TTXVN đưa tin, theo thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, nhờ các nỗ lực toàn cầu, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm mạnh và có khoảng 90 triệu trẻ em được cứu sống.
Tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn nữa những nỗ lực trong lĩnh vực này để thế giới đạt được mục tiêu giảm 2/3 tỷ lệ tử vong trẻ em vào năm 2015 - một trong những Mục tiêu phát triên thiên niên kỷ (MDGs).
Trẻ tử vong toàn cầu giảm mạnh còn ở VN thì lại gia tăng |
Đồng thời, Liên hợp quốc còn dẫn thêm báo cáo công bố ngày 13/9 của UNICEF nhan đề “Báo cáo tiến độ 2013 về cam kết giảm tỷ lệ tử vong trẻ em” cho biết, năm 2012, số trẻ tử vong đã giảm xuống còn 6,6 triệu so với con số 12,6 triệu của năm 1990. Việc giảm mạnh được tỷ lệ tử vong này là nhờ các biện pháp chữa trị hiệu quả và chi phí thấp hơn cùng với những cải thiện về dinh dưỡng, giáo dục cho các bà mẹ.
Bên cạnh đó, UNICEF cũng cảnh báo rằng, nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực hơn nữa thúc đẩy tiến trình này, phải tới năm 2028 thế giới mới đạt được mục tiêu đặt ra trong MDGs, theo đó giảm 2/3 tỷ lệ tử vong trẻ em vào năm 2015.
Được biết, hiện các nước ở khu vực Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương cũng đang dẫn đầu về nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ em tử vong, theo đó, từ năm 1990, khu vực đã giảm được hơn 60% tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Trái lại, tại khu vực Trung và Tây Phi tỷ lệ giảm tử vong trẻ em chỉ là 39%.
Năm 2012, chính phủ các nước Ethiopia, Ấn Độ và Mỹ cùng với UNICEF đã khởi động sáng kiến “Cam kết giảm tỷ lệ tử vong trẻ em: Nỗ lực cần được thúc đẩy.”
Sáng kiến là nỗ lực toàn cầu thúc đẩy việc ngăn chặn trẻ bị chết bởi các bệnh có thể phòng ngừa được và khoảng 176 chính phủ các nước đã đăng ký tham gia sáng kiến này.
Mặc dù cũng được ghi nhận là nước có tỷ lệ trẻ tử vong giảm mạnh trong 20 năm nhưng những gì người dân chứng kiến trong vài năm gần đây khiến họ khó có thể an tâm về kết luận khả quan trên. Vài năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị tai biến khi tiêm vắc-xin ở Việt Nam tăng đột biến, chỉ trong vòng 2 năm thôi đã có gần 20 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin.
Chỉ mới đây thôi, vào sáng hôm 20/7, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, nhiều người dân đã phải bàng hoàng trước cái chết của 3 cháu bé mới sinh. 3 cháu bé sơ sinh này vẫn rất khỏe mạnh và đang tập tẹ bú dòng sữa non của mẹ thì chỉ một mũi tiêm vắc-xin các cháu đã nằm ngủ mãi mãi. Hay như ở tỉnh bên, sản phụ Võ Thị Thúy ở Tuy Phong, Bình Thuận, cũng như đứt từng khúc ruột khi đứa con gái chào đời chưa đầy 17 tiếng đã bỏ vợ chồng chị ra đi mãi mãi. Có ai ngờ rằng mũi tiêm để ngừa bệnh cho các cháu lại là mũi tiêm định mệnh cướp đi cuộc sống của các cháu. Những tiếng cười, niềm hạnh phúc tột cùng khi thấy thiên thần của mình chào đời chưa đầy 1 ngày thì lại mất con khiến niềm đau lại nhân đôi. Chưa ở đâu, câu chuyện tiêm phòng vắc-xin trở thành nỗi ám ảnh của người dân đến vậy.
Trước tình hình Việt Nam có nhiều ca tai biến sau tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem, tháng 5, Bộ Y tế đã phải quyết định ngưng sử dụng chờ kết quả điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau khi được WHO khuyến cáo nên sử dụng lại, Bộ Y tế đang đề xuất với chính phủ cho phép sử dụng lại Quinvaxem. Vậy là người dân lại hoang mang chờ đợi vắc-xin này được đưa về các bệnh xá tiêm cho trẻ và tính mạng của con cái họ cũng đang là điều khiến cho những người làm cha làm mẹ này tiếp tục lo lắng hơn mỗi khi tiêm chủng, phòng ngừa cho con mình.