Mở ngành ồ ạt, chuyên gia y tế đứng ngoài
Theo báo Vietnamnet, trong công văn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế.
Bộ GD-ĐT có quy định việc mở ngành đào tạo do sở GD-ĐT địa phương thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Một giờ học điều dưỡng ( Ảnh minh họa) |
Ông Cường cho rằng, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này sẽ không đảm bảo chất lượng.
"Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế, trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng" - ông Cường đề xuất.
Một bất cập khác dưới góc nhìn của Bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này. Mới đây, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Từ đó, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Đồng thời , cần có khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành nói trên để thí sinh có định hướng lựa chọn.
Trên thực tế, tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới giáo dục ĐH, ông Nguyễn Minh Lợi, đại diện Bộ Y tế đã đề cập đến thực trạng mở ngành quá dễ dãi khiến một số trường ĐH đa ngành, ngoài công lập trong điều kiện không đảm bảo.
Về vấn đề này Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương có ý chê trách Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y.
"Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ thẩm định việc này và đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép, đặc biệt là các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trường nào không đủ điều kiện thì xử lý, có thể đóng cửa hoặc đình chỉ tuyển sinh" - lời Bộ trưởng Luận.
Cả nước nên theo gương ngành Y tế
Việc Bộ Y tế 'kiện' Bộ Giáo dục vì chất lượng nhân lực kém đã khiến không ít người tỏ ra lo ngại bởi chất lượng những cán bộ, nhân viên ngành y tế có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như tình hình sức khỏe của nhân dân. Chính vì vậy đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ việc 'kiện tụng' này.
Theo đó, giáo dục là nguồn gốc của mọi vấn đề, mọi lĩnh vực, nếu giáo dục không tốt thì đồng nghĩa với việc chất lượng nguồn nhân lực của mọi ngành nghề sẽ có nguy cơ bị đe dọa. Và nếu ngành giáo dục cứ tiếp tục thoải mái trong việc thẩm định, cấp phép các ngành nghề trong xã hội nói chung và với những ngành đặc thù như y tế nói riêng thì những lo lắng của người dân sẽ còn lâu và dài hơn nữa.
Thậm chí, có những ý kiến cho rằng không chỉ ngành y tế mà rất nhiều ngành khác như giao thông, xây dựng, ngân hàng... cũng cần phải lên tiếng 'kiện' giáo dục bởi rất có thể những rắc rối mà hiện nay các ngành nghề này đang mắc phải đều bắt nguồn từ giáo dục, từ việc đào tạo nguồn nhân lực chưa cao.
Với ngành giao thông có thể thấy rõ ràng các vấn đề như chất lượng các công trình như đường, cầu..., việc không thể giải quyết được ùn tắc ở các thành phố lớn, hay tai nạn giao thông gia tăng... Tình trạng của ngành xây dựng cũng không kém phần nghiêm trọng với các vấn đề quy hoạch đô thị, chát lượng các công trình xây dựng kém, nhanh xuống cấp... Đấy là còn chưa kể đến các vấn đề vật giá leo thang, thực phẩm bẩn độc tràn lan...
Trong hoàn cảnh ấy, nếu chúng ta có đội ngũ nhân lực tốt các vấn đề hoàn toàn có thể được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Việc cả nước 'kiện' ngành giáo dục lại càng trở nên hợp lý và cần thiết khi mới đây, một CEO người Nhật đã cho rằng lao động nước ta thích kiếm tiền nhanh nhưng không chăm chỉ. Theo ông Ito Junichi (người Nhật, CEO Công ty World Link Japan Inc): "Giáo dục VN giờ có nhiều đại học khác nhau nhưng việc đào tạo nghề thì rất tệ. Hệ thống giáo dục của VN chỉ tạo điều kiện cho những người giỏi làm bài kiểm tra mà bỏ quên những người không giỏi làm bài kiểm tra nhưng rất giỏi các kỹ năng làm việc."