Giá trị dinh dưỡng của củ riềng
Trong 100g riềng có chứa:
- 15,3 gram carbohydrate
- 1,2 gram protein
- 1 gram chất béo
- 2,4 gram chất xơ
- 11,8 miligam natri
- 5,4 gram vitamin C
Lợi ích sức khỏe của củ riềng
1. Chống 8 bệnh ung thư
Thật khó tin nhưng riềng có thể phòng chống ung thư là có thật. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để chứng minh tác dụng ngăn chặn và đẩy lùi các loại ung thư và khối u khác nhau khi sử dụng củ riềng.
Thực tế, củ riềng được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa ung thư dạ dày, bạch cầu, u ác tính, ung thư tuyến tụy, ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư gan và ung thư đường mật (ung thư ống mật).
Do chứa đặc tính chống oxy hóa và chống viêm cao, riềng có thể làm trợ giảm thiệt hại gây ra cho DNA bởi các gốc tự do và các yếu tố độc hại khác.Sự hiện diện của một flavonoid được gọi là galanin trong riềng đóng vai trò trung tâm trong việc ngăn ngừa sự tấn công của ung thư, vì nó điều chỉnh hoạt động của enzyme và phá hủy độc tính gen.
2. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Trong y học, củ riềng được sử dụng như một phương pháp phòng ngừa bệnh tim và bất kỳ rủi ro nào liên quan đến hệ thống tim mạch của con người. Loại củ này có thể cải thiện sức khỏe tim bằng cách giảm các cơn co thắt tim và cung cấp máu cho tất cả các cơ quan quan trọng. Riềng được sử dụng như một phương thuốc chữa đột quỵ và các bệnh liên quan đến tim khác.
3. Tăng số lượng tinh trùng, cải thiện chức năng sinh sản
Không giống với các loại thuốc cải thiện chức năng sinh sản, riềng là bài thuốc lành tính, không hề độc hại. Một nghiên cứu năm 2014 được thực hiện bởi Tạp chí Y học Sinh sản Iran về tác động của củ riềng đối với khả năng sinh sản của nam giới đã kết luận rằng việc áp dụng thảo dược này đã làm tăng số lượng tinh trùng di động lên gấp 3 lần.
4. Chống đái tháo đường
Theo một nghiên cứu được Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ công bố vào năm 2015, chiết xuất metanolic của củ riềng có khả năng chống đái tháo đường. Các bộ phận của củ riềng có thể kích thích tái tạo các tế bào và tiết insulin trong tuyến tụy.
Thêm vào đó, chiết xuất riềng đã được nghiên cứu rằng có thể ức chế chuyển hóa carbohydrate, giảm thiểu gai đường huyết sau ăn. Hoạt động kiểm soát glucose của riềng ngang bằng với thuốc trị đái tháo đường tổng hợp.
5. Làm giảm các vấn đề tiêu hóa
Riềng rất giàu chất xơ và chất phytochemical hỗ trợ cải thiện tiêu hóa. Nó giúp quản lý các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, vì nó làm giảm bài tiết axit nước bọt và tiêu hóa. Những người bị loét dạ dày có thể sử dụng riềng để được giảm bớt các vấn đề liên quan đến tiêu hóa.
Tác dụng chữa bệnh của riềng cũng có thể giúp làm giảm chứng đầy hơi. Một lợi ích khác liên quan đến tiêu hóa của riềng là nó có thể được sử dụng như một phương thuốc chữa tiêu chảy, do tác dụng kháng khuẩn của nó.
Bài thuốc chữa bệnh có sử dụng riềng
Chữa đau bụng do lạnh: củ riềng 20g, nụ sim 8g, búp ổi 60g, tất cả sấy khô, tán bột. Ngày uống 3 lần sau ăn, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội. Hoặc củ riềng 200g, quế 120g, hậu phác 80g, sấy khô. Sắc uống mỗi lần 12g với 200ml nước, còn 50ml uống trong ngày. Dùng trong 2 - 4 ngày.
Chữa phong thấp: riềng, vỏ quít, hạt tía tô mỗi vị 60g, sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g, có thể pha với một chén nước sôi để nguội hoặc rượu, uống ngày 2 lần. Dùng trong 5 - 7 ngày.
Chữa sốt rét: bột riềng 300g, bột quế khô, bột thảo quả mỗi thứ 100g, tất cả đem trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 15 viên trước khi lên cơn. Hoặc riềng tẩm dầu vừng sao 40g, gừng khô nướng 35g tán nhỏ, hòa mật lợn làm hoàn thành viên bằng hạt ngô, uống ngày 15 - 20 viên.
Trị chứng đầy bụng, khó tiêu: riềng thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần. Ngày dùng 2 - 3 lần.
Chữa đau dạ dày do hư hàn (đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm): củ riềng, hương phụ mỗi vị 8g, bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g, ô dược 10g, đinh hương 7g, sa nhân 4g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng trong 5 ngày.
Chữa hắc lào: củ riềng già 100g, giã nhỏ, ngâm với 200ml rượu hoặc cồn 70 độ. Chiết ra dùng dần, khi dùng, bôi dung dịch cồn nói trên vào chỗ tổn thương, ngày bôi 2 - 3 lần.
Chữa lang ben: củ riềng 100g, lá và củ chút chít 100g, chanh một quả, hai thứ giã nát rồi vắt nước chanh, đun nóng. Khi dùng lấy bông y tế thấm dịch thuốc bôi đều lên vùng tổn thương, ngày bôi 2 lần. Dùng trong 5 - 7 ngày.
Chữa ho, viêm họng, tiêu hóa kém: riềng củ thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần.
Chữa ăn không tiêu, buồn nôn hoặc đau bụng thổ tả: hạt riềng tán nhỏ, uống 6 - 10g.
Chữa tỳ vị hư hàn, đau bụng sôi bụng, đại tiện phần lỏng: riềng 12g, bạch truật 12g, lá lốt 16g, lá ổi 16g, sinh khương 6g. Cho các vị vào ấm đổ 3 bát nước sắc lấy 1,5 bát. Chia uống làm 2 - 3 lần trong ngày.
Chữa tiêu chảy nhiều lần, phân có lẫn bọt, quấy khóc ở trẻ em: hoài sơn 10g, liên nhục 10g, củ riềng 6g, bạch truật 10g, biển đậu 10g, hậu phác 4g, trần bì 6g, sinh khương 4g. Cho các vị vào ấm đổ nước 2 bát, sắc còn 1 bát, chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày.