Mặc dù miền Bắc đang trong đợt nắng nóng nhưng lũ trên sông Hồng bất ngờ đổ về kéo theo rác cỏ trong khi đó cách đây mấy hôm người dân tại Bảo Yên, Lào Cai đã để lộ thông tin một đoạn đê bao thủy điện bị vỡ khiến người dân quanh vùng gặp nguy hiểm
Theo thông tin trên báo Dân trí, trưa 6/7, dòng sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai bất ngờ có nước lũ đổ về, kéo theo rất nhiều rác cỏ từ thượng nguồn, đen kín cả mặt sông. Tất cả các doi cát nổi ven sông Hồng ở khu vực huyện Bát Xát và thành phố lào Cai đều bị nước lũ phủ kín; toàn bộ diện tích rau màu của người dân trồng tận dụng đất phù sa ven sông cũng bị ngập.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, mấy ngày này, Lào Cai ít mưa và trời nắng nóng nhưng sông Hồng đột ngột xuất hiện lũ lớn là do phía thượng nguồn Trung Quốc mưa to. Lũ lớn đột ngột xuất hiện không những làm thiệt hại nhiều hoa màu mà còn làm ảnh hưởng tới việc thi công kè bê tông biên giới và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng thuyền qua sông tại cửa khẩu Bát Xát.
Trong khi đó, mới đây dư luận ngạc nhiên vì một sự cố vỡ đập thủy điện bị "ém nhẹm" thông tin ở Lào Cai. Dự án nhà máy thủy điện Vĩnh Hà tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai khởi công xây dựng vào ngày 25/10/2012. Sau 6 tháng xây dựng, vào rạng sáng ngày 11/5/2013 vừa qua, tại đây đã xảy ra sự cố vỡ đê bao ngăn dòng kỹ thuật. Hàng trăm nghìn mét khối đất đá và máy móc thi công bị cuốn trôi. Sự cố này đã gây thiệt hại cho đơn vị thi công khoảng 17,8 tỷ đồng. Công tác khắc phục hậu quả rất khó khăn bởi đang vào mùa mưa lũ. Như vậy, dự án này có thể sẽ bị chậm hàng năm trời so với kế hoạch đặt ra. Thông tin trên được phóng viên VOV cho biết.
Lũ lạ về kéo theo rác cỏ |
Điều lạ vỡ đê bao ngăn thiệt hại hàng chục tỷ đồng mà sự cố trên bị đơn vị thi công che giấu. Chỉ khi gần 200 hộ dân ở ba xã: Điện Quan, Tân Dương và Thượng Hà phải di dời trong vùng dự án kêu cứu thì thông tin mới lọt ra ngoài. Hiện những hộ dân sống xung quanh đập thủy điện như ngồi trên đống lửa không thể ổn định cuộc sống do sợ vỡ đập thủy điện.
Ngày càng có nhiều công trình thủy điện được xây dựng nhưng chủ đầu tư không đảm bảo chất lượng công trình khiến cơn ác mộng "vỡ đập thủy điện" luôn ám ảnh người dân sống tại hạ nguồn. Vào ngày 12/6, đập dâng thủy điện Ia Krêl 2 (công suất 5MW trên suối Ia Krêl- tại làng Mok Deng, xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai- do Cty thủy điện Bảo Long có trụ sở ở Gia Lai làm chủ đầu tư) đã bị vỡ toác, nước chảy xối xả đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân phía sau đập và phá hủy hàng trăm hécta hoa màu. Người dân không chỉ đau xót nhìn hoa màu bị dòng nước "ác" cuốn trôi mà tính mạng của họ cũng treo lơ lửng trên chất lượng công trình. Cảnh tượng người dân vội vã chạy lên đường lớn, người leo cây để tránh dòng nước lũ cũng không có gì khác với những trận lũ do thiên nhiên gây ra.
Lũ lụt do thiên nhiên gây ra là điều khó tránh khỏi nhưng lũ do con người tạo ra gây nên nhiều tiếng thương ai oán bởi điều này chúng ta có thể lường trước được. Việc đánh giá tác động môi trường và công tác sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được quan tâm đúng mức…Nếu như các dự án thủy điện đều được khảo sát và được các đơn vị thi công có kinh nghiệm thi công, tác động của môi trường nghiên cứu kỹ, chủ đầu tư chú trọng vào công tác di tản cư dân sống vùng hạ du đập thủy điện sẽ không còn cảnh người dân lo ngay ngáy vì lũ cũng có thể xảy ra khi trời khô hạn khi vỡ đập bất ngờ.
- Khánh Ngọc