Khử mùi hôi vịt khi chế biến
Để thịt vịt không còn mùi hôi khi chế biến, chị em cần lưu ý đến khâu sơ chế. Phải rửa vịt thật sạch, lấy hết tuyến nhờn ở đuôi vịt để tránh mùi hôi tiết ra khi luộc làm hỏng món ăn. Khi rửa, chị em có thể bóp vịt với một chút muối, tiêu, gừng đập dập, rượu trắng để chừng 30 phút rồi rửa sạch và để ráo nước rồi mới đem luộc.
Một cách khác để khử mùi hôi của vịt đó là xát muối quanh thân, rồi dùng một quả chanh cắt đôi chà xát một lượt quanh vịt rồi rửa sạch. Để ráo nước sau đó đem chế biến.
Khử mùi hôi khi luộc vịt
Khi luộc, bạn nên chờ nước sôi rồi mới cho vịt vào nồi. Cho thêm 1 củ gừng đập dập, một nhanh sả hoặc 1 củ hành khô nướng, 1 mẩu gừng nước sẽ giúp món vịt hết hôi, dậy mùi thơm.
Lưu ý, khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa, không nên để lửa quá to sẽ khiến thịt vịt không chín đều hoặc bị nát. Thời gian luộc phụ thuộc vào kích thước của con vịt. Sau khi luộc khoảng 20-30 phút bạn có thể lấy đũa xiên vào thân vịt để kiểm tra xem vịt chín chưa, nếu thấy nước đỏ tiết ra thì cần đun thêm ít phút để thịt chín hẳn.
Nếu chưa ăn ngay, bạn có thể tắt bếp và để vịt om trong nồi, thịt vịt sẽ chín mềm và không bị nguội.
Nếu muốn ăn thịt vịt nguội, bạn hãy vớt thịt vịt ra và ngâm vào tô nước lạnh. Cách làm này sẽ giúp da vịt giòn và săn chắc hơn.
Chặt thịt vịt khi nguội sẽ giúp miếng thịt vuông vắn, không bị nát. Chần vài cọng hành phủ lên trên để ăn cùng vịt cũng rất ngon.
Thịt vịt tính hàn, có tác dụng giải nhiệt. Để cân bằng hương vị, bạn có thể ăn thịt vịt cùng với nước mắm gừng hoặc xì dầu tỏi ớt.
Vịt luộc có thể ăn với cơm hoặc với bún đều rất tuyệt. Khi ăn đừng quên các loại rau thơm như húng chó, mùi tàu, diếp cá cùng măng ớt ngâm chua ngọt.