Danh tính văn sĩ đầu quân cho Viên Thiệu từng cả gan viết hịch lăng mạ Tào Tháo
Trần Lâm (?-217) là một nhà văn vào cuối thời Đông Hán, góp mặt trong hàng ngũ "Kiến An thất tử" (bảy danh sĩ thời Kiến An) và sánh ngang với những tên tuổi nổi danh tài hoa lúc bấy giờ như Khổng Dung, Từ Cán, Vương Xán, Ứng Xướng…
Ông vốn là người đất Quảng An, không rõ năm sinh và tuổi tác. Có một số ý kiến cho rằng văn nhân họ Trần rất có thể cùng lứa tuổi với Khổng Dung và được xem là một trong những bậc tiền bối trong hàng ngũ Kiến An thất tử nói trên.
Chính sử không ghi chép nhiều về thân thế của văn sĩ họ Trần, chỉ biết rằng ông chính thức bước lên vũ đài lịch sử với vai trò chính trị đầu tiên ở trong phe cánh của Đại tướng quân Hà Tiến và nêu cao chủ trương tru diệt hoạn quan.
Sau khi Hà Tiến bị giết, Trần Lâm gia nhập thế lực của Viên Thiệu. Vào năm 200, khi Viên Thiệu chuẩn bị quyết chiến cùng Tào Tháo, vị văn nhân này đã viết ra một thiên hịch văn nổi tiếng mang tên "vi Viên Thiệu hịch Dự Châu văn".
Dưới bút lực mạnh mẽ cùng phong cách phóng khoáng của Trần Lâm, áng văn trên đã trở thành một trong những thiên hùng văn nổi danh thời bấy giờ và cũng được hậu thế hết lời ca ngợi.
Điều đáng nói còn nằm ở chỗ, bài hịch nổi tiếng do Trần Lâm viết nên thực chất là một "bản cáo trạng" tố cáo những tội danh và tai tiếng mà Tào Tháo từng làm ra lúc sinh thời, thậm chí còn đem cả 3 đời tổ tông nhà họ Tào ra để mắng chửi.
Mặc dù đây đã trở thành một áng hịch văn lưu danh thiên cổ, thế nhưng việc Trần Lâm trực tiếp chĩa mũi nhọn vào Tào Mạnh Đức khét tiếng một phương khi ấy đã khiến nhiều người cho rằng, ông nhận định sẽ phải gánh chịu chiêu bài trả thù tàn độc của vị quân chủ họ Tào kia.
Tuy nhiên thực tế lịch sử đã chứng minh, số phận của Trần Lâm sau đó lại trái ngược hoàn toàn so với những gì mà người đời vẫn nghĩ.
Lôi cả 3 đời nhà họ Tào ra mắng chửi, vì sao Trần Lâm không chỉ được tha chết mà còn được trọng dụng?
Tào Tháo từng bị một cuồng sĩ tên là Nễ Hành dùng đủ loại lời lẽ mắng chửi nhưng vẫn tỏ ra vô cùng khoan dung, nhẫn nại. Tào Tháo không hại ông ta mà còn đưa Nễ Hành an toàn trở về Kinh Châu cho Lưu Biểu. Khi Viên Thiệu tiến đánh Tào Tháo, nho sĩ Trần Lâm đã viết hịch giúp Viên Thiệu mắng chửi cả tổ tông 3 đời Tào gia. Người ta kể rằng văn chương sắc sảo tuyệt diệu của Trần Lâm khiến cho Tào Tháo đang đau đầu nằm trên giường bệnh cũng phải bật dậy, toát mồ hôi, nhân đó khỏi đau đầu.
Sau này khi phá được Viên Thiệu, bắt được Trần Lâm, Tào Tháo chỉ hỏi đúng một câu: “Ngươi chửi ta thì đã đành, cớ sao lại mang cả 3 đời nhà ta ra mà mắng nhiếc“. Trần Lâm thưa: “Mũi tên đã đặt trên dây cung, không thể không bắn thưa minh công“. Tào Tháo bèn không truy cứu, tha tội chết cho Trần Lâm, lại trọng dụng ông làm chức quan chuyên lo việc bút giấy dưới trướng.
Người đời thường cho rằng họ Tào đa nghi, hung ác nhưng trên thực tế ông là người vô cùng nhẫn nại, lại có lòng biệt đãi nhân tài. Ngoài hùng tài văn võ, điều binh khiển tướng, sự quý mến hiền tài và đức nhẫn chính là những yếu tố giúp ông dựng thành đại nghiệp, thống nhất cả một miền bắc Trung Hoa rộng lớn.