Dù đã ở cái tuổi 98, nhưng dáng người vẫn rất rắn chắc và còn rất minh mẫn, trong câu chuyện kể về cuộc đời mình cho chúng tôi nghe, rằng thời trai trẻ ông đã từng tung hoành trên những tuyến đường giao thương với những kỷ niệm oai hùng. Ông là thủy thủ ghe bầu cuối cùng hiện vẫn còn sống ở xứ Quảng này.
[links()]
Sức khỏe phi thường
Ông già Lâu tên thật là Đỗ Tấn (sinh năm 1914 ở phường Củi, thôn Trà Đỏa, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Gần trọn cuộc đời ông đã sống trên sóng nước trùng khơi. Giờ về già, ông sống một mình, đi về lặng lẽ.
Chúng tôi men theo con đường hướng xuống biển để tìm đến huyền thoại ghe bầu một thời này trong một buổi sáng mùa đông. Chẳng mấy khó khăn vì người dân xã Bình Đào ai cũng biết đến ông, họ tận tình chỉ đường đến tận nhà ông dưới những gốc cây xoài và vùng cát trắng mênh mông.
Chúng tôi vào nhà, căn nhà trống tuềnh toàng không có một vật dụng gì đáng giá, có chăng chỉ là những sợi dây thừng, sợi chão lớn chỉ chuyên dùng cho những đội thương thuyền thủa trước. Ông giờ đang sống một mình trong căn nhà nhỏ, nơi mà sau này khi ông khuất núi sẽ thành nhà thờ tộc Đỗ.
Khi chúng tôi cất tiếng gọi, ông mới lụi cụi từ trong bếp chui ra, dáng điệu vẫn rất nhanh nhẹn dù đã ở cái tuổi cận kề một trăm.
Sau màn chào hỏi rất hồ hởi với chất giọng đặc biệt của người miền biển xứ Quảng, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời nhiều thăng trầm để làm nên huyền thoại ghe bầu của mình đã nổi danh khắp trong nam ngoài bắc cách đây nửa thế kỷ…
Những câu chuyện của ông Tấn thời trai trẻ đến nay vẫn được người phường ghe truyền tai nhau với những việc làm khiến ai cũng nể phục.
Già Lâu (Đỗ Tấn) trong căn nhà nhỏ của mình. |
Họ coi ông là “hậu duệ của Thánh Gióng”, bởi sức mạnh kỳ lạ và bản lĩnh, sẵn sàng bất chấp nguy hiểm cứu người khi gặp nạn. Chuyện ông đánh 9 tên lính Pháp thường uy hiếp phụ nữ trong làng trở thành huyền thoại ở vùng đất này.
Dạo đó, lính Pháp thường ngang tàng bắt phụ nữ cởi hết quần áo cho chúng chụp hình rồi gửi về nước rêu rao rằng: “Việt Nam khổ lắm, phụ nữ không có áo quần mặc, phải ở truồng”.
Một người bạn già của ông kể: “Bữa ấy gần trưa, một đám lính Pháp có 9 tên, súng đạn đeo đầy người và một tên thông dịch lăm le kéo ra ruộng, bắt tất cả phụ nữ đang cấy lên bờ cởi quần cho chúng chụp ảnh.
Đang ngồi nhổ mạ, nghe tin, ông Tấn chạy ra cản lại. Chúng chĩa súng định bắn, ông nói với thông dịch rằng “Đừng ăn hiếp, làm nhục phụ nữ, họ chẳng có chi trong tay, còn các ông súng đạn đầy người, giỏi thì đánh tay không với tui. Nếu đánh thắng tui thì các quan thích làm chi thì làm, nhưng không được dùng súng”.
Tưởng dễ ăn, chúng đồng ý đánh tay không với ông, người làng kéo nhau ra xem. Cả bọn bị ông quăng hết xuống ruộng, rồi lom khom bò dậy mà xấu hổ rồi lúp cúp ra về. Kể từ đó phụ nữ làng này mới được yên thân”.
Ông già Lâu cười sảng khoái khi nhắc lại những chuyện từ hồi nảo, hồi nào. Và trong câu chuyện ông kể, còn có rất nhiều điều mà ai nghe cũng thấy ly kỳ và hấp dẫn như một cuốn phim quay chậm...
Ông Lâu kể rằng, thủa trước, cách đây mấy mươi năm, đội ghe bầu xứ Quảng đã tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc. Ở Quảng Nam, nói đến ghe bầu phải kể đến ghe bầu Bàn Thạch (Tam Kỳ), sau đó là Hồng Triều (Duy Xuyên). Bến sông Bàn Thạch sâu, ghe thuyền có trọng tải lớn dễ dàng cập bến.
Hơn thế nữa, sát bên sông là chợ Bàn Thạch, với vị trí địa lý thuận lợi đã trở thành chợ lớn của Quảng Nam (nay thuộc trung tâm TP Tam Kỳ), thu hút rất đông khách buôn nội, ngoại tỉnh. Ghe bầu xứ Quảng xưa tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng phần đông là buôn bán phía Nam.
Mỗi năm các chủ ghe bầu lại trực chỉ “hành phương Nam” một chuyến, kéo dài đến bảy, tám tháng. Thường thì ghe bắt đầu xuất phát từ tháng 11 âm lịch và đến tháng 7 sang năm mới trở lại Quảng Nam. Về thời gian đi, từ đây vào Phan Rí, Phan Thiết hay Sài Gòn nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào thời tiết.
Theo ông già Lâu ước tính, ghe bầu từ đây vào Phan Rí nhanh nhất 10 ngày. Còn chậm hơn có khi cả tháng trời. Người có chức danh lái ghe ở ghe bầu không phải là người trực tiếp cầm lái chạy ghe, mà nhiệm vụ ấy là của ông chủ ghe bầu, ngoài ra ông chủ còn phải giữ rương tiền bạc, chìa khoá và quyết định trong các việc mua bán ăn hàng, trả hàng.
Lái phụ mới là tài công, cầm lái chạy ghe, điều động giàn bạn, định liệu việc đi đứng, neo, ghé, núp của ghe và do vậy họ thuộc lòng từng địa danh trên bờ, dưới nước, biết chỗ nông sâu, chỗ neo được hay không, để tránh rạn đá, san hô, vùng có gió lò, gió giật…
Đây là người thuộc nhiều nhất bài vè các lái trên biển. Vận chuyển bằng ghe bầu gặp bao nhiêu nguy hiểm, nên vào thời ấy thì không gì hơn là người lái phụ phải lão luyện và có kinh nghiệm xem hiện tượng đoán thời tiết, giông gió, không có một loại phương tiện dự báo nào như bây giờ.
Ghe bầu ngày trước là biểu trưng cho một cơ ngơi, một tài sản to lớn của những nhà giàu có ven cửa biển, chứ đem so với ghe thuyền đánh cá bình thường ngày nay thì cũng chẳng ra sao.
Hơn 43 năm làm thủy thủ ghe bầu, dọc ngang mọi miền đất nước, với bao nhiêu kỷ niệm, ông Tấn còn nhớ như in. Tham gia ghe bầu lúc 15 tuổi, làm nghề bốc vác ở bến Hội An. Thấy ông vác khỏe, làm tốt, ông Xã Cam (ở Cẩm Nam, Hội An bây giờ) - chủ ghe lớn nhất đoàn gọi ông đến cùng đi ghe bỏ hàng ở tận miền Nam.
Nghề ghe bầu không phải dễ theo, đòi hỏi có sức mạnh và bản lĩnh mới được các chủ ghe trọng dụng. Mỗi chuyến đi là cuộc hành trình đầy mạo hiểm, không chỉ ngoài biển mà ngay cả trên bờ.
Một năm, ghe bầu đi được 2 chuyến, thường từ tháng Giêng đến tháng Bảy (Âm lịch) là kéo ghe lên bờ. Mỗi chuyến đi từ 2 - 3 tháng. Trong những chuyến đi này, đoàn ghe bầu Quảng Nam luôn gặp bất trắc vì cảng Sài Gòn có nhiều băng nhóm giang hồ bảo kê thường gây khó dễ.
Chạm trán giang hồ Sài thành
Ông già Lâu kể lại lần cập cảng Sài Gòn, sau hơn 10 ngày nằm chờ, nhưng vẫn không được bốc gạo xuống ghe, bọn giang hồ cứ nâng giá từng ngày. Anh em ai cũng bức xúc định đánh một trận rồi về ghe không.
Nhưng con đường làm ăn, biết bao cuộc sống mưu sinh phải dựa vào ghe này. Ông bàn với các chủ ghe gom tiền lại tìm gặp đại ca đất cảng uống rượu. Sau khi mỗi người uống hết một tĩn (hũ nhỏ, khoảng 4 lít – Phóng Viên), ngà ngà say rồi ông mới rủ họ đấu.
Không phải đánh nhau bằng dao búa, mà đánh bằng cách đẩy gậy, đứng tấn chịu đòn. Nếu phía ghe bầu thua thì chấp nhận mua gạo theo giá của đại ca. Còn thắng thì để ghe bầu mua theo giá chủ vựa đưa ra. Tưởng dễ ăn, bọn họ đồng ý.
Sáng hôm sau, hơn trăm người toàn là băng giang hồ kéo tới đoàn ghe bầu chứng kiến cuộc đấu. “Anh em thấy đông quá sợ khó thắng hay bị lật kèo, không giữ lời của đại ca. Tui đành chấp nhận một mình đấu trận này.
Hai gốc tre còn nguyên rể lởm chởm như chông, đặt vào bụng đẩy với nhau, ai không chịu nổi là người đó thua. Đẩy một hồi, đại ca đất cảng chịu đòn chắc nịch, tui phải dùng người lắc qua, đảo lại, hồi lâu đại ca bị tui đẩy ra khỏi cai.
Nhưng vẫn chưa tâm phục, họ đòi đấu nữa, dùng tre gốc, băm xơ hai đầu thật sắc rồi đưa lên đẩy lại. Cú này tôi lắc bụng, đại ca xơ xác, máu me đầy người. Bọn đàn em nóng mặt vì thua đám ghe bầu, chúng dùng dao định chém, nhưng đại ca đất cảng đã giữ lời, can ngăn”, ông già Lâu nhớ lại.
Để làm êm mọi chuyện, ông già Lâu nói chọn người khỏe nhất ra đấu, bằng cách tự mình bốc bao gạo nặng 1,2 tạ đưa lên thẳng tay trong tư thế đứng tấn. Ai đứng lâu hơn người đó thắng. Thế này dễ hơn, nhưng cuối cùng họ đứng chừng 3 phút là chịu thua.
Thấy tình hình vẫn chưa yên, ông phải dùng chiêu cuối cùng là thi lặn. Biết họ giỏi đâm thuê, chém mướn, chứ lặn sâu thì làm sao bằng mình được. Thế là hai bên lại dùng tiền xu bỏ vào túi, buộc thêm hòn đá nặng khoảng 70kg thả xuống sông sâu hơn 15 sải nước, ai lặn mang được hòn đá, túi tiền lên thì người đó thắng.
Để chơi đẹp, ghe của ông Lâu vớt lên thả xuống 10 lần, 10 người khác nhau lặn đều được. Thế là thắng trận. Cứ thế, những chuyến đi ghe đến đất Sài Gòn sau đó, ông Lâu luôn được đám giang hồ chiêu đãi say khướt...
Tỷ thí nơi đất võ Bình Định
Đấy là chuyện ở đất Sài thành, nhưng ly kỳ hơn là lần ông tỷ thí với những võ sư đất võ Bình Định. Lúc ấy đoàn ghe bầu xứ Quảng cập bến Bình Định mua muối. Cả đoàn nằm chờ hơn nửa tháng, muối không có vì các thuyền khác ở Bình Định cạnh tranh, độc quyền. Họ lót tiền cho các đại ca bảo kê cấm cả đoàn ghe bầu mua muối. Suốt ngày bọn họ uống rượu say rồi gây sự, đòi so găng đấu võ.
Đến “đất võ” mà đấu võ quả là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng không đấu thì chỉ có đi ghe không mà về thôi. Ông bàn với anh em trong đoàn phải chấp nhận dùng chiêu cao thấp đấu với họ. Sau khi giao kèo với đại ca bến tàu, mỗi bên đưa ra ba thế để đấu.
Được đoàn võ sư Bình Định chấp nhận thách đấu, họ lập đài, cờ trống rùm beng. Lúc lên đài, ông cố trụ vững để thủ thế tấn công của đối thủ, khi họ ra đòn thì ông chỉ biết cố mà gạt được cái nào hay cái đó. Nhiều chủ ghe xứ Quảng ai cũng thấp thỏm, nếu thua coi như về tay không.
Đến lượt của ông tung thế độc như đã giao kèo, khi đó ông dùng chảo gang, đổ đầy muối vào rang rồi đổ lên sàn đài, đấu bằng chân không, khi nào muối hết nóng là xong thời gian đấu.
“Chiêu này vừa tung ra, đối thủ không ai chịu nổi, từng người bước vào nhưng mới ướm chân là bị cháy bỏng. Còn chân bọn tui gánh gồng chai sần hết nên không hề chi, chiêu này dân ghe bầu ai cũng dùng được.
Chiến thắng vang dội, các chủ ghe bầu thưởng thêm cho anh em bọn tui mỗi người 12 đồng. Từ đó, họ mời tất cả anh em ghe bầu về Gò Bồi (nay thuộc thôn Tùng Giang, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) lập lễ kết nghĩa huynh đệ.
Chuyện buôn bán vì vậy mà ngày càng thuận tiện, không ai dám gây sự khi nghe danh dân ghe bầu xứ Quảng”, ông già Lâu cười khoái chí kể lại gốc tích sự việc đó...
Sau này, trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia vào đội du kích chiến đấu giữ làng, được nhận huy chương. Bây giờ, ở cái tuổi “đèn treo trước gió” ấy, hiếm có người nào khỏe mạnh, rắn chắc và minh mẫn như ông.
Vẫn bổ củi, đào gốc tre như trai trẻ và vác cả bao xi măng gọn không, mọi việc trong nhà tự tay ông làm, không cần con cháu giúp đỡ…
Mặc dù thời gian đã đi qua rất lâu, và bây giờ cũng chẳng còn ai đi ghe bầu nữa, ghe bầu đã nhiều thập niên vắng bóng dọc theo bờ biển miền Trung và giới trẻ cũng không thể hình dung, tưởng tượng chiếc ghe bầu có ba cạnh buồm hiên ngang lướt gió như thế nào.
Nhưng trong ký ức của người thủy thủ già cuối cùng của xứ này, những người từng đi ghe bầu chính là kỳ binh xuất sắc, đương đầu mọi khó khăn để sinh tồn.
- Hữu Cường