Tỏi được biết đến là thực phẩm có tác dụng chống ung thư và hỗ trợ giảm mỡ máu. Theo Sohu, bác sĩ dinh dưỡng Lưu Bác Nhân chia sẻ trường hợp một bệnh nhân có mức cholesterol cao đến khám và mong muốn cải thiện bằng phương pháp tự nhiên. Ông khuyến nghị bệnh nhân sử dụng tỏi chiết xuất tiêu chuẩn hóa, kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt. Sau 6 tháng, kết quả kiểm tra cho thấy tổng lượng cholesterol giảm 17%, trong khi LDL (cholesterol xấu) giảm tới 25%, khiến cả bệnh nhân lẫn bác sĩ bất ngờ. Bác sĩ chuyên khoa thận Hồng Vĩnh Tường cũng nhấn mạnh rằng ăn tỏi sống là cách hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
Tỏi giúp giảm cholesterol mà không cần dùng thuốcTheo bài đăng trên trang cá nhân của Lưu Bác Nhân, bệnh nhân có mức tổng cholesterol ban đầu là 230 mg/dL (mức bình thường dưới 200 mg/dL) và LDL là 140 mg/dL (mức bình thường dưới 130 mg/dL). Dù chưa quá nguy hiểm, nhưng đây là thời điểm cần có biện pháp kiểm soát. Ban đầu, bác sĩ khuyến nghị sử dụng thuốc hạ cholesterol, nhưng bệnh nhân muốn thử phương pháp tự nhiên trước.

Sau khi thảo luận, bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân bổ sung tỏi chiết xuất tiêu chuẩn hóa mỗi ngày, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt. 6 tháng sau, khi bệnh nhân quay lại kiểm tra, kết quả cho thấy:
Tổng cholesterol giảm từ 230 mg/dL xuống 190 mg/dL
LDL giảm từ 140 mg/dL xuống 105 mg/dL
Đặc biệt, người bệnh không sử dụng thuốc, nhưng kết quả đạt được khiến chính họ cũng ngạc nhiên.
Tỏi – “Vũ khí bí mật” giúp giảm mỡ máu và chống ung thư
Bác sĩ Lưu Bác Nhân cho biết, hoạt chất chính trong tỏi là allicin và các hợp chất lưu huỳnh khác, có tác dụng điều hòa tổng hợp cholesterol, chống oxy hóa và chống viêm. Ngoài ra, tỏi còn chứa nhiều vitamin C, B6, selen, giúp tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy tuần hoàn máu.
Đáng chú ý, nghiên cứu gần đây cho thấy các thành phần hoạt tính trong tỏi có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Cả nghiên cứu trên tế bào, động vật và dịch tễ học đều chỉ ra rằng người thường xuyên ăn tỏi có tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn.
Bác sĩ cảnh báo: Tỏi không phải “thần dược”, cần dùng đúng cách
Dù có nhiều lợi ích, bác sĩ Lưu cũng lưu ý rằng tỏi không phải là “thuốc vạn năng”. Một số người ăn quá nhiều có thể gặp rối loạn tiêu hóa, hơi thở có mùi, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Do đó, cần tiêu thụ với lượng vừa phải.
Bác sĩ chuyên khoa thận Hồng Vĩnh Tường cũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng tỏi chứa hơn 30 hợp chất lưu huỳnh, cùng với carbohydrate, protein, vitamin B1, B2, canxi, phốt pho, sắt và nhiều khoáng chất khác, giúp giảm viêm và kháng khuẩn hiệu quả.
Ông cũng dẫn chứng một trường hợp thực tế: Một người đàn ông thường xuyên bị đau đầu đã thử ăn 2 tép tỏi sống mỗi ngày trong 6 tháng. Kết quả là chứng đau đầu, chức năng thận và mức độ nhiễm chì trong máu đều được cải thiện. Bác sĩ giải thích, các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi có khả năng bảo vệ cơ quan nội tạng khỏi độc tố kim loại nặng.
Tỏi là thực phẩm có lợi cho sức khỏe, đặc biệt trong việc kiểm soát mỡ máu và bảo vệ cơ thể khỏi độc tố. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng cách và phù hợp với từng cơ địa để đạt hiệu quả tốt nhất.