Kỳ lạ cánh rừng vàng giữa đồng bằng

06:03, Thứ hai 19/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Trong khi người ta đua nhau làm náo loạn các cánh rừng gỗ quý thì cánh rừng lộc vừng vô giá tồn tại ngay giữa đồng bằng. Hàng trăm cây lộc vừng ở thôn Phú Thọ, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ được người dân canh giữ như báu vật.

Trong khi người ta đua nhau làm náo loạn các cánh rừng gỗ quý thì một cánh rừng lộc vừng vô giá tồn tại ngay giữa đồng bằng. Hàng trăm cây lộc vừng lớn ở thôn Phú Thọ, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình được người dân nơi đây canh giữ như báu vật của làng. Công cuộc giữ rừng trước sự nhòm ngó của giới lâm tặc quả là một cuộc chiến cam go và bằng tinh thần đoàn kết cao độ. Cánh rừng cổ thụ từ bao đời vẫn vững chải tồn tại như một điều kỳ lạ.

[links()]

Cả làng cùng canh giữ “báu vật”

Người ta chưa biết đến giá trị tiền tỷ của cây lộc vừng trước khi các đại gia cây cảnh bắt đầu làm dấy lên “làn sóng” săn tìm nó. Rừng lộc vừng (hay còn gọi là cây mưng) được xem như là loại cây có khả năng phát tài, phát lộc cho gia chủ.

Hoa lộc vừng sắc đỏ như huyết, được truy lùng tận các vùng rừng núi xa xôi hiểm trở. Người ta bứng cả gốc lẫn ngọn, thuê hàng chục người sức vóc đưa lên xe tải vận chuyển về xuôi trót lọt. Giá trị của lộc vừng ngày một dâng cao khi nhà nhà, người người bằng mọi cách đào nó bán cho thương lái.

Ông Dương Lập (72 tuổi), một người dân thôn Phú Thọ nói: “Rừng lộc vừng toàn những cây cổ thụ, tồn tại cùng thời gian qua hàng trăm năm. Nếu giả sử làng bán đi cánh rừng này thì ai cũng giàu to. Nhưng ngược lại, từ người già tới trẻ nhỏ đều say mê giữ cánh rừng như giữ báu vật”.

Người dân Phú Thọ canh giữ cánh rừng như báu vật vô giá của làng.
Người dân Phú Thọ canh giữ cánh rừng như báu vật vô giá của làng.

Thế nhưng trong giai đoạn thị trường “khát” cây lộc vừng làm cảnh thì cuộc chiến giữ rừng vô cùng gian nan. Vụ việc xảy ra cách đây đã hơn 2 năm về trước nhưng dư âm của nó vẫn hằn sâu trong trí nhớ người dân làng Phú Thọ.

Ông Lập kể, đó là một đêm mưa gió, rừng lộc vừng chính thức bị giới lâm tặc và tay chân thương lái “động thủ”. Đêm tối mưa rét, tiếng cưa máy nổ rền át luôn cả tiếng gió mạnh thổi từng hồi. Linh tính mách bảo, ông Lập vùng dậy chạy quanh rừng mưng.

Khi ánh sáng đèn rọi qua một vùng cũng là lúc bọn trộm đã đốn hạ xong, tời cây to lên xe chở đi. Ông Lập bám riết đuổi theo theo nhưng bất lực. Trời chưa sáng hẳn nhưng từ rất sớm nhiều người dân làng Phú Thọ đã tụ tập đông trước khu vực cây lộc vừng bị “hạ sát” tối qua.

Chẳng ai nói với nhau lời nào, tất cả đều im lặng đau xót. Bởi sự việc làm dấy lên quan ngại sẽ còn nhiều vụ trộm sắp tới nhằm vào rừng mưng quý giá. Trưởng thôn Phú Thọ, ông Lê Văn Tiến nhận định “Đó là tiền lệ xấu chưa hề xảy ra với làng và rừng mưng của cha ông để lại”.

Rừng lộc vừng ngàn năm cuối cùng đã lọt vào tầm ngắm của bọn săn cây cảnh hám tiền chơi sang. Bằng cách nào để bảo vệ cánh rừng quý giá và đồng thời cũng là linh hồn của làng? “Các cao niên ngồi lại bàn trên, họp dưới họp nhằm tìm ra kế sách giữ rừng. Loay hoay mãi cuối cùng cũng có cách khả thi” – ông Lập nói.

Thôn lập ra một đội bảo vệ rừng, chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau canh gác rừng. Khi có người lạ lai vãng quanh rừng lộc vừng, người dân sẽ báo cho đội này. Họ có trách nhiệm canh giữ bất kể đêm ngày khi có khả năng rừng lộc vừng bị xâm hại.

Lão nông Dương Lập kể, năm ngoái một người trong làng hám lợi, lên kế hoạch vụ trộm với giới đại gia chơi cây cảnh nhằm đốn hạ cây lộc vừng. Nắm được nguồn tin từ người dân, đội bảo vệ được chỉ đạo bắt quả tang, hốt trọn ổ “đạo chích”.

Rừng lộc vừng cổ thụ giữa đồng bằng luôn nằm trong tầm ngắm của lâm tặc và giới đại gia chơi cây cảnh
Rừng lộc vừng cổ thụ giữa đồng bằng luôn nằm trong tầm ngắm của lâm tặc và giới đại gia chơi cây cảnh.

“Khi chúng bổ đến nhát cuốc thứ năm thì hàng chục đèn pin bật sáng, thành viên của đội và người dân đứng vây quanh cả rồi. Hết đường bỏ chạy” – ông Lập nói. Những kẻ trộm lộc vừng bị thôn xử phạt hành chính, sau đó viết bản kiểm điểm hứa không vi phạm lần sau.

Riêng người trong thôn rắp tâm vi phạm lệ làng được thôn đọc tên phê phán cả buổi trên loa phát thanh của xã. Người nhà thủ phạm còn chịu nhiều điều tiếng và sự tủi nhục với bà con xóm làng khi tự tay tìm kiếm lộc vừng nơi khác về trồng thế lại những cây đã bị chết hoặc bị trộm “khoắng” đi.

Bên cạnh những vụ trộm, sự tồn tại của cánh rừng còn bị đe doạ bằng những mánh lới gian manh khác. Nhiều ngày người dân Phú Thọ đang lấm lem dưới ruộng đồng thì bất ngờ vì thỉnh thoảng từng dòng xe ô tô của đại gia khắp Nam ngoài Bắc đổ xô về làng. 

Họ tìm mọi cách mua chuộc người đứng đầu thôn bằng tiền và những cuộc nhậu. Lại có một doanh nghiệp hứa sẽ xây con đường bê tông chạy khắp làng nếu người làng đồng ý để họ chọn lấy một cây đẹp về làm cảnh.

Nhưng những cái lắc đầu tỏ vẻ cương quyết, không thoả hiệp khiến kẻ tìm mua thất vọng ra về. Đào trộm không được, dụ dỗ bằng tiền cũng không, mọi âm mưu để có lộc vừng vô giá rơi vào ngõ cụt.

Ông Châu Văn Sơn, một thành viên của đội bảo vệ cho hay, bọn trộm rất tinh vi và liều lĩnh bởi nguồn lợi từ cây lộc vừng quá lớn. Ba năm tham gia trong đội, từng ngăn chặn âm mưu, bắt giữ các vụ phá rừng, ông nhận thấy rừng còn là nhờ quyết tâm giữ rừng, báo tin của mỗi người dân.

Mỗi công dân làng Phú Thọ là những …kiểm lâm viên thực thụ. Lại có khi bọn trộm giả vờ đi xe lượn lờ quanh làng, quan sát cây nào to, ghi nhớ địa điểm để lên kế hoạch trộm. Nhiều đêm ông cùng đồng nghiệp mất ăn mất ngủ để canh chừng cánh rừng quý.

Mặc dù ông Sơn cũng như các thành viên khác trong đội không nhận được đồng lương nào nhưng ai nấy đều làm việc tận tuỵ hết mình. Ông Sơn khẳng định: “Giữ rừng là trách nhiệm, đồng thời rừng là thứ gì đó rất linh thiêng nằm trong tâm can mỗi người nên tạo cho mọi người một tâm huyết coi trọng cánh rừng đến lạ kỳ”.

Rừng không mất vì lòng tham tiền bạc

Một điều lấy làm lạ đến khó tin, trong khi nhiều người dân các vùng quê khác hè nhau phá rừng, tìm kiếm gỗ sưa quý hiếm. Họ sẵn sàng giết nhau để chiếm đoạt sản vật của rừng. Một phần nguyên nhân xuất phát từ cuộc sống mưu sinh có quá nhiều khó khăn hay một thương vụ làm ăn nào đó.

Người dân Phú Thọ đa phần làm nông, họ đâu có giàu, sống ở hạ nguồn con nước Kiến Giang, tôm cá ngày càng cạn kiệt. Trưởng thôn Lê Văn Tiến cho biết thôn có nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Vậy tại sao họ lại không tìm cách phá cánh rừng quý giá ngay “sát nách” họ? Có phải họ không muốn làm giàu?

Câu hỏi quá khó với nhiều người nhưng về vùng quê này, hỏi bất cứ ai là con em Phú Thọ đều dễ dàng có câu trả lời chí tình. Lão nông Dương Lập lý giải:

“Rừng tồn tại cùng làng, bao năm qua che chắn mưa gió, bão lũ cho vùng quê này. Đó là đặc ân lớn mà người Phú Thọ phải trả bằng cách giữ rừng, chứ chưa nói đến rừng là linh hồn của làng. Rừng là của cha ông đổ mồ hôi trồng nên. Rừng giữ làng, làng phải giữ rừng, thế thôi”.

Nhiều lão nông tri điền vùng lúa nước Lệ Thuỷ lắc đầu khi được hỏi về nguồn gốc của rừng lộc vừng ngàn năm có từ bao giờ. Họ chỉ biết cây lộc vừng can trường, vững chãi hiên ngang trong gió, ăn sâu vào lòng đất mẹ, che chắn mưa bão từ biển Đông thổi vào.

Mùa hè nóng nực, gió Lào thổi về khô rát nhưng đứng dưới những hàng lộc vừng cao vút thấy mát rười rượi. Buổi trưa hè, trẻ em nô đùa còn người lớn căng võng nằm ngủ đu đưa dưới tán cây rợp bóng. “Rừng mưng rộng 2,5 ha chính là khu vườn mát mẻ của mỗi ngôi nhà” – một người dân nói.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Lệ Thuỷ là vùng đất bị bom đạn cày xới ác liệt. Quân giặc giã quyết đánh tan tinh thần chiến đấu nhưng nhân dân quê hương Đại tướng vẫn anh hùng bất khuất.

Ông Lê Văn Tiến nói: “Cánh rừng mưng còn là nơi để người dân ẩn nấp, chờ thời cơ chống lại giặc. Rừng mưng rậm rạp um tùm có thể chứa hàng trăm con người cùng sống ống đạn dược.

Ngày tôi còn bé, nghe tiếng máy bay địch ù ù trên bầu trời, bom rơi, rừng mưng vài cây ngã đổ, còn nhà của dân làng vẫn bình yên vô sự”. Chuyện ông Tiến kể cũng một phần lý giải lý do vì sao dân Phú Thọ yêu rừng và nhiệt huyết giữ rừng bằng mọi giá đến như vậy

Người đời nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, người dân làng ông Lập chỉ giữ rừng thôi đã cảm thấy niềm tự hào mãnh liệt. Khi cánh rừng này được bình yên thì cuộc sống của hàng trăm người dân Phú Thọ mới an cư được.

Bởi rừng là tấm lá chắn dũng mãnh cho dân làng trước những cơn cuồng phong, sự thịnh nộ dữ dội của bà mẹ thiên nhiên. Lộc vừng sừng sững trong mưa gió, tán rộng vươn cao chắc chắn che chở cho bao mái nhà mỏng manh.

Bão lớn đến mấy người dân vẫn an lòng vững dạ, chỉ lo những cơn lũ quét qua cuốn trôi tài sản ra sông ra bể. Theo trưởng thôn Lê Văn Tiến, rừng lộc vừng đang đứng trước nguy cơ bị xâm lấn, thu hẹp dần. Do hệ quả của quá trình phát triển dân số vùng đồng bằng, đất đai dùng để xây dựng nhà cửa.

Chính quyền xã đã kiến nghị lên cấp trên nhằm cố gắng giữ lâu dài môi trường sống cho cánh rừng. Trong khi các cánh rừng vùng biên viễn đang “chảy máu” từng ngày vì bàn tay lâm tặc, việc giữ cánh rừng “vàng” ở đồng bằng là điều cần thiết và quý báu.

Trách nhiệm bảo vệ cánh rừng này tồn tại như chứng minh cho tinh thần yêu quý quê hương cội nguồn của dân làng. Ông Lê Văn Tiến hãnh diện:

“Ngày xưa bão đạn không công phá được rừng. Ngày nay rừng không mất bởi lòng tham tiền bạc. Vậy thì người dân Phú Thọ có quyền dám tin tưởng vào tương lai tồn sinh của rừng mưng này lắm chứ”.

Quả thực tinh thần giữ rừng của dân Phú Thọ còn thì rừng còn mãi. Rừng “vàng” giữa đồng bằng - đó là cái điều lạ lùng về vùng đất vốn địa linh nhân kiệt này.

  • Kỳ Lam
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc