Mới đây, dư luận giật mình trước thông tin có hàng trăm ngư dân ở Thanh Hóa làm thuê trái phép cho tàu cá Trung Quốc.
[links()]
Theo đó, trong văn bản Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa gửi tới Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) vào đầu tháng 5/2013 tính đến cuối tháng 4/2013, tại ba huyện, thị xã ven biển của tỉnh Thanh Hóa, có 162 ngư dân làm thuê trái phép trên tàu cá của Trung Quốc. Trong đó, huyện Hậu Lộc có 99 người, Quảng Xương có 36 người, thị xã Sầm Sơn 27 người.
Nguyên nhân số ngư dân trên đi làm thuê trái phép cho tàu cá Trung Quốc là lao động làm trên tàu cá Thanh Hóa có mức lương từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, còn lương làm thuê trên tàu cá của Trung Quốc là từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, một số ngư dân lấy lý do đi học tập kinh nghiệm nghề khai thác lưới kéo đôi, lưới rê hỗn hợp trên tàu cá Trung Quốc, để về áp dụng tại địa phương.
Vào tháng 6/2012, cả nước xôn xao vì việc người Trung Quốc nuôi cá tại khu vực cảng Cam Ranh - Khánh Hòa, cơ quan chức năng cũng phát hiện không ít lao động Việt Nam làm thuê cho các bè cá này.
'Sói biển' Mai Phụng Lưu từng nhiều lần bị Trung Quốc bắt và thu tàu cá khi đang đánh bắt trên trên vùng biển của Tổ quốc (Ảnh minh họa) |
Theo Thượng tá Phan Lê Văn - đồn trưởng Đồn biên phòng Cam Ranh - cho biết có sáu người Trung Quốc đang ở trong khu vực vịnh biển Cam Ranh để làm chuyên gia nuôi trồng thủy sản cho các lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú của người dân địa phương khoảng 9-10 năm nay. Tuy nhiên, theo người dân ở khu vực này, những người Trung Quốc ở đây chuyên nuôi trồng thủy sản rồi xuất về Trung Quốc chứ không phải là làm chuyên gia.
Ông Nguyễn Văn Quý, một người bán tạp hóa ở trước cổng cảng Cam Ranh (đường Nguyễn Trọng Kỷ, P.Cam Linh, TP Cam Ranh), cho biết có khoảng 10 người Trung Quốc thường xuyên ra vào cảng, ngoài ra còn có một số người Việt Nam làm thuê cho những người Trung Quốc này.
Trên vịnh Cam Ranh, các lồng bè nuôi hải sản của người Trung Quốc được xây dựng khá kiên cố. Mỗi bè rộng khoảng 100m2, trên đó xây dựng 2-3 ngôi nhà lợp tole màu để người Trung Quốc và những người Việt Nam làm thuê ở lại chăm sóc cá. Mỗi bè như vậy có rất nhiều lồng nuôi được liên kết chặt với nhau. Những bè cá này nằm cách cảng Cam Ranh khoảng 200-250m về phía đông. Từ những vị trí đó có thể nhìn thấy khá rõ quân cảng Cam Ranh nằm về phía đối diện.
Ngư dân tố tàu Trung quốc với Chủ tịch nước Ngày 14/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm hỏi ngư dân tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam). Trong buổi nói chuyện với ngư dân, Chủ tịch nước thân mật gọi từng ngư dân ra ngồi để nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, đề xuất và nghe cả những hiểm nguy đang rình rập ngư dân... Ngư dân Phạm Văn Huy cho biết tình hình ngoài khơi đang diễn biến rất phức tạp. Chi phí các chuyến biển của ngư dân đang tăng lên một phần vì họ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi. “Bình thường chỉ 1 thùng phi dầu để chạy nhưng khi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi phải tăng thêm 1,5 thùng dầu. Ngư dân có bệnh tình gì vào Hoàng Sa cũng không được. Vừa rồi tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị bắn đó…”, ông Huy nói và cho biết thêm trên vùng biển chủ quyền đang có nhiều tàu cá Trung Quốc hoạt động phi pháp, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển VN, gây khó khăn cho tàu cá VN hoạt động đánh bắt hợp pháp. Sau khi nghe ý kiến ngư dân, Chủ tịch nước hỏi tiếp: “Ngoài ra còn khó khăn gì nữa không? Người ta đuổi thì mình làm sao? Khi bị bão thì làm sao? Bà con ngư dân khác trong vùng biển như thế nào?”. Ông Cảnh trầm tư: “Gặp bão thì thả dù và tìm nơi trú ẩn, đuổi thì tránh, ngư dân làm ăn chứ làm gì đâu mà đuổi đánh”. |
- An Khanh (Tổng hợp từ Dân trí, TTO)