Vích là tên gọi dân gian của rùa xanh (Chelonia mydas), giống bò sát biển tìm về đẻ trứng và sinh sống rất nhiều tại Côn Đảo bên cạnh đồi mồi (Ertmochelys imbricata). Tính trung bình, mỗi năm, có gần 400 cá thể rùa “cập” bãi cát thuộc khu vực Vườn Quốc gia Côn Đảo làm tổ đẻ trứng. Vì thế, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, lực lượng kiểm lâm tại đây còn kiêm thêm trách nhiệm “đỡ đẻ” cho rùa.
[links()]
Ghé thăm “thánh địa” của rùa biển
Từ Côn Sơn, mất gần một giờ đồng hồ lênh đênh trên sóng biển, tàu đưa chúng tôi đến hòn Bảy Cạnh. Lúc bấy giờ là hơn 4 giờ chiều, thủy triều rút nhanh làm lộ dần những mỏm đá lởm chởm dưới làn nước trong vắt.
Tàu neo ở bãi Bờ Đập, một số người đeo ống dưỡng khí lặn ngắm san hô, số còn lại chuyển đồ đạc, lương thực thực phẩm xuống ca nô vào thẳng Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ca nô vừa cập bãi đá đã thấy anh lính kiểm lâm nhoẻn miệng cười chào khách.
Xuống tận nơi, anh dìu từng người một lên không quên kèm theo lời dặn: “Mọi người cẩn thận nhé! Đá trơn dễ trượt chân lắm!”. Con đường từ bãi đá vào Vườn Quốc gia Côn Đảo được phủ bởi hai bên là rừng ngập mặn, mọi thứ đều hoang sơ như chưa có bàn tay ai chạm vào. Thi thoảng lại nghe tiếng côn trùng kêu rả rích, vui tai.
Hồ ấp trứng rùa tại Vườn Quốc gia Côn Đảo |
Trời tối dần, gió mỗi lúc một thổi mạnh, mang nồng nàn vị biển. Ở đây không có điện, cái mang lại ánh sáng bên cạnh những chiếc đèn pin bé xíu duy nhất chỉ có ánh trăng. Dẫn chúng tôi tham quan hàng ngàn tổ ấp trứng rùa, anh Lê Hồng Doãn, trạm trưởng trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh (thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo) cho biết:
“Vích hay Đồi mồi cũng vậy, mỗi lần đẻ đều trên dưới 100 trứng. Trứng rùa ấp khoảng 45-60 ngày sẽ nở”. Nói rồi, anh chỉ tay về phía những hố đất có cắm bảng ghi chú cụ thể, nơi hàng trăm chú vích con đang đào đất ngoi lên. “Như vậy là tối nay thả về với biển được rồi đấy!” - anh Doãn tiếp lời.
Nếu rùa núi có thể tự bảo vệ mình bằng cách rụt đầu và các chi vào mai thì rùa biển chỉ biết bơi thật nhanh để trốn thoát sự tấn công của kẻ thù. Bên cạnh đó, loài bò sát này còn rất sợ ánh sáng, tiếng ồn nên thường đợi trời tối hẳn, thủy triều lên cao mới bắt đầu tìm nơi đẻ trứng.
Vì thế, sau khi ăn bữa cơm do chính tay mấy anh lính kiểm lâm nấu, chúng tôi cùng theo chân một hướng dẫn viên du lịch “cây nhà lá vườn” vào rừng ngập mặn tìm xem cua xe tăng – một loài cua hiếm ở nước ta. Cũng như vích, cua xe tăng nhát người lắm! Nghe tiếng chân “khách” xào xạc trên thảm lá là trốn biệt.
Hơn nửa tiếng lùng sục không thành, chúng tôi đành về võng nằm đợi tới đêm xem rùa đẻ. 15 phút sau, bỗng nghe tiếng một anh lính kiểm lâm hớn hở: “Tìm thấy cua xe tăng rồi, mọi người ra xem cho biết nhé!”. Cầm con cua nặng tầm một ký, càng lớn càng bé ngọ nguậy trong tay, anh lính kiểm lâm nheo mắt, nói:
“Cua xe tăng vừa bò nhanh vừa nấp kỹ, không tinh mắt tìm hoài cũng chẳng ra. Loài cua này giờ còn rất ít nên chúng tôi đang lên kế hoạch bảo tồn để duy trì giống trong tương lai”.
Xem cua xong, mọi người rủ nhau ra sát bãi cát chờ động tĩnh của rùa. 23 giờ rồi vẫn chưa thấy gì. Mặt biển đêm tĩnh lặng, lâu lâu mới có vài đợt sóng “lùa” nước vào bãi cát dài. Ở túp lều cạnh bên, bốn, năm khách du lịch nước ngoài đang ngồi uống nước, chờ Vích lên.
Rùa con tự đào đất ngoi lên bờ, chuẩn bị hành trình “biển tiến” |
Gần 12 giờ đêm, men theo những vết chân to lớn in hằn trên cát, chúng tôi tìm đến chỗ một con vích đang đào cát, chuẩn bị đẻ trứng. Anh lính kiểm lâm soi đèn pin vào hai chi sau của rùa, giải thích: “Nó đang đào cát thật sâu để bảo vệ tổ trứng”.
Không lâu sau, từng quả trứng be bé như quả bóng bàn từ từ rơi xuống chiếc lỗ đã đào sẵn. Mọi người xôn xao bàn tán, vừa tò mò vừa thích thú. 85… 86… 87… Kết quả suốt buổi tối hôm đó, con Vích to gần 200 kg mà chúng tôi nhìn thấy đẻ được 87 quả trứng.
“Vượt cạn” thành công, rùa mẹ nhanh chóng dùng hai chi sau lấp cát rồi di chuyển thật nhanh về phía biển. Sau khi ghi lại số liệu kích thước mai và các chi của rùa mẹ vào sổ, anh lính kiểm lâm đào đất kiểm tra chất lượng trứng.
Nhanh nhẹn chuyển trứng sang vợt lưới, anh quay sang nói: “Con này đẻ hơi ít chứ Vích sinh mỗi lần trên 100 trứng là chuyện thường tình. Tỷ lệ trứng nở được dao động từ 80-85%”. Hơn 10 người khách lần đầu tiên thấy những quả trứng vích tròn xoe, trắng nõn liền háo hức xin cầm xem thử.
Nhân viên trạm kiểm lâm vui vẻ hướng dẫn mọi người cách xem trứng, đồng thời chia sẻ thêm một vài kiến thức quan trọng về 2 loài rùa phổ biến tại khu vực này.
Theo Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, sở dĩ người ta phải dời tổ trứng rùa từ sát mép biển lên vị trí cao ráo hơn là vì sợ nước biển làm thối trứng. Bên cạnh đó, việc can thiệp trực tiếp bằng nhiệt độ ấp cũng quyết định giới tính rùa con, góp phần cân bằng số lượng giữa hai giống đực - cái.
Điều này khá quan trọng trong công tác bảo tồn bởi khi được phóng thích ra biển, tỷ lệ mất mát của loài bò sát này là rất cao. Được biết, tỷ lệ sống sót của rùa con từ lúc về đại dương đến khi trưởng thành chỉ khoảng từ 1/1.000 đến 1/10.000.
Không chỉ được tìm hiểu quy trình sinh sản, phát triển của vích, chúng tôi còn được tự tay thả những chú rùa con về với biển. Hai ba người ôm một chiếc sọt nhựa, bên trong đựng cả trăm cá thể rùa con, lặng im ra bãi cát. Vừa tiếp đất, những chú rùa nhanh chóng hòa mình vào sóng, trôi tuột ra xa trong màn đêm tĩnh mịch.
Kiểm lâm kiêm “đỡ đẻ” cho rùa
Ở trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh chỉ có vỏn vẹn 6 nhân viên và một trạm trưởng sinh sống. Song song với nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn diện tích rừng ngập mặn, lãnh thổ biển, từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm (mùa sinh sản của rùa biển), họ phải kiêm thêm nhiệm vụ canh rùa đẻ và ấp trứng.
Nhiều khách ra thăm Vườn Quốc gia Côn Đảo thấy lính kiểm lâm nơi đây chăm rùa quá điêu luyện liền gọi các anh bằng “ông mụ”, “bà đỡ” của vích, đồi mồi….
Sống cách biệt đất liền, không điện, thiếu nước ngọt, mọi thứ đều phải “nhập khẩu” từ bờ, vậy mà chưa khi nào trên gương mặt các anh thiếu vắng nụ cười. Mùa khô, cứ hai tuần một lần, tàu từ đất liền sẽ tiếp tế lương thực, thực phẩm và nước ngọt ra tận nơi. Nói là nhận tiếp tế đều đặn nhưng cái gì cũng thiếu trước hụt sau.
Do đó, lính kiểm lâm ở hòn Bảy Cạnh ngoài giờ làm việc thường tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn. Mùa mưa, khó khăn nhân lên gấp bội. Nhất là khi gió chướng tràn về, biển động, tàu bè nào dám nhổ neo. Những lúc như vậy, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo nhưng anh em trong trạm luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cực khổ, xa nhà vậy mà khi nghe hỏi có cô đơn không? ai cũng lắc đầu: “Làm bạn với rùa thú vị lắm! Đến mùa Vích sinh, ngày nào anh em cũng thức trắng để dời trứng vào hồ”. Sáng canh rừng, đêm thức cùng rùa biển, mọi việc được các anh chia nhau làm tất.
Vài năm trở lại đây, khi hình thức du lịch sinh thái phát triển mạnh ở Côn Đảo, khách đến với hòn Bảy Cạnh ngày một đông. Thêm người đỡ buồn nhưng lại thêm trách nhiệm. Khách tới Vườn Quốc gia Côn Đảo đa phần vì muốn xem rùa đẻ trứng.
Vậy là các anh đảm nhận vai trò mới, hướng dẫn viên du lịch. Hiểu rõ đặc tính cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn rùa biển, trong quá trình dẫn khách đi tham quan, nhân viên kiểm lâm nơi đây luôn nhắn nhủ đến mọi người phương cách bảo vệ rùa và tài nguyên thiên nhiên.
Suốt ngày xuống biển chăm sóc rùa, các anh thuộc nằm lòng giờ giấc sinh sản cũng như tính cách mỗi loài. Cứ hai năm, lực lượng trong đơn vị luân chuyển một lần. Mọi thứ lại bắt đầu như trang giấy mới với những buồn vui cùng biển, cùng rừng.
Đêm xuống, trong khi chờ rùa lên, hai ba anh em trong đơn vị tụ lại nơi bậc tam cấp dẫn xuống bãi cát chuyện trò và chờ điện thoại từ người thân. Chỉ tay về chiếc thùng xốp úp ngang đặt trên một trụ sắt nhỏ, anh Doãn cười tươi:
“Trạm điện thoại công cộng của anh em kiểm lâm chúng tôi đấy! Ở đây sóng điện thoại chập chờn nên cứ phải tập trung lại một chỗ mới có sóng mà gọi điện, nhắn tin về đất liền”.
Đưa mắt nhìn vào bên trong chiếc hộp, tôi thấy 6 chiếc điện thoại đủ loại nằm “chờ” trong đó. Nghe tiếng chuông quen thuộc vang lên, một anh lính bật người đứng dậy, vội vàng sát tai vào thùng xốp, giọng phấn khởi: “Cả nhà khỏe không? Anh em con ngoài này khỏe lắm!”. Có anh đợi mãi chả thấy tín hiệu gì liền một mình ra biển, ngắm nghía đợi rùa lên.
Vì số lượng trứng rùa đẻ vào mùa cao điểm rất nhiều nên mỗi cá nhân được giao quản lý hàng trăm tổ trứng khác nhau. Theo yêu cầu của đơn vị, các anh sẽ ấp trứng bằng ánh sáng trắng hoặc mái che nhằm giảm nhiệt độ nền cát.
Trứng rùa sau khi đẻ chưa hình thành phôi thai, vì thế, muốn cho ra rùa cái, chỉ cần đem trứng ấp vào hố có nhiệt độ cao (trên 320C). Và trong điều kiện bảo quản trứng tuân thủ quy định nhiệt độ thấp hơn, rùa con khi nở sẽ mang giống đực.
Trên mỗi tổ trứng đều được gắn thẻ theo dõi ngày ấp, ngày nở. Sau mỗi mùa, số lượng trứng nở thành công sẽ được thống kê đầy đủ rồi chuyển về báo cáo với Ban quản lý. Nhờ sở hữu những điều kiện thuận lợi về sinh thái cùng sự chăm sóc tích cực của lực lượng kiểm lâm nên mỗi năm, tại Côn Đảo có trên 50.000 rùa con được nở và trở về với biển.
Tuy nhiên, điều mà anh em nơi đây trăn trở là liệu khi du lịch ngày một phát triển có xuất hiện mặt trái nào không? Bởi nhu cầu tiêu thụ đặc sản vùng miền của du khách luôn tồn tại và phát triển trong khi tài nguyên thiên nhiên là yếu tố cần được bảo tồn gắt gao.
- Hải Châu