(Đời sống) - “Ngày xưa, người ta tổ chức lễ hội cho nhau xem, không ai có ý kiến. Bây giờ ta nhìn vào thấy dã man thì đừng có nhìn nữa!”, Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH, TT&DL) Vương Duy Bảo thẳng thắn bày tỏ.
[links()]
Hàng năm lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô - Vĩnh Phúc), lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên thu hút hàng nghìn người đổ về tham dự. Bên cạnh những giá trị văn hóa, tinh thần thượng võ, cảnh tượng “hạ sát” các ông trâu ngay tại sân đấu khiến nhiều người hãi hùng.
Cảnh tượng hàng chục người "hôi" tiết ông trâu khiến nhiều người hãi hùng. |
Để hạ được các ông trâu, nhất là các ông trâu vô địch, người ta dùng điện kích vào hai mũi trâu khiến chốc lát ông trâu ngã vật. Hàng trăm người chen lấn xô đẩy vây quanh ông trâu vô địch với đủ các loại chai, lọ, sẵn sàng “hôi” tiết ông trâu, tạo ra cảnh tượng hỗn loạn.
Nhìn nhận về những lễ hội này, Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH, TT&DL) Vương Duy Bảo cho rằng, các lễ hội đâm trâu, chém lợn… là nét văn hóa ngàn đời của dân tộc không thể bỏ. Nếu sợ thì đừng xem.
“Ngày xưa, người ta tổ chức lễ hội cho nhau xem, không ai có ý kiến. Bây giờ ta nhìn vào thấy dã man thì đừng có nhìn nữa!”, Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH, TT&DL) Vương Duy Bảo nói trên Khám phá.
Cũng trên báo này, ông Bảo cho biết, lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên thực tế là Lễ hội Ăn trâu. Dân tộc Tây Nguyên sống bằng nương rẫy, không phải cư dân lúa nước. Lễ “Ăn trâu” vì thế gắn với phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng của người Tây Nguyên. Với họ, con trâu không phải là đầu cơ nghiệp như quan niệm của cư dân nền văn minh lúa nước. Con trâu nuôi chủ yếu để ăn thịt, phục vụ cuộc sống và là vật tế lễ thần linh, trời đất.
Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở cho rằng, không nên ly kỳ hóa, rùng rợn hóa và xoáy vào hình ảnh “đâm chết trâu” mà cho rằng đây là dã man, thô bạo.
“Đó là đánh giá không có góc nhìn bản sắc văn hóa dân tộc. Báo chí xoáy vào cảnh hạ sát con vật không nên”, bởi “giết trâu” trong lễ hội này thể hiện sức mạnh, lòng dũng cảm theo mong ước của người xưa.
“Đừng nhìn theo lối của người xuôi: con trâu là đầu cơ nghiệp”, ông Bảo nói.
Ngoài Lễ hội Ăn trâu, còn có Lễ hội Chém lợn được nhiều người liệt vào danh sách “lễ hội dã man”. Nhưng ông Bảo khẳng định: đây cũng là bản sắc văn hóa truyền thống, tốt đẹp của các dân tộc.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng khuyến nghị không nên “lăng xê” các lễ hội này. “Ngày xưa, người ta không mời người lạ dự các lễ hội tôn giáo tín ngưỡng. Bây giờ tự dưng nhảy vào xem”.
Cũng theo ông Bảo xét về bản chất, đây là những lễ hội tốt, cần phát huy. Tuy nhiên tính hoang dã, hoang sơ cũng cần phải hạn chế. Phần hành lễ không nên để mọi người cùng chứng kiến những cảnh hoang dã. Ban tổ chức nên thực hiện phần nghi lễ trong không gian hạn hẹp, giới hạn đối tượng xem, không nên phơi bày những nghi lễ mang tính sơ khai nguyên thủy.
Người thưởng thức cũng không nên lấy cái nhìn thời văn minh đánh giá phán xét thời mông muội.
Ông Bảo khẳng định, cơ quan quản lý chỉ điều chỉnh lễ hội khi bản thân cư dân trong vùng nhận thấy nó… “dã man”.
“Lễ hội này là của họ, họ không cần người khác xem và phán xét. Khi nào họ thấy không được và đề nghị sửa bỏ thì chúng tôi mới xem xét”, ông Bảo nói.
- Thường Xuân (Tổng hợp)