Quả thật, sau tháng thứ 3 của cuộc hôn nhân, tôi mới nhận ra rằng sống ở thành phố, 7,500,000 đồng/tháng là điều không tưởng.
|
Đám cưới rình rang, trăng mật rình ràng, cuối cùng hôn nhân của chúng tôi kết thúc khi hai đứa khánh kiệt không còn một xu. |
Yêu nhau suốt 4 năm Đại Học, ra trường, chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới. Một đám cưới hoành tráng và hạnh phúc viên mãn. Gia đình tôi cũng khá giả nên không ngại chi mạnh tay cho đám cưới này. Gia đình anh kinh tế kém hơn song anh là con cả trong nhà nên bố mẹ chồng tôi cũng không ngại mà dốc túi. Đám cưới chúng tôi khiến bạn bè phải ghen tị. Đôi nhẫn cưới của hai đứa tiêu tốn đến hơn 50 triệu đồng.
Sau đám cưới, chúng tôi có tuần trăng mật qua 4 quốc gia. Hạnh phúc quá đi chứ khi bạn cưới được người bạn yêu. Cưới xong, tôi còn đi học thêm lớp nữ công gia chánh để có thể nấu cho anh những bữa cơm ngon nhất. Anh cũng không kém cạnh, chiều thứ 6 nào anh cũng mua về một bó hoa tươi để chúng tôi hưởng thụ một cuối tuần hạnh phúc. Ngây ngất trong cuộc hôn nhân mới toanh này được một tháng thì chúng tôi mới bắt đầu đi xin việc.
Anh muốn tôi đi làm công việc nhẹ nhàng thôi. Nhờ mối quan hệ của bố, tôi vào một công ty nhà nước với mức lương rất tinh thần: 2,500,000 đồng/tháng. Công việc rất nhàn nhã. Thời gian còn lại, tôi dành cho việc học nữ công gia chánh, nấu ăn cho anh, cắm hoa tươi và dọn dẹp nhà cửa luôn sạch sẽ tinh tươm. Anh nhận lãnh trách nhiệm kiếm tiền.
Chính vì nhận lãnh trách nhiệm này mà anh lựa chọn công việc theo ưu tiên thu nhập. Không làm với các công ty nhà nước vì họ trả thấp, anh ra ngoài làm cho một công ty tư nhân. Lương tháng cũng ổn ở mức 5,000,000 đồng/tháng và nếu làm tốt còn được thưởng thêm. Anh bảo ở công ty này, nếu anh chăm chỉ, chỉ 1 năm, anh sẽ được thăng chức và sẽ có mức
thu nhập cao hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng chịu đựng một năm thôi. Tôi cũng vui vẻ chấp nhận vì nghĩ với 7500,000 đồng/tháng, hai vợ chồng tằn tiện thì vẫn có thể sống được. Quan trọng là tình yêu mà hai đứa đang sở hữu. Và quan trọng hơn cả, tôi còn cuốn sổ tiết kiệm hơn 100 triệu bố mẹ cho khi đi lấy chồng.
|
Càng yêu, càng thương tôi, anh càng mê lú trong cuộc sát phạt kiếm tiền. |
Song quả thật, sau tháng thứ 3 của cuộc hôn nhân, tôi mới nhận ra rằng sống ở thành phố, 7,500,000 đồng/tháng là điều không tưởng. Nhất là với các cặp vợ chồng mới cưới như chúng tôi. 100 triệu tiết kiệm bắt đầu được huy động chi. Tháng nào cũng hết hơn 10 triệu đồng chưa kể những bữa ăn tình yêu cuối tuần tại các nhà hàng. Đến tháng thứ 5 thì số tiền trong sổ tiết kiệm đã chỉ còn vỏn vẹn 20 triệu đồng. Tôi tá hoả nói với chồng. Anh cũng lo lắng. Hai vợ chồng khi đó mới bắt đầu chương trình cắt giảm chi phí.
Anh bắt đầu toan tính cách kiếm tiền nhanh hơn. Bạn bè mách nên đầu tư cổ phiếu hoặc bất động sản sẽ nhanh giàu hơn, anh cũng ham. Tôi cũng xuôi xuôi theo và quyết định chiều anh. Chúng tôi huy động tiền bằng cách vay mượn gia đình. Anh bỏ việc ở công ty để bắt đầu lên sàn. Sau vài phát ăn non lãi dăm triệu, anh mạnh tay chi hơn. Và chúng tôi bắt đầu có 100 triệu đầu tiên chỉ sau một tháng anh gia nhập làng “cổ cánh”. Đau đớn là 100 triệu đó là khoản nợ chứ không phải khoản lãi. Tôi bắt đầu hoảng hốt và lo sợ. Hai vợ chồng bắt đầu có những trận cãi nhau lớn. Thực ra chỉ có mình tôi lớn tiếng chứ anh thì chỉ im thin thít.
Anh thương tôi và yêu tôi. Càng yêu, càng thương, anh càng mê lú trong cuộc sát phạt kiếm tiền. Anh chủ động đi vay nặng lãi để gỡ gạc. Như thể 100 triệu nợ cũ chưa đủ để anh nhận ra khả năng của anh không phải ở thị trường chứng khoán vậy. Tôi bắt đầu phải đi mượn tiền của bạn bè để chi trả các khoản tiền điện nước sinh hoạt hàng ngày. Với bố mẹ tôi, tôi cũng không nói ra sự khó khăn của mình. Vẫn cứ hy vọng anh sớm kiếm đủ tiền để cải thiện lại cuộc sống này. Cho đến một ngày, chủ nợ đến xiết nợ và hăm doạ sẽ xiết nốt mạng sống của hai vợ chồng nếu không trả tiền họ. Anh khóc xin tôi hãy vì anh mà nán đợi.
Tôi khủng hoảng thực sự. Mọi tình cảm dành cho anh bỗng chốc bay biến hết chỉ còn lại là những ê chề và hoang mang. Tôi không biết mai này sẽ sống ra
sao nữa. Số tiền anh nợ đã lên đến 2 tỉ đồng và nó sẽ còn tăng theo mỗi ngày đi qua. Ngôi nhà hai vợ chồng đang sống là nhà của bố mẹ tôi cho mượn chứ nào phải nhà của hai vợ chồng? Vì thế, khi anh bàn mang nhà đi cầm cố ngân hàng để vay tiền trả nợ thì tôi giãy nảy lên. Tôi cảm thấy coi thường anh ghê gớm khi nói ra điều ấy. Và mọi thứ đúng là chấm hết khi chúng tôi bán đi đôi nhẫn cưới trị giá hơn 50 triệu đồng khi mua mà khi bán chỉ còn lại hơn chục triệu đồng. Tôi đưa nốt số tiền đó cho anh để anh trốn vào Nam sống. Tôi quay về với bố mẹ tôi. Ngôi nhà của bố mẹ, tôi trả cho bố mẹ. Anh vào Nam cứ cách một hai tháng lại lén lút về thăm tôi. Cảm xúc yêu đương cứ nguội dần rồi lạnh ngắt không biết tự lúc nào.
Kỷ niệm một năm ngày cưới, tôi đâm đơn ra toà. Anh chạy ra Hà Nội quỳ xuống dưới chân tôi khóc lóc xin tôi ở lại song lòng tôi giờ chỉ còn là sự thương hại anh không hơn. Bạn thân mến! Quyết định ly hôn này của tôi liệu có phải là một quyết định sáng suốt hay không? Liệu có không một tương lai tốt đẹp với người mình đã từng yêu tha thiết song lại quá bất tài đến như vậy?
(Trương Lê Diễm Hằng, HN)
Ý KIẾN CHUYÊN GIA VÀ BẠN ĐỌC 1. Ngọc Anh, 25 tuổi: Bạn nên ly dị để bắt đầu lại Nếu là tôi thì tôi cũng làm như bạn. Hôn nhân không thể tồn tại trong một điều kiện như thế. Càng để hết tình cảm với nhau thì sau này nhìn mặt nhau càng khó. Tôi nghĩ kết thúc sớm cũng là cách để mình có thể bắt đầu lại sớm. 2. Nguyễn Mạnh Hùng, 26 tuổi: Bạn là người ích kỷ! Tôi cảm thấy thương cho chồng của bạn. Anh ta cũng chỉ là một nạn nhân của gia đình, không được chuẩn bị kỹ năng để làm chồng. Lẽ ra bạn có thể hỗ trợ anh ta, cùng bàn với nhau cách để khôi phục kinh tế, thì bạn lại cứ ngồi nhìn anh ta thất bại. Tôi thấy bạn ích kỷ và chỉ biết dựa dẫm vào những thứ có sẵn! Bạn thử nghĩ kỹ về quyết định này xem. Các bạn mới cưới, và bạn cũng chưa cho chồng một cơ hội nào. Mâu thuẫn là từ chuyện tiền nong, vậy nếu cả 2 cùng ngồi lại bàn cách giải quyết, và nhờ vả gia đình giúp đỡ, thì có nên không? Hôn nhân không dễ xây dựng, chồng bạn nỗ lực kiếm tiền cũng chỉ vì gia đình, mỗi tội anh ta hơi thiếu năng lực. Các bạn đã đi cùng nhau suốt nhiều năm, vậy sao bạn không hỗ trợ anh ấy? 4. Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hải – Trung tâm tư vấn tâm lý và sức khỏe sinh sản Cộng Đồng: Thiếu kỹ năng khởi tạo một gia đình Vấn đề mà cặp vợ chồng này gặp phải rất phổ biến trong điều kiện hiện nay, khi mà hôn nhân vội vã không được quyết định dựa trên sự tính toán lâu dài. Người phụ nữ trong gia đình lẽ ra phải là người biết vun vén, nội trợ và quan trọng hơn là tay hòm chìa khóa. Người đàn ông phải là người lập kế hoạch tài chính dựa trên đồng thuận của vợ và năng lực kiếm tiền của mình. Các bạn đều không làm tốt vai trò này vì các bạn đến với nhau khá sớm, khi chưa phải đối mặt với bất cứ vấn đề gì của cuộc sống (công việc, tự lo toan chi tiêu...) Nên mâu thuẫn nảy sinh là đương nhiên. Khi hai bạn lấy nhau nhưng vẫn áp dụng mức chi tiêu cá nhân như thời son trẻ nên rõ ràng là không có yếu tố tiết kiệm, dành dụm. Đâm lao phải theo lao, bạn không dừng hoặc thay đổi mức chi tiêu của mình được, luôn cảm thấy thiếu thốn. Các bạn không có kỹ năng để bắt đầu ổn định gia đình, trong 2 người không có ai là vững tay chèo, sẽ khiến cho thuyền chòng chành và chìm dần. Ở góc độ là một phụ nữ, tôi cho rằng bạn lẽ ra có thể hỗ trợ chồng nhiều hơn nếu bạn biết phát huy năng lực tài chính hơn là chỉ tìm một công việc kiểu “có mà như không” rồi đặt mọi trách nhiệm lên chồng như vậy. Việc bạn ly dị hay không là tùy ở bạn, nhưng theo tôi, bạn phải xác định lại cách xây dựng cuộc sống cho chính mình. Vì nếu cứ theo hướng này, dù bạn có lập gia đình với một người giàu có hay không, thì chuyện tài chính cũng vẫn luôn là rào cản đối với một người hoàn toàn thiếu kỹ năng quản lý tài chính gia đình như bạn. |