Để lấy được người con gái mình yêu làm vợ, Phan Quốc Cương, SN 1985, trú tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, đã phải vượt qua nhiều trở ngại của gia đình. Thế nhưng gã lại không biết giữ gìn và trân trọng hạnh phúc ấy. Khi cơn ghen nổi lên, gã nhẫn tâm đánh đập, hành hạ và làm nhục vợ theo cách dã man chưa từng có…
[links()]
Tình duyên trắc trở
15 tuổi, Cương đã biết yêu. Ban đầu bố mẹ gã nghĩ đó chỉ là tình yêu con trẻ nên không để ý. Thế nhưng một thời gian sau, Cương nằng nặc đòi cưới người yêu khiến bố mẹ gã phát hoảng.
Nhà đông con, gia cảnh lại khó khăn, bố mẹ Cương muốn con tập trung học hành để tương lai thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Thế nên khi Cương đòi cưới vợ, bố mẹ gã nhất quyết không đồng ý. Dù cậu ta đã “gãy lưỡi” van xin, nhưng bố mẹ Cương vẫn tỏ ra cứng rắn.
Cực chẳng đã, hắn đành tính nước làm liều, cứ “ăn cơm trước kẻng” để đến khi “gạo đã nấu thành cơm” thì bố mẹ cũng phải tặc lưỡi mà đồng ý. Và không lâu sau Dung đã có thai và nghiễm nhiên trở thành vợ “hờ” của Cương.
Ở vùng Tượng Lĩnh quê Dung, con gái chưa chồng mà chửa là chuyện “kinh thiên động địa”. Thế nên khi bụng đã lùm lùm, cũng là lúc Dung phải nghe nhiều “lời ong tiếng ve” của người đời. Nhưng vì tình yêu với Cương, Dung cố gắng vượt qua để giữ gìn kết quả tình yêu của hai người.
Thương vợ phải vì mình mà phải chịu nhiều điều tiếng, Cương quyết định đưa Dung ra Quảng Ninh sống để chờ đến ngày sinh nở. Chỉ ít tháng sau, Dung sinh hạ một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng “hờ”. Và Cương đã trở thành bố khi mới vừa tròn 18 tuổi.
Phạm nhân Phan Quốc Cương |
Tưởng rằng đứa con ra đời sẽ trở thành cầu nối để gắn kết mối quan hệ giữa gia đình và vợ chồng Cương. Nhưng thật không ngờ, mọi chuyện lại diễn ra theo chiều ngược lại.
Đứa con được sinh ra đã không thể giúp bố mẹ nó được danh chính ngôn thuận ở bên nhau. Dù đã biết Dung sinh cháu trai cho gia đình, nhưng bố mẹ Cương vẫn làm “căng”. Khi Cương ra Quảng Ninh chăm sóc vợ con, bố mẹ Cương đã ra tận nơi bắt gã về để vào Sài Gòn học điện tử.
Nhìn đứa con trai bé bỏng mới vừa tròn tháng tuổi, Cương không nỡ rời xa, nhưng sức ép từ gia đình quá lớn khiến gã cũng phải nghe theo. Thế là Cương bịn rịn chia tay vợ con để lên đường vào Nam học tập, những mong sẽ thực hiện được ước vọng của gia đình.
Sống trên đất Sài Gòn phồn hoa và nhộn nhịp, Cương cảm thấy lạc lõng và thương nhớ vợ con da diết. Những tháng ngày sống nơi đất khách quê người đã làm cho Cương nhận ra gia đình mới là tất cả. Vậy là, sau nửa năm vào Nam lập nghiệp, Cương bỏ tất cả ước mơ và kì vọng của gia đình để trở về quê với vợ con.
Và để cho vợ con một danh phận, Cương giấu gia đình đi đăng kí kết hôn để làm giấy khai sinh cho con. Mấy tháng sau, gia đình Cương mới biết chuyện, gã bị bố mẹ mắng chửi nhiều bởi dám làm trái ý. Nhưng vì tình yêu với vợ con, Cương chấp nhận tất cả.
Dù không cãi lại bố mẹ nhưng gã đã tự nhủ thầm, nếu gia đình có từ bỏ thì gã vẫn sẽ chấp nhận để được ở bên vợ con. Nhưng rồi trời không phụ lòng người, tình thương yêu vợ con của gã cũng được gia đình hiểu và thông cảm.
Và cuối cùng, bố mẹ gã cũng chấp nhận cuộc hôn nhân. Một đám cưới nhỏ và ấm áp diễn ra, có lẽ không lời nào diễn tả hết niềm vui sướng và hạnh phúc của Cương khi được danh chính ngôn thuận đón mẹ con Dung về chung một nhà.
Tưởng rằng, khi phải trải qua bao sóng gió mới được ở bên nhau thì hạnh phúc ấy sẽ mãi vững bền. Nhưng ở đời không ai biết được chữ ngờ, hạnh phúc ấy lại nhanh chóng rạn nứt rồi tan vỡ.
Từ khi đón mẹ con Dung về với gia đình, Cương lên Hà Nội lái taxi, còn Dung ở nhà trông con và làm ruộng. Thu nhập từ công việc của Cương cũng đủ trang trải cho gia đình nhỏ. Nhưng vì công việc nên Cương vắng nhà triền miên, thỉnh thoảng mới ghé qua nhà thăm vợ con.
Thời gian đầu, vợ gã cũng thông cảm cho công việc của chồng. Nhưng rồi, sống cảnh xa chồng, một mình phải lo toan tất cả công việc lớn bé trong nhà khiến Dung mệt mỏi, từ đó sinh ra cáu giận. Những lần gã về thăm nhà, lại là những trận cãi vã.
Thấy vợ có biểu hiện bị trầm cảm, đáng nhẽ Cương phải biết cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu tâm tư của vợ, nhưng ngược lại gã cũng thay đổi theo. Từ một người đàn ông yêu chiều vợ, gã trở nên khó tính và cục cằn.
Đã nhiều lần gã thẳng tay đánh vợ thâm tím mặt mày. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả, bởi Cương còn có tính ghen tuông bóng gió, cứ đổ cho vợ ngoại tình với người này người kia. Thậm chí, có lần chỉ vì chị Dung ăn mặc diện mà Cương cho rằng chị đi với “bồ” nên xuống tay đánh đập khiến chị phải nhập viện.
Mới đầu, chị nhủ thầm: “Chắc chồng yêu mình nên mới làm như thế”, nhưng về sau những cơn ghen và những trận đòn dội xuống tới tấp, khiến chị không thể chịu nổi người chồng vũ phu. Đến tháng 5/2010, chị Dung quyết định ôm con về nhà mẹ đẻ và đòi sống ly thân với Cương.
Kiểu hành hạ vợ có một không hai
Những tưởng khi trở về ngoại sẽ được yên thân, nhưng chị Dung đã nhầm, bởi Cương vẫn thường xuyên để ý đến mẹ con Dung. Đến cuối tháng 7/2010, khi đang làm trên Hà Nội, Cương nghe tin vợ ở nhà ngoại tình, gã tức tốc bỏ việc để về quê làm rõ trắng đen.
Khoảng 7h sáng 25/7/2010, Cương nhờ chị gái lên nhà ngoại gọi Dung về để giải quyết chuyện gia đình. Khi chị Dung về, Cương đã tra hỏi vợ về việc ngoại tình với một người đàn ông xã bên tên là M, và chị Dung thừa nhận có quan hệ tình cảm với anh M một lần.
“Sôi máu”, gã bắt chị phải đến nhà anh M để làm rõ trắng đen, nhưng chị Dung nhất định không đi. Gã đi xuống bếp lấy một đoạn dây thừng dài khoảng 3 m, trói hai tay vợ về phía trước, rồi một tay điều khiển xe máy, một tay cầm đầu dây thừng kéo chị Dung đi.
Đi được khoảng 20 m, do chị Dung vùng vẫy mạnh làm cho xe bị đổ. Dù vậy, Cương vẫn không buông tha, hắn dựng xe lên rồi buộc đầu dây thừng còn lại vào sau xe rồi tiếp tục điều khiển xe kéo lê chị Dung trên đường.
Đi được khoảng 100 m, thấy vợ khóc lóc van xin, Cương xuống xe bế vợ lên xe rồi chở thẳng đến nhà anh M. Tại đây, sau khi đối chất việc ngoại tình, gã yêu cầu vợ phải xin lỗi vợ chồng anh M, nhưng chị Dung khi đó chỉ lặng thinh.
Bực mình, Cương bảo chị Dung lên xe rồi chở vợ đến cột điện gần đình Thụy Sơn, xã Tân Sơn thì dừng xe. Tại đây gã trói vợ vào cột điện, lấy dao lam rạch nhiều nhát vào mặt chị Dung và lột hết quần áo trên người chị khiến máu chảy từ trên mặt xuống khắp người.
Khi mọi người chạy ra, Cương vẫn hả hê đứng nhìn mặc cho vợ xấu hổ và đau đớn trước ánh nhìn kinh hãi của mọi người. Ngay sau đó, mọi người đã đưa chị Dung đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Kim Bảng, còn Cương đã bị bắt đưa về cơ quan công an.
Hành vi mất nhân tính của Cương khiến cho mọi người đều bức xúc. Chưa bao giờ người dân xã Tân Sơn lại phải chứng kiến một cảnh hành hạ dã man giữa vợ chồng với nhau đến vậy. Nhìn cảnh chị Dung khóc trong đau đớn và tủi nhục khiến cho mọi người không khỏi xót xa và càng lên án gã chồng tàn nhẫn.
Và bản án mà pháp luật dành cho Cương là 51 tháng tù giam về hai tội “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”. Nhưng có lẽ bản án đó cũng không giúp xoa dịu được những tổn thương về tinh thần mà vợ gã phải mang theo suốt cuộc đời. Và nó cũng không lớn bằng bản án lương tâm đang ngày đêm vò xé tâm can gã.
Gặp Cương trong trại giam, trông gã già hơn nhiều so với tuổi. Trong suốt buổi nói chuyện, đôi lúc gã vẫn sụt sùi như một đứa trẻ. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu gã đang hối hận đến nhường nào.
Hạnh phúc gia đình gã được xây dựng từ một nền móng vững chắc, đó là tình yêu, nhưng gã đã không biết trân trọng và gìn giữ hạnh phúc ấy. Để giờ đây, khi mọi thứ đã tuột khỏi tay, thì gã mới biết hối hận, nhưng tất cả đã quá muộn màng.
Gã tâm sự: “Ngay sau khi gây ra sự việc, tôi như người tỉnh mộng và đã khóc ròng cả một ngày. Bản thân tôi cũng không thể hiểu tại sao tôi lại hành động như thế. Lúc đó, tôi không phải là tôi nữa…”.
Qua bao nhiêu đêm thức trắng, Cương đã nếm trải đủ những cảm giác đau khổ nhất của đời người. Gã cũng biết tội lỗi của mình đối với vợ là quá lớn, vì thế mà điều mong muốn nhất của Cương là được vợ cho một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.
“Tôi luôn mong vợ cho tôi cơ hội, chắc chắn tôi sẽ làm một người chồng và người cha tốt. Nhưng rồi điều tôi lo sợ nhất cũng đến, khi cô ấy đưa đơn ly hôn và bảo tôi kí.
Tôi còn yêu vợ nên nhất định không chịu kí, nhưng rồi Tòa vẫn giải quyết đơn phương cho cô ấy. Và giờ cô ấy đã đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc rồi…”, nói rồi Cương hướng mắt nhìn xa xăm ra bầu trời bên ngoài.
Phải một hồi lâu sau, như trở về với thực tại, gã tiếp tục câu chuyện bằng giọng nói trầm buồn: “Bây giờ, niềm an ủi duy nhất của tôi chỉ còn lại cậu con trai. Và đó cũng là động lực để tôi tiếp tục sống. Con tôi đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi, nhất định khi trở về tôi sẽ trở thành một người bố tốt và mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con.
Chỉ mong con tha thứ cho tôi và hiểu được tình yêu của tôi dành cho nó nhiều đến thế nào. Như vậy thôi là tôi mãn nguyện rồi…”, nói rồi, gã vội cúi mặt xuống để che đi những giọt nước mắt đang trào ra nơi khóe mắt.
- Bảo Nam