Tôm luộc là món ăn quen thuộc đối với mọi người. Đây là cách chế biến đơn giản nhất giúp giữ nguyên vẹn hương vị thơm ngon của những con tôm tươi. Khi luộc tôm, đa số mọi người sẽ cho thêm một vài loại gia vị để tôm được đậm đà, lên màu đỏ đẹp và không bị tanh.
Chọn tôm tươi ngon
- Quan sát màu sắc
Những con tôm tươi ngon thường có phần vỏ màu trắng xanh, sáng bóng. Khi soi dưới nắng, bạn có thể thấy vỏ tôm có độ trong nhất định, nhìn thấy phần thịt bên trong. Màu sắc cụ thể của các loại tôm sẽ có đôi chút khác nhau. Tuy nhiên, nếu thấy tôm chuyển sang màu đen thì đó là dấu hiệu cho thấy chúng đã hỏng, không nên mua. Những con tôm như vậy không chỉ có hương vị kém ngon mà còn không tốt cho sức khỏe của người sử dụng.
- Kiểm tra phần đầu và phần thân
Những con tôm tươi sẽ có phần đầu và phần thân gắn chặt, vỏ linh hoạt. Phần kết nối giữa đầu và thân tôm trở nên lỏng lẻo, có màu đen, cảm giác như đầu tôm sắp rụng có nghĩa là tôm đó không còn tươi.
- Kiểm tra độ đàn hồi của tôm
Bạn có thể thử cầm con tôm và kéo thẳng nó ra. Nếu tôm không co lại như tư thế ban đầu tức là loại tôm này đã chết được một thời gian dài, tốt nhất không nên mua.
- Quan sát chân tôm
Chân của con tôm nên còn nguyên vẹn và gắn chặt vòa thân. Không mua loại tôm có phần chân đã chuyển sang màu đen.
Tốt nhất là chọn được loại tôm con bơi khỏe, nhảy khỏe, hoạt động linh hoạt.
Mẹo luộc tôm thơm ngon

- Sơ chế tôm trước khi luộc
Trước khi luộc, bạn cần đem tôm đi rửa. Nếu tôm tươi, còn sống thì có thể ngâm trong nước đá lạnh cho tôm "ngất đi", tiện cho việc sơ chế.
Cắt bớt phần râu dài của tôm để tiện trong quá trình chế biến.
Rửa tôm vài lần với nước sạch để loại bỏ các tạp chất bên ngoài.
- Ướp tôm với rượu
Bạn có thể ướp tôm đã sơ chế với một ít rượu trắng. Cách này giúp khử mùi tanh của tôm đồng thời giúp tôm lên màu đẹp mắt hơn.
- Luộc tôm với gừng, hành lá
Cách luộc tôm đơn giản nhất là thêm gừng và hành lá. Đây là hai loại gia vị cơ bản giúp khử mùi tanh của tôm, làm tôm có hương vị đặc sắc hơn.
- Luộc tôm với sả
Ngoài gừng và hành lá, bạn có thể luộc tôm với sả. Sả cũng là loại gia vị có mùi thơm đặc trưng, giúp tôm không bị tanh.
- Luộc tôm với lá nếp
Một trong những mẹo bất ngờ mà không phải ai cũng biết là sử dụng lá nếp để luộc cùng tôm. Lá nếp không chỉ giúp khử mùi tanh của tôm mà còn làm món ăn trở nên hấp dẫn, có hương vị đặc biệt hơn.
- Luộc tôm bằng nước nóng
Luộc tôm tưởng là việc đơn giản nhưng nhiều người mắc phải sai lầm. Nếu cho tôm vào nồi luộc từ khi nước còn lạnh, thời gian luộc sẽ lâu. Điều này khiến tôm bị bở, mất đi vị ngọt tự nhiên.
Bạn nên chờ tới khi nước sôi mới cho tôm vào nồi. Việc luộc bằng nước nóng giúp tôm ngọt hơn và khử mùi tanh hiệu quả hơn.
- Thời gian luộc tôm
Một bí quyết quan trọng khi luộc tôm chính là điều chỉnh thời gian luộc cho phù hợp. Luộc tôm quá lâu sẽ khiến tôm mất độ ngọt tự nhiên. Bạn chỉ cần thấy con tôm hơi cong uốn mình giống nửa hình tròn, toàn bộ phần vỏ chuyển sang màu đỏ là được. Không luộc quá lâu đến khi đuôi tôm uống cong chạm vào đầu. Đây là dấu hiệu cho thấy tôm chín quá, thịt bị khô xác, ăn mất ngon.
Sau khi luộc chín, bạn không nên vợt tôm ra ngay. Hãy tắt bếp và đậy vung nồi rồi om tôm trong nước nóng thêm khoảng 1 phút. Bước này giúp tôm chín đều, ngậm nước, thịt căng mọng.
Vớt tôm ra để ở rổ cho ráo nước rồi mới xếp lên đĩa. Nếu vớt tôm ra đĩa này, phần nước rỉ ra sẽ khiến thịt tôm bị mềm nhão, không còn săn chắc.
Với những mẹo luộc tôm trên đây, hy vọng bạn có thể thành công trong việc chế biến món ăn này, 10 lần ngon cả 10.