Làm dịch vụ đổi tiền lẻ kiếm lời dịp Tết có bị phạt không?

( PHUNUTODAY ) - Dịp cận Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lẻ lại trở nên sôi động hơn. Liệu người mua và người bán có vi phạm pháp luật?

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm dịch vụ đổi tiền lẻ không đúng quy định

Ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 35/CT-TTG nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp đảm bảo cho việc đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 được vui vẻ, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Theo nội dung Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều phối, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong việc chủ động cung ứng tiền tệ, đảm bảo nhu cầu về chi tiêu và thanh toán trong dịp cuối năm, đồng thời giữ vững việc kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo các hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, liên tục để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong các giao dịch mua bán ngoại tệ, vàng và các dịch vụ đổi tiền mặt có mệnh giá nhỏ không tuân thủ theo quy định pháp luật.

Đổi tiền lẻ kiếm lời, bị phạt đến 80 triệu đồng

Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 50 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, quy định mức phạt đối với hành vi đổi tiền không đúng quy định như sau:

Điều 30. Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Điểm b khoản 3 Điều 3 của Nghị định này cũng quy định:

b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;

Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì nếu cá nhân thực hiện đổi tiền không đúng quy định bị phạt từ 20-40 triệu đồng. Nếu hành vi này thực hiện bởi tổ chức thì mức phạt là từ 40-80 triệu đồng.

Cẩn thận bị lừa khi đổi tiền lẻ qua mạng

Những người thực hiện giao dịch này trên mạng là nhóm người có khả năng cao nhất bị lừa gạt trong việc đổi tiền lẻ.

Lý do là quá trình giao dịch được thực hiện một cách dễ dàng và thiếu thông tin về người cung cấp dịch vụ, người đổi tiền dễ trở thành nạn nhân của những trò gian lận và không biết tìm sự giúp đỡ từ ai khi nhận ra mình bị lừa.

Các thủ đoạn lừa đảo thường gặp bao gồm việc đưa ra tiền lẻ giả mạo hoặc giao dịch thiếu số tiền đã thỏa thuận…

Chính vì vậy, hành vi đổi tiền lẻ để kiếm lợi không những vi phạm pháp luật mà còn chứa đựng nhiều nguy cơ. Do đó, người dân cần hết sức cẩn trọng khi tham gia các giao dịch đổi tiền lẻ.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link