Từ xưa đến nay, sức khoẻ luôn là điều con người chú trọng nhất. Ai cũng muốn mua những nguyên liệu ngon, tươi, an toàn cho bữa cơm gia đình. "Thịt lợn không mua thịt cổ, cá không mua cá diếc" là một trong những kinh nghiệm được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
“Lợn không mua thịt cổ”
Kinh nghiệm "thịt lợn không mua thịt cổ" của người xưa phù hợp với quan điểm khoa học hiện đại. Đây là phần thịt nằm ở phía sau cổ của con lợn, có nhiều hạch bạch huyết, nơi chứa nhiều vi khuẩn, virus và độc tố có hại cho sức khỏe con người.
Hơn nữa, thịt cổ lợn cũng có hàm lượng chất béo cao, nếu ăn nhiều sẽ gây tăng mỡ máu, dẫn đến các bệnh tim mạch và tăng nguy cơ đột quỵ, rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Chính vì vậy, người nội trợ nên hạn chế mua thịt cổ lợn về chế biến mặc dù phần này có giá mềm hơn hẳn những phần khác cũng không nên tiếc rẻ.
Các chuyên gia thực phẩm cũng khẳng định, cổ lợn là một trong những bộ phận không nên ăn. Khi lợn bị giết, người ta chọc tiết lợn ở vùng cổ nên đây là nơi có rất nhiều máu tích tụ. Cổ cũng là vùng hay bị tiêm thuốc của con lợn, cũng là nơi có số lượng lớn hạch bạch huyết và các tuyến trao đổi chất, cũng là nơi chứa các chất độc cũng như xác vi khuẩn, virus.
Dưới đây là phần thịt của lợn vừa bổ dưỡng vừa ngon, chị em nội trợ nên ưu tiên:
+ Thịt đùi trước của lợn
Thịt đùi trước của lợn là phần ngon nhất chị em nên mua. Lý do bởi thịt đùi chân trước rất mềm, và có hương vị thơm ngon. Loại thịt này dù chế biến theo cách nào thì chất lượng thịt cũng không hề giảm. Mặt khác, do tần suất chuyển động của hai chân trước của lợn tương đối lớn, vì vậy thịt sẽ không tích nhiều mỡ.
+ Thịt vai
Thịt vai là phần nạc xen lẫn vài miếng mỡ mỏng, trông giống như hoa mận nên được gọi là thịt lợn hoa mận. Hương vị của thịt vai tươi và mềm, ít chất béo, dù dùng để ăn lẩu hay chiên đều rất ngon. Hàm lượng dinh dưỡng của thịt vai cao, đặc biệt là protein, lipid, chất béo và các khoáng chất cần thiết khác để phát triển cơ thể, giúp bạn khỏe mạnh.
+ Thịt thăn
Đây là phần thịt nạc heo gần như không có mỡ, các thớ thịt dài và có độ kết dính cao. Phần thịt này được cắt ra từ bắp nằm ở phía trước chạy dọc theo sống lưng và gần phía dưới chân sau của lợn. Phần thịt này không bị tác động nhiều bởi quá trình hoạt động của lợn, do đó thịt mềm, ngon, không có xương và rất dễ cắt.
“Cá không mua cá diếc”
Cá diếc được đánh giá là loại cá nước ngọt có thịt mềm, thơm ngọt, lành tính, có lợi cho sức khỏe nhưng lại nhiều xương dăm và rất ít thịt, vì thế người xưa không đánh giá cao loại cá này. Lý do đơn giản nhưng cũng rất thực tế, điều kiện kinh tế ngày xưa rất khó khăn, hầu hết các gia đình thường không đủ điều kiện mua nhiều thịt, cá. Vì thế, khi mua cá, người xưa có xu hướng thường không ưu tiên cá diếc mà thích mua những loại nhiều nạc để cùng một lượng cá, các thành viên trong gia đình gỡ được nhiều thịt hơn, phần vứt đi ít nhất. Vì thế, việc mua cá diếc về ăn bị coi là lãng phí.
Mặt khác, thực phẩm giàu đạm là thứ quý hiếm, thịt, cá hay các đồ ăn ngon thường được dành cho người già, trẻ em là chính. Trong khi đó, cá diếc ít thịt lại còn rất nhiều xương dăm, không phù hợp với người già hay trẻ nhỏ vì nếu bị hóc xương sẽ rất nguy hiểm trong điều kiện y tế còn thô sơ, lạc hậu.
Ngày nay, người dân có điều kiện sống tốt hơn, đối với thực phẩm thì coi trọng nhất là yếu tố dinh dưỡng và hương vị, do đó cá diếc lại rất được ưa chuộng. Trong Đông y, cá diếc vị ngọt, tính bình, có tác dụng kiện tỳ, bổ vị, điều khí, trừ thấp, giúp ăn ngon miệng, phòng chống lạnh bụng, lợi tiểu, cầm máu... Loại cá này còn được dùng chế biến thành những món ăn bài thuốc dành cho phụ nữ băng huyết, thai phụ mệt mỏi do tỳ vị hư yếu nên loại cá này ngày nay lại rất được ưa chuộng.
Như vậy, kinh nghiệm "Thịt lợn không mua thịt cổ, cá không mua cá diếc" mà người xưa truyền đạt chỉ đúng một nửa trong hoàn cảnh hiện nay.