Gần một tháng nằm việc, sức khoẻ của bé Ly Ngọc Sơn (3 tuổi, trú tại thôn Chúng Trải, Thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) đã ổn định.
Ở thời điểm hiện tại, bàn tay từng bị sưng phồng, tróc hết da nay đã tháo băng và cử động được. Mắt bé đã nhìn rõ hơn và khi nghe bố mẹ trêu đùa, bé Sơn đã có thể mỉm cười.
Theo lời kể của anh Ly Văn Tích (21 tuổi, bố cháu bé), ngày 15/11, bé Sơn chơi cùng các bé trong bản không may bị ngã vào đống rác đang cháy.
“Hôm đó, nhà anh trai tôi thu ngô từ trên nương về. Vỏ bắp ngô được chất đống lại và đốt. Con trai tôi bị ngã vào đống lửa đang cháy đó. Nghe mấy đứa trẻ hô hoán thì vợ tôi mới chạy ra lôi con khỏi đống lửa”, anh Tích cho biết.
Nghe tiếng khóc và tiếng hô hoán của bọn trẻ, chị Hạng Thị Mỵ (mẹ cháu bé) hoảng hốt chạy ra thì thấy con mình bò ra từ đống lửa, người cháy rực như cây đuốc. Chị vội gạt tàn lửa và cởi áo trên người con; sau đó dùng xăng tưới lên người bé Sơn vì người làng bảo làm thế để hạ nhiệt.
Bé Sơn được chuyển vào Bệnh viện tỉnh Hà Giang nhưng do vết thương quá nặng nên bác sĩ thông báo cho gia đình chuyển bé đến Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) để điều trị. Bé Sơn bị bỏng trên 40% cơ thể, nặng nhất là phần lưng và đầu.
Theo anh Tích: “Từ trước đến nay người dân ở đây cứ quan niệm là xăng nó mát nên ai bị bỏng họ sẽ lấy xăng bôi vào. Hôm đó tôi không có nhà, về cũng chỉ nghe vợ kể lại thôi. Vợ bảo, lúc đó thấy con bị như vậy nên hốt hoảng lắm, bà con hàng xóm bảo lấy xăng xe máy bôi vào cho bé nên làm theo”.
Cũng theo lời anh Tích, từ khi biết vợ mình làm mát cho con bằng xăng, nhiều người đã phân tích và bảo cách làm đó sai hoàn toàn. Nghe vậy, chị Mỵ khóc nhiều lắm. Giờ đứa con nhỏ đang bú mẹ cũng phải gửi bà nội chăm sóc. Vợ chồng anh chị ngày đêm túc trực ở viện mong cho con sớm khỏi bệnh.
Hiện tại, bé Sơn đã ngừng sử dụng kháng sinh và được ghép da 1 lần. Dự kiến đến ngày 4/12 sẽ tiến hành ghép da lần thứ 2.
Bác sĩ Phạm Hồng Lãnh, Trưởng khoa D3 của Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết: “Việc đổ xăng vào vết bỏng là phản khoa học bởi vì trong xăng có chì, có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm độc. Đây là cách làm vô cùng nguy hiểm, đáng báo động.
Khi phát hiện người bị bỏng, người dân cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để sơ cứu, tuyệt đối không tự ý lột quần áo của nạn nhân, không dùng các chất như kem đánh răng, xăng… để làm mát cho nạn nhân”.