Luật hóa Đạo Hiếu ở Việt Nam là cần thiết

13:02, Thứ tư 09/01/2013

( PHUNUTODAY ) - "Về lâu dài chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện các bộ luật có liên quan như bộ luật gia đình, luật trẻ em..., trong đó có những chương, điều quy định chi tiết về vấn đề con cái hiếu thuận với cha mẹ".

Đời sống) -  "Tôi ủng hộ về lâu dài chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện các bộ luật có liên quan như bộ luật gia đình, luật trẻ em..., trong đó có những chương, điều quy định chi tiết về vấn đề con cái hiếu thuận với cha mẹ " - Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em.
[links()]
 
Công bố toàn bộ hình ảnh con đẩy bố ốm ra đường

PV: - Thời gian vừa qua xảy ra những vụ quái gở gây bất bình dư luận như ông tiến sĩ đánh mẹ rồi đẩy mẹ ra đường; những đứa con hợp lực cùng đẩy bố ốm ra nằm vỉa hè nhằm tranh chấp ngôi nhà; rồi vợ tố chồng cùng con trai đánh gãy cổ... Điều đáng nói tất cả những hành vi vô đạo đức ấy lại xuất phát từ những con người có học, những trí thức, thậm chí là công chức với sự nghiệp trồng người. Các cụ có nói, trẻ thì cậy cha, già cậy con. Thưa ông, thời này thì chẳng phải như thế nữa rồi phải không? 

Ông Nguyễn Trọng An: - Nghe những chuyện như thế mọi người đều cảm thấy đau lòng, nhức nhối. Bản thân tôi không thể tin nổi tại sao những đứa con lại có thể đối xử như vậy với cha mẹ, là người đã sinh ra và nuôi lớn thành người học. 
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng An
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng An
 
Sự thật cho thấy, có học vấn cao hoàn toàn không có nghĩa là có văn hóa cao và ngược lại, những người trong các câu chuyện nói trên có thể là những người có trình độ học vấn cao nhưng rõ ràng là hành vi của họ rất thiếu đạo đức và vô văn hoá. 
 
Xét trên bình diện toàn xã hội, hình như nền giáo dục hiện nay chưa thực sự hướng tới việc phát triển con người có nhân cách toàn diện, nhân bản, có văn hóa. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục truyền thống đạo đức gia đình hoặc thấm nhuần đạo lý, luân thường của luân lý xã hội, cá nhân bị coi nhẹ, vấn đề gia giáo, dòng tộc của gia đình Việt Nam hiện nay cũng đang bị xâm hại, giá trị tinh thần bị xuống cấp.  
 
Do vậy đã xảy những hành động đi ngược lại với truyền thống đạo lý của con người Việt Nam kể trên cũng làm “lung lay niềm tin” của của chúng ta về ý nghĩa của câu thành ngữ “Trẻ thì cậy cha, già thì cậy con”. 
 
Tôi tin tưởng rằng, câu thành ngữ trên vẫn đúng và sẽ mãi mãi đúng nếu mỗi cá nhân chúng ta hãy quan tâm đến giáo dục gia đình, trong khi chờ đợi một sự cải cách toàn diện của nền giáo dục quốc dân.  
 
Xã hội truyền thống của người Việt Nam từ xưa đến nay đều nêu cao đạo lý cao cả trong  gia đình, đặc biệt cần chú trọng giáo dục văn hóa gia đình. Không nhất thiết phải dòng dõi con ông, cháu cha, chỉ cần trong đời sống của một gia đình thấm đẫm tinh thần nhân văn thì con cháu của những gia đình đó có thể đứng bên ngoài những tục lụy, không  bị dây bẩn bởi những tệ nạn ngoài xã hội.
 
PV: - Theo ông, chúng ta phải chuẩn bị như thế nào cho tuổi già? 
 
Ông Nguyễn Trọng An: - Cần nhớ rằng, các giá trị văn hóa như: kính trên nhường dưới, chị ngã em nâng, máu chảy ruột mềm, trẻ được đồng quà, già được manh áo mới …đó là những nét đẹp, nét nhân bản trong quan hệ người - người mà ông cha ta đã dạy và đạo lý văn hóa đó mọi xã hội, mọi thời đại vẫn còn giá trị. 
 
Do vậy, ngay từ bây giờ các bậc ông bà, cha mẹ, bản thân chúng ta hãy nêu cao luân lý cá nhân, dạy đạo đức cho trẻ, cha mẹ hãy làm nêu gương tốt cho con cái, hãy xây dựng một gia đình có văn hóa theo đúng nghĩa của nó, khi về già chúng ta sẽ nhờ cậy được con cái và sống an nhàn hưởng tuổi già.
 
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, người ta vẫn thấy rằng nếu như các con cái không có điều kiện chăm sóc được cha mẹ thì có thể gửi cha mẹ vào các viện dưỡng lão rồi các con thay nhau thăm hỏi cha mẹ, đón về nhà chơi cuối tuần và gửi tiền nuôi dưỡng thì đó cũng được coi là đạo lý gia đình. 
 
PV: - Trung Quốc đã đề xuất và ban hành luật có hiếu, coi chuyện chăm sóc cha mẹ là luật. Ông nghĩ họ làm như thế có đúng hay không? Và vì sao?
 
Ông Nguyễn Trọng An: - Tôi không hiểu nhiều về Trung Quốc, nhưng tôi được biết ở Mỹ trong Bộ Luật Gia đình họ có những chương, điều quy định rất rõ và rất cụ thể về trách nhiệm của cha mẹ trong nuôi dạy con cái và trách nhiệm của con cái trong chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. 
 
PV: - Thưa ông, Việt Nam chúng ta có nên xây dựng luật này không? Nếu có thì ông nghĩ điểm quan trọng nhất là gì?
 
Ông Nguyễn Trọng An: - Tôi ủng hộ về lâu dài chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện các bộ luật có liên quan đên vấn đề này như bộ luật gia đình, luật trẻ em... Trong đó có những chương, điều quy định chi tiết về vấn đề này. 
 
Tuy nhiên, việc luật hóa những ứng xử của con người trong xã hội Việt Nam cần phải được nghiên cứu thật kỹ để thực sự khuyến khích cái tốt, hạn chế cái xấu. Thế nên cần có một nghiên cứu dài hơn từ nhiều ngành khoa học xã hội, tâm lý... để tìm ra nguyên nhân cốt lõi mới mong giải quyết được vấn đề.
 
Điều quan trọng là các điều khoản trong luật được tiếp cận dựa trên quyền con người và hướng tới chuẩn mực đạo đức và văn hóa, tăng cường giá trị sống lành mạnh cho mọi thành viên trong xã hội, trong đó là các thiết chế đạo đức, chính trị, gia đình, ứng xử xã hội... được quy định cụ thể và hoạt động hài hòa bằng luật pháp. 
 
Vấn đề là tinh thần tôn trọng luật pháp, phải biến tư duy luật pháp thành văn hóa pháp luật, thực hiện ở mọi lúc mọi nơi mọi chỗ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
 
PV: - Xin cảm ơn ông!
  • Khải Nguyên (Thực hiện)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc