Lạ lùng căn bệnh mang tên "Người đẹp ngủ"

06:21, Thứ bảy 28/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Bà Bernie Richards cho biết: “Không có dấu hiệu nào báo trước con gái tôi sắp rơi vào giấc ngủ. Tôi thấy Stacey chìm vào giấc ngủ nhanh tới mức con bé có thể bất thình lình lăn ra ngủ ngay trên sàn bếp thay vì lên giường..."

Cô gái Stacey Comerford, 15 tuổi, đến từ Telford, Shropshire (nước Anh) được mệnh danh là “Người đẹp ngủ” do cô bị mắc một chứng rối loạn thần kinh hiếm có khiến giấc ngủ của cô có thể kéo dài trong vài tháng liền. Và điều này đã dẫn đến không ít phiền toái cho cả người bệnh và gia đình.
[links()]
Giấc ngủ kì lạ kéo dài suốt 2 tháng

Giấc ngủ dài nhất mới đây của Stacey Comerford kéo dài 2 tháng, từ tháng tư đến tháng sáu vừa qua. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Stacey Comerford đã bỏ lỡ đến 9 kỳ thi ở trường, mặc dù với sức học của mình, cô bé được giáo viên dự đoán sẽ có kết quả thi tốt và vào thẳng trung học phổ thông.

Stacey hy vọng sẽ có thể quay trở lại trường học theo chương trình bán thời gian. Cô nói: “Tôi đã bỏ qua 9 kỳ thi và ngay cả chính sinh nhật của mình trong tháng mười một.

Trước đây, mọi người không tin rằng tôi đã trải qua những giấc ngủ kì lạ như vậy và thật khó khăn vô cùng khi giải thích về điều này với họ. Nhưng bây giờ, mọi người đã biết đến hội chứng Người đẹp ngủ và hiểu được những gì tôi nói với họ là sự thật.

Các bạn trong lớp cũng thông cảm với tình trạng của tôi và thường giúp đỡ tôi mỗi khi tôi cảm thấy mệt mỏi và cần phải về nhà”.

Với hội chứng Kleine-Levin, Stacey có thể ngủ bất cứ lúc nào
Với hội chứng Kleine-Levin, Stacey có thể ngủ bất cứ lúc nào

Triệu chứng của bệnh Kleine-Levin bắt đầu xuất hiện ở Stacey Comerford cách đây khoảng 1 năm khi cô gái liên tục cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Nhưng bệnh của  Stacey Comerford chỉ được các bác sĩ xác định vào tháng ba vừa qua vì đây là một căn bệnh rất hiếm gặp.

Thời gian đầu khi mắc hội chứng, Stacey Comerford luôn cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày, cô không thể tập trung học trong lớp. Bà Bernie Richards, mẹ của Stacey Comerford, nhớ lại:

“Lúc ở trường, Stacey muốn về nhà và rồi ngủ liền cả hai ngày cuối tuần. Đến sáng thứ hai, tôi không thể đánh thức con bé dậy. Tiếp đó, một hôm, tôi nhận được điện thoại từ trường học đề nghị tôi đến đón con bé về nhà vì nó không được khỏe.

Tôi liền đưa Stacey đến gặp bác sĩ gia đình. Tôi đã phải kéo chân Stacey để lôi con bé ra khỏi xe rồi đưa nó vào phòng khám. Trong lúc đó, nó vẫn ngủ rất say”. Tuy nhiên, vị bác sĩ chỉ chẩn đoán cô gái có thể bị căng thẳng tâm lý tuổi thiếu niên.

Nhận thấy những biểu hiện lạ thường của con gái, bà Bernie Richards sau đó đã đưa cô tới khám tại Bệnh viện Hoàng gia ở Telford. Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán Stacey Comerford có thể đang bị trầm cảm và gặp quá nhiều áp lực hoặc nghiêm trọng hơn là bị u não.

Vì thế, cô gái đã được đưa đi chụp não và kiểm tra những bệnh khác như chứng ngủ rũ và bệnh động kinh. Tuy nhiên, sau khi phân tích kết quả chụp não, các bác sĩ vẫn không thể phát hiện ra chính xác chứng bệnh mà Stacey Comerford mắc phải, cho đến khi một chuyên gia về thần kinh tại Bệnh viện Nhi Birmingham phát hiện cô bị mắc hội chứng Kleine-Levin.

Bà Bernie Richards cho biết: “Không có dấu hiệu nào báo trước con gái tôi sắp rơi vào giấc ngủ. Tôi thấy Stacey chìm vào giấc ngủ nhanh tới mức con bé có thể bất thình lình lăn ra ngủ ngay trên sàn bếp thay vì lên giường.

Khi chìm vào giấc ngủ, Stacey vẫn có thể đứng dậy đi toilet hay uống nước nhưng hoàn toàn vô thức. Tôi gọi đó là chế độ ngủ. Khi tỉnh dậy, con bé không còn nhớ bất kỳ điều gì về giấc ngủ quá dài trước đó và tưởng như mình mới chỉ ngủ từ ngày hôm qua”.

Stacey Comerford có thể chìm vào giấc ngủ sâu hơn 20 giờ một ngày và chỉ đứng lên để đi vệ sinh hoặc uống nước. Tranh thủ những phút đó, bà Bernie cho con gái một chút thức ăn trước khi cô tiếp tục quay trở lại với giấc ngủ.

Bà Bernie Richards nói: “Stacey cần được yên tĩnh trong quá trình ngủ. Khi tỉnh giấc, con bé giống như trở lại tuổi lên 5 và nó nói chuyện hệt như một đứa trẻ con. Trong lúc ngủ, Stacey có những cử chỉ khá thất thường nhưng không thể dừng lại được.

Con bé giống như một đứa trẻ muốn làm những điều nó thích theo cách riêng của nó. Con bé còn dậm chân nếu như không có được những gì nó muốn. Những lúc như vậy, tôi có cảm giác như có hai đứa trẻ khác nhau cùng sống trong nhà”.

Stacey Comerford và mẹ - bà Bernie Richards
Stacey Comerford và mẹ - bà Bernie Richards

Hiện tại, mọi thói quen sinh hoạt của gia đình bà Bernie Richards đều bị đảo lộn vì Stacey. “Chúng tôi không thể lên bất kỳ kế hoạch gì vì Stacey có thể ngủ bất cứ lúc nào. Mọi thành viên trong nhà đều cố gắng cười nói và trêu đùa về điều đó, xem như đấy là cách duy nhất để Stacey vượt qua những cơn buồn ngủ khó khăn”, bà Bernie Richards nói thêm.

Được biết, Stacey Comerford không phải là bạn trẻ duy nhất mắc phải hội chứng kì lạ này. Cô là một trong số 1.000 người trên toàn thế giới mắc hội chứng Kleine-Levin, còn được gọi là hội chứng Người đẹp ngủ.

Giống như Stacey, Michell Baldwin, 14 tuổi, đến từ Sheffield (Anh), cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Michell thường ngủ 22 giờ mỗi ngày và chỉ tỉnh dậy để ăn một cách vô thức.

Cậu tâm sự: “Điều này đến với tôi giống như một giấc mơ, như thể nó chưa từng xảy ra. Tôi chỉ biết rằng đầu mình khi đó vô cùng nặng nề và mệt mỏi”.

Ngoài ra còn có trường hợp được xem là điển hình của Eric Haller. Chàng trai 21 tuổi đến từ Placentia, California (Mỹ) này là một sinh viên giỏi của Đại học Fullerton, California và là bác sĩ thực tập tại đội bóng rổ Los Angeles Clippers.

Anh đột nhiên mắc phải hội chứng Kleine-Levin khi mới 11 tuổi. Chu kỳ ngủ của Eric Haller thường là 8-10 lần một năm, khi đó anh rơi vào trạng thái mơ màng và không thể thực hiện được những hoạt động trí óc dù là đơn giản nhất như đọc sách báo hay xem các chương trình truyền hình yêu thích của mình.

Phải mất tới 4 năm các bác sĩ mới chẩn đoán được Eric Haller đã mắc phải chứng Kleine-Levin. Eric nhớ lại: “Thời gian đầu mới mắc bệnh, tôi thường khóc rất to vì không thể làm những bài tập toán về nhà dù cách giải rất đơn giản, mặc dù tôi từng là một học sinh thông minh”.

Còn bà Lori Haller-Schiller, mẹ của Eric Haller, thì cho biết: “Eric vốn rất sôi nổi và yêu thích thể thao. Tôi không biết chính xác chứng bệnh này đã hình thành như thế nào, nó giống như một bộ chuyển mạch ánh sáng và thằng bé đột nhiên biến thành trẻ con.

Nó trở nên thích ngủ, rất hay càu nhàu và không muốn nói chuyện. Ngoài ra, nó còn thích thức ăn nhanh và thường chúi mắt vào những bộ phim hoạt hình thời thơ ấu...”.

Bí ẩn hội chứng Người đẹp ngủ biến người lớn thành trẻ con

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu quốc gia về các bệnh rối loạn thần kinh và đột quỵ Mỹ (NINDS) công bố thì người mắc phải hội chứng Kleine-Levin thường xảy ra các triệu chứng bao gồm: hấp thụ quá mức thức ăn, đặc biệt là “quà vặt”; gặp những cảm xúc khó chịu; tính khí trở nên thất thường, trẻ con; mất phương hướng và bị ảo giác...

Hội chứng rối loạn giấc ngủ hiếm hoi này là căn bệnh được đặc trưng bởi tính chu kỳ, trong đó thời gian ngủ quá dư thừa, đôi khi lên đến 20 giờ/ngày và thường đi kèm với hành vi trẻ con.

Bác sĩ Tom Rico thuộc Trung tâm nghiên cứu chứng ngủ rũ và hội chứng Kleine-Levin tại Đại học Stanford, California (Mỹ) cho biết: “Khi mắc hội chứng Kleine-Levin, người bệnh sẽ có những giai đoạn ngủ thường kéo dài từ 1-3 tuần.

Trong khoảng thời gian này, họ có thể ngủ ở bất cứ nơi nào từ 16-22 giờ mỗi ngày cho đến khi quá trình ngủ kết thúc. Và khi tỉnh giấc, trong một vài giờ đầu sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn nhận thức”.

Được biết, hội chứng Kleine-Levin chủ yếu xảy ra với thanh thiếu niên và đã ảnh hưởng đến khoảng 1.000 trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới, hơn 70% số người mắc là nam giới.

Hội chứng ngủ kéo dài này dường như xuất hiện phổ biến đối với người Do Thái Ashkenazi và đôi khi còn gặp ở các cặp anh chị em như một khuynh hướng di truyền. Bệnh thường xuất hiện vào năm 11 tuổi và các triệu chứng gặp phải thường giảm tần suất và cường độ trong vòng từ 8-12 năm sau.

Theo Tiến sĩ Phyllis Zee, giám đốc Trung tâm các bệnh về ngủ và là giáo sư thần kinh học thuộc Đại học Tây Bắc Mỹ thì:

“Nhiều gia đình bệnh nhân cho biết hội chứng Kleine-Levin bắt đầu xuất hiện ở con em họ sau một đợt nhiễm trùng vốn có thể làm cho não “dễ bị tổn thương nhiều hơn... Xét về mặt cấu trúc, bạn sẽ thấy não của người bệnh hoàn toàn bình thường, ngoại trừ chức năng của nó”.

Trước khi hội chứng Kleine-Levin bị phát triển, các bậc cha mẹ có thể nhận thấy sự thay đổi trong tính cách của con cái khi xuất hiện các rối loạn và cơn buồn ngủ kéo dài. Một số khác còn có những hành động vô thức.

Điều khó khăn nhất là vấn đề tâm lý cho cả người bệnh và những người chăm sóc bởi họ thường bộc lộ những cảm xúc căng thẳng về tình trạng bệnh thất thường này. Đôi khi người bệnh phát âm bập bẹ như trẻ sơ sinh, hầu như không thể hiểu được điều gì và còn tự mình làm “chuyện ấy” trong vô thức.

Hiện tại, các bác sĩ biết rất ít về chứng bệnh này nhưng phỏng đoán rằng hội chứng Kleine-Levin có liên quan đến một sự cố nào đó ở vùng não điều khiển thân nhiệt, điều khiển cảm giác thèm ăn, giấc ngủ và tình dục.

Hiện vẫn chưa có loại thuốc nào được xem là hiệu quả trong việc đặc trị hội chứng Kleine-Levin, mặc dù một số bệnh nhân đã áp dụng thành công với Lithium, được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lưỡng cực.

Nhiều bậc cha mẹ đang tuyệt vọng trong việc tìm ra phương thức nhằm điều trị cho con em mình khỏi chứng bệnh trên sau khi đã áp dụng đủ mọi cách từ châm cứu, chỉnh hình và thậm chí hút thuốc tạo ảo giác nhưng các nỗ lực đều không hiệu quả.

Nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp điều trị chưa được tìm ra, tuy nhiên hội chứng này có thể được kiểm soát nhờ việc dùng kết hợp các loại thuốc kích thích để giữ cho tinh thần tỉnh táo và thuốc ngủ để giúp giấc ngủ của người bệnh có chất lượng tốt hơn.

  • Mai Châu
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc