Đây là thuốc điều trị, không phải thực phẩm chức năng" trên mỗi bao bì của mình”.

Vì sao thực phẩm chức năng lại trở thành “tội đồ” ?
"TPCN đang bị biến thành kẻ "tội đồ" khi người ta không thể kiếm soát được hết về chất lượng và giá.

Dược sĩ Dũng cho rằng: "TPCN đang bị biến thành kẻ "tội đồ" khi người ta không thể kiếm soát được hết về chất lượng và giá. Chính sự quản lý lỏng lẻo đã khiến người tiêu dùng không có nhận thức đúng về TPCN và ngày càng "cảnh giác" với nó".

Mặc dù mỗi sản phẩm TPCN đều phải  qua nhiều đơn vị quản lý như Cục ATVSTP (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Việt Nam), Viện Dinh dưỡng Quốc gia ... nhưng thực tế chất lượng quản lý đã được thể hiện bằng sự bát nháo của thị trường này.

Còn Tiến sĩ Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam nói: "Việc để người tiêu dùng phải "tẩu hỏa nhập ma" trước rừng TPCN hiện nay có phần lỗi không nhỏ của các cơ quan chức năng. Kiểm soát chất lượng không tốt cho ra sản phẩm không tốt, kiểm soát quảng cáo không tốt gây ra hiểu lầm, hiểu sai cho người tiêu dùng, kiểm soát giá không tốt khiến người tiêu dùng bị thiệt nhiều nhất".

Để khắc phục tình trạng này, theo Tiến sĩ Trần Đáng, cần phải có sự đồng bộ của nhiều cơ quan đang tham gia quản lý nhóm hàng này. Sự đồng bộ đó được hiểu từ thống nhất từ khâu kiểm soát đăng ký chất lượng, quy trình sản xuất, giấy phép quảng cáo, giá thị trường... và không thể thiếu  lực lượng thanh kiểm tra thường xuyên.

Ông cũng chia sẻ quan điểm rằng, vấn đề nhận thức về thị trường này cũng rất quan trọng đối với các cấp quản lý. Mặt khác, chính người tiêu dùng cũng phải nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của mình một cách khoa học chứ không phải theo cách dễ dãi như hiện nay. TPCN chỉ thực sự tốt khi nó được áp dụng phù hợp với thể trạng từng người, có thời gian nhất định và với liểu lượng hợp lý.

Ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao thì việc lựa chọn TPCN giúp duy trì sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa… là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, sự hiểu không đúng cách về TPCN cũng như giá trị thật của nó đã khiến cho thị trường này ngày càng phát triển rầm rộ và tiếc thay, sự quản lý của cơ quan chức năng lại tỷ lệ nghịch với nó.
  • Theo VTCnews
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc