'Kiện' Giáo dục dạy người nhân bản xét nghiệm, ăn bớt vắcxin

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Với thực trạng đào tạo ra những người không thịc chăm chỉ nhưng muốn kiếm tiền nhanh dẫn đến hậu quả chất lượng chưa cao của nhân lực ngành y tế và những sự việc đáng tiếc, đáng lên án như trên thì việc ngành giáo dục mới chỉ bị kiện là vẫn còn nhẹ chán.

Theo báo Vietnamnet, trong công văn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế.  "Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế, trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng" - ông Cường đề xuất.

Một giờ học của sinh viên ngành Y. (Ảnh minh họa)

Sau khi sự việc xảy ra, ban đầu nhiều người chỉ nghĩ đơn giản lại là chuyện tranh cãi, loanh quanh đổ lỗi cho nhau giữa các bộ trước những vấn đề khó giải quyết vẫn thường xuyên xảy ra ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên khi nghiền ngẫm kỹ vấn đề, không ít người đã phải giật mình nhận ra y tế 'kiện' giáo dục là rất đúng, hơn nữa, không những kiện đơn giản, nhẹ nhàng mà phải kiện thật nhanh, thật mạnh.

Giáo dục là nguồn gốc của mọi vấn đề, mọi lĩnh vực, vì thế mà nếu chất lượng nhân lực ngành y không tốt thì lỗi chỉ có thể bắt nguồn từ giáo dục. Và vì thế, mọi vấn đề nan giải của ngành y hiện nay như năng lực chuyên môn chưa cao, đạo đức nghề nghiệp kém... là lỗi của ngành giáo dục một cách hiển nhiên, không thể khác được.

Này nhé, từ những chuyện nhỏ xíu như phong bì, phong bao mà nhắc đi nói lại, cấm lên phạt xuống để rồi đâu lại vào đấy. Mà có phải chỉ nói suông, nhắc nhở suông, Bộ Y tế còn mạnh tay phát động hẳn một phong trào “Nói KHÔNG với phong bì trong dịch vụ y tế” rộng lớn trên cả nước, nhưng kết quả vẫn không khả quan. Thế cho nên nạn phong bì ở Việt Nam mới được lên cả báo Anh, được cả thế giới đón đọc và tò mò tìm hiểu.

Về những chuyện lớn hơn một chút như nhân viên y tế đỡ đẻ làm rơi trẻ sơ sinh hay ăn bớt vắc xin của trẻ, nhiều người mặc nhiên xem đó là lỗi của Bộ Y tế, nhưng hình như không phải.

Người ta có thể trách mắng, điều chuyển công tác hay kỷ luật nữ điều dưỡng làm rơi 5 trẻ sơ sinh tại bện viện Phụ sản Hà Nội, hay thậm chí là đuổi việc cán bộ tiêm chủng ăn bớt vắc xin của trẻ  tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội khi chỉ tiêm 2/3 lọ cho trẻ sơ sinh hay cán bộ y tế tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella hết hạn cho bệnh nhân, tuy nhiên đó mới chỉ là cách xử lý phần ngọn của vấn đề. Còn nguồn gốc là do đào tạo năng lực chưa tốt, y đức chưa sâu thì chỉ có thể gõ cửa mà bắt đền ngành giáo dục.

Rồi đến những chuyện to lớn khủng khiếp của ngành như tiêm vắc xin làm chết trẻ, nhân bản xét nghiệm để ăn lạm công qũy, nếu ngành y tế phải gánh hết tội thì quả thật là quá oan. 

Vào sáng ngày 20/7, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa đã khiến dư luận phải bàng hoàng trước cái chết của 3 cháu bé mới sinh. 3 cháu bé sơ sinh này vẫn rất khỏe mạnh và đang tập tẹ bú dòng sữa non của mẹ thì chỉ một mũi tiêm vắc-xin các cháu đã nằm ngủ mãi mãi. Hay như ở tỉnh bên, sản phụ Võ Thị Thúy ở Tuy Phong, Bình Thuận, cũng như đứt từng khúc ruột khi đứa con gái chào đời chưa đầy 17 tiếng đã bỏ vợ chồng chị ra đi mãi mãi. Có ai ngờ rằng mũi tiêm để ngừa bệnh lại là mũi tiêm định mệnh cướp đi cuộc sống của các cháu.

Khi hàng loạt vụ việc liên quan tới vấn đề y đức tại các bệnh viện chưa kịp lắng xuống thì một vụ việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) động trời đã khiến dư luận không khỏi hoang mang lo lắng. Đây được xem là bê bối có quá trình kéo dài thời gian nhất, đến nay mới bị phát hiện của ngành y ở nước ta. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trong một phiên họp  Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phải ví đó như tội ác và bình luận rằng: “Làm việc như vậy thì phải mang ra bắn chứ đừng có đùa".

Ai cũng đau lòng, cũng phẫn nộ lên án các y bác sĩ nhưng nguyên nhân sâu xa có phải tại họ? Xét ra thì vẫn là tại giáo dục đào tạo chưa tốt, từ nhân viên tiêm phòng, nhân viên y tế, đến cả những người xét nghiệm cấp phép chi sử dụng vắc xin.

Đến đây, người viết lại từ hỏi y đức thực sự là cái gì? Trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta có thể bàn bạc, nhìn nhận về y đức như thế nào khi mà nền giáo dục của chúng ta đang có dấu hiệu lệch hướng, đào tạo ra những người không chăm chỉ nhưng thích kiếm tiền nhanh?

Theo đó, mới đây ông Ito Junichi (người Nhật, CEO Công ty World Link Japan Inc): "Giáo dục VN giờ có nhiều đại học khác nhau nhưng việc đào tạo nghề thì rất tệ. Hệ thống giáo dục của VN chỉ tạo điều kiện cho những người giỏi làm bài kiểm tra mà bỏ quên những người không giỏi làm bài kiểm tra nhưng rất giỏi các kỹ năng làm việc."

Với thực trạng đào tạo như trên dẫn đến hậu quả chất lượng chưa cao của nhân lực ngành y tế và những sự việc đáng tiếc, đáng lên án như trên thì ngành giáo dục mới chỉ bị kiện là vẫn còn nhẹ chán.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn