Tuy nhiên, trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này lại không có Việt Nam khiến không ít người bất ngờ bởi trước đó, Việt Nam liên tiếp có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng của Chỉ số hành tinh hạnh phúc. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức News Economics Foundation (NEF) có trụ sở ở Anh, Việt Nam được xếp vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới năm 2009 và là nước châu Á duy nhất có mặt trong top 10.
Năm 2012, Việt Nam còn có vinh dự đứng ở vị trí thứ 2 khiến không ít người cho rằng nước ta đang hạnh phúc thứ 2 thế giới.
Nghiên cứu này không tính đến khía cạnh giàu có làm tiêu chuẩn hạnh phúc duy nhất, mà tập trung vào các nhân tố khác như tuổi thọ, mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân so với mức độ tiêu hao tài nguyên và khả năng tái tạo của hệ sinh thái.
Chính vì vậy, việc Việt Nam không có mặt trong danh sách các nước hạnh phúc mới đây đã khiến không ít người thắc mắc và buồn phiền.
Bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) của Quỹ kinh tế mới thực hiện năm 2012. |
Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng hàng ngày trên thế giới đưa ra rất nhiều bảng xếp hạng nên chúng ta không thể tin theo hết, hơn nữa cũng cần có lòng tin ở bản thân để lựa chọn tin theo những thứ mà kiến chúng ta tin tưởng và cảm thấy vui, đó chính là sự thông thái. Và điều đó chắc chắn sẽ giúp người Việt tiếp tục hạnh phúc.
Hơn nữa, thông thái cũng là điều rất cần thiết với người Việt ở thời điểm hiện nay bởi nếu không tìm được điểm tựa, niềm vui về sự hạnh phúc mà vững tin thì chúng ta hoàn toàn có khả năng bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc bởi mê hồn trận nghèo đói, khó khăn, bẩn, độc... đang bủa vây.
Có lẽ không đâu như ở Việt Nam, thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường, trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng. Trên thị trường Việt Nam đủ các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vứt đi vẫn đang tồn tại đầy rẫy ngoài chợ, thậm chí cả trong siêu thị: gà thải loại, trứng gà giả, trái cây, rau quả tẩm ướp hóa chất độc hại, gừng tỏi, gia vị, và thậm chí các loại phụ gia gây ung thư cũng được nhập về và bày bán khắp nơi.
Cục Bảo vệ thực vật đã công bố nho Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng 3-5 lần, được bày bán tại Việt Nam dưới mác “nho Mỹ” để đánh lừa người tiêu dùng với giá 40.000-60.000 đồng nhưng giá gốc trên hóa đơn chỉ có 6.000 đồng/kg. Táo Trung Quốc được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại. Lê Trung Quốc chứa thuốc trừ sâu Endosulfan có tính độc cao và có thể phá vỡ hệ nội tiết hoặc gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người...
Vì lợi nhuận, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không chỉ nhập lậu thực phẩm không có xuất xứ, không an toàn mà còn lạm dụng các loại hóa chất độc hại để nuôi, trồng, bảo quản, chế biến thực phẩm. Những hóa chất độc hại này không chỉ gây bệnh mãn tính, hiểm nghèo mà còn có thể gây biến đổi gen, làm ảnh hưởng đến giống nòi. Người tiêu dùng buộc phải chấp nhận sự “đầu độc” vì ít có lựa chọn khác.
Cái ăn thì đã như vậy, việc ở cũng chẳng khá khẩm hơn. Trong khi thị trường bất động sản đóng băng, người dân không có đủ tiền mặt cũng khó có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ để mua nhà. Vì vậy mà chỉ cần có căn nhà trên 2m2 như ở TP. HCM cũng đã là an cư.
Chỉ cần có căn nhà trên 2m2 cũng đã là an cư (Ảnh VNE) |
Lương thấp nhưng vật giá leo thang, xăng dầu, điện đều có xu hướng chỉ tăng, không giảm khiến đời sống của người dân đã khó lại càng thêm khó. Là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta đang phải đối diện với tình trạng người nông dân bỏ ruộng hàng loạt vì thua lỗ, chưa khi nào giá lúa lại xuống thấp như hiện nay. Người ta đau xót khi ví von rằng phải 3 kg thóc mới mua được 1 kg ốc bươu vàng. Cái loài vật là kẻ thù của nhà nông ấy lại được xem như loài có giá hơn cả cây lúa 4 tháng trời mới được thu hoạch.
Trong hoàn cảnh đó, những tưởng có văn hóa giải trí giúp người dân vớt vát lại tinh thần thì lại chỉ toàn nhìn thấy những trò lố lăng, các chiêu cởi hở để lấy tiếng tăm. Ngành công nghiệp giải trí Việt Nam có lẽ đã phải khiến báo chí nước ngoài tâm phục khẩu phục khi sáng tạo ra những chiêu trò độc lạ chưa từng có như khóa môi sư thầy trên sân khấu hay đột nhập máy bay...
Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng những chiêu trò dù không có văn hóa nhưng ít nhất cũng có tác dụng giải trí, tuy nhiên, trên thực tế chúng chỉ khiến con người thêm phần chán nản bởi chẳng thể giúp thư giãn thoải mái đầu óc mà cứ mải chạy theo nghe ngóng những chuyện thị phi.
Sống trong một môi trường với những vấn đề khó khăn phức tạp như trên, quả thật người Việt Nam cũng không còn cách nào khác ngoài việc phải tìm lấy niềm tin và một mực cho rằng chúng ta đang hạnh phúc sống trong một đất nước hạnh phúc bậc nhất thế giới.