Mánh khóe lừa tình, tiền của cô gái hận đàn ông

13:31, Thứ năm 26/01/2012

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ai bảo “khách hàng là thượng đế” được quyền lựa chọn những cô gái đứng đường như T. Cô là cô gái lạ, không phải ai T cũng đồng ý đi theo, cô có nguyên tắc riêng của mình.

 
(Phunutoday) - Ở trung tâm này, có lẽ riêng Hoàng Diệu T không có người thân tới thăm nom, chăm sóc. Khi bị bắt, cô yêu cầu các cán bộ không liên lạc với gia đình, và cô cũng tuyệt đối không đả động, “khai báo” nơi chốn, gốc tích của mình. T bảo: “Dám làm dám chịu. Em không muốn phiền lụy tới bất kỳ ai, đặc biệt nhà em ở xa, em không muốn mẹ lặn lội ra thăm nom rồi lại khóc lóc. Hãy cứ coi như đứa con gái này làm ăn dạt xứ, vài năm nữa nó sẽ trở về”.
 
Cô muốn chứng kiến sự đổ vỡ của những gia đình có người đàn ông không làm đúng bổn phận, trách nhiệm, vai trò của mình.(Ảnh minh họa)
Cái giọng lơ lớ khi trò chuyện khiến tôi đoán T quê ở một huyện nhỏ nào đó xứ Thanh. Đó là đoán vậy thôi, chứ T tuyệt đối không muốn nhắc tới quê quán của mình, đặc biệt giãi bày với một người lạ trong lần đầu gặp mặt lại càng không dễ dàng.
 
Cái giọng cao vút, lạc dấu ở một số từ ngữ khi cao vợi, khi trầm ngâm hồi tưởng lại những ngày tháng tủi hờn chấp nhận cuộc sống “làm vợ thiên hạ”, có đôi khi T rơm rớm nước mắt. Nhưng có lẽ, cô gái bướng bỉnh ấy không muốn lộ vẻ yếu đuối trước người khác, nên lại cố gắng nở một nụ cười u uẩn. Tính ra, T làm gái được 37 ngày, chưa “thu” được số “vốn” bỏ ra đã bị Công an bắt.
 
“Ai bảo làm cái nghề này không cần tới vốn đầu tư. Đồng ý với những người ác miệng nói rằng chúng em kinh doanh “vốn tự có”, nhưng cần một “diện mạo” không quá xoàng xĩnh được trang hoàng bởi váy áo, mỹ phẩm đổ vào nữa. Em tốn không ít tiền để mua sắm, tân trang nhan sắc cho mình đấy chị. Em không quen dùng những mỹ phẩm rẻ tiền bày bán la liệt ngoài chợ, phần vì da dẻ nhạy cảm, phần vì ý thức làm đẹp cho bản thân là đã ngấm sâu vào máu từ hồi bé tí rồi, nên muốn mua gì em cứ “xông pha” vào các cửa hàng mỹ phẩm có tiếng, các cửa hàng thời trang có tiếng để lựa đồ. Thế nên bảo chẳng đầu tư gì như người ta nói chẳng hề đúng chút nào”.
 
Ai bảo “khách hàng là thượng đế” được quyền lựa chọn những cô gái đứng đường như T. Cô là cô gái lạ, không phải ai T cũng đồng ý đi theo, cô có nguyên tắc riêng của mình. Trong đó, một nguyên tắc bất di bất dịch là: Chỉ đi với khách đã có gia đình. T cười gượng, phân biệt đàn ông có vợ rồi và chưa có vợ không khó, chỉ cần hỏi han dăm ba câu là có thể xác định được ngay. Cô ghét sự hời hợt, vô lối của những thanh niên trẻ tuổi kiếm tìm cảm giác lạ ở những người như T. Cô ghét cả cách họ thể hiện thái độ khinh bỉ, miệt thị đối với những người như T một cách quá lộ liễu và thô thiển.
 
Nhưng đó chỉ là những lý do tủn mủn trong vô vàn lý do cô ghét và không bao giờ đi với khách chưa có gia đình. Lý do chính, T tâm sự, vì cô căm ghét những gã đàn ông đã có gia đình nhưng vẫn trăng hoa, bay bướm ở bên ngoài. Trong khi vợ, con họ vẫn tôn thờ, tin tưởng sự chung thủy tuyệt đối của các đức ông chồng thì họ đi ăn vụng thản nhiên trên lòng tin và sự kỳ vọng ấy. Và gia đình của T đã đổ vỡ bởi thói trăng hoa, bay bướm của người mà T gọi là cha đó. T thương mẹ bao nhiêu, thì càng căm giận bố bấy nhiêu.
 
Mẹ T là một người phụ nữ bất hạnh trong hôn nhân. Bản tính của một giáo viên cấp 3, dịu dàng, đoan chính, đối nội đối ngoại đều không có bất cứ khiếm khuyết nào luôn là niềm tự hào âm thầm của T. Còn bố T làm trong lĩnh vực kinh doanh, luôn tỏ ra là người đàn ông biết yêu vợ, chiều con. Thế nên, khi biết bố có quan hệ lằng nhằng với một cô gái điếm. Thậm chí ông say mê cô ta, T gần như phát điên phát dại trong sự bàng hoàng của mẹ.
 
Giá như, mẹ T có thiếu sót gì đó không thể chấp nhận, ví như bà là một phụ nữ hiểm độc, thủ đoạn, giả tạo đã đành, đằng này, bà hoàn toàn vô tội. Bất chấp sự van nài cho tới cầu khẩn của mẹ, bố T vẫn qua lại lăng nhăng với người đàn bà đó. Đau khổ đến cùng cực, mẹ T đã định tìm đến cái chết để giải thoát nỗi nhục nhã ê chề này, nhưng may mắn mẹ đã được cứu sống. Điều ấy không đồng nghĩa với việc bố thức tỉnh.
  Không muốn ràng buộc với chủ quán hay đám bảo kê, T chọn cho mình con đường làm gái tự do. (Ảnh minh họa)
Ông vẫn đi theo cô gái bán hoa kia như thể cô ta cho bố ăn bùa mê, thuốc lú nào đó. Từ một gia đình hạnh phúc, gia đình T tan đàn xẻ nghé, và cũng từ khoảnh khắc ấy, T hận đàn ông, hận những gã đàn ông có dòng máu trăng hoa trong người.
 
Bỏ học Đại học giữa chừng, T chuyển sang một nghề hoàn toàn mới, thậm chí vô cùng nhục nhã. Cô muốn trả thù những gã đàn ông ấy. Cô muốn chứng kiến sự đổ vỡ của những gia đình có người đàn ông không làm đúng bổn phận, trách nhiệm, vai trò của mình.
 
Không muốn ràng buộc với chủ quán hay đám bảo kê, T chọn cho mình con đường làm gái tự do. 37 ngày làm gái là 37 ngày T sống trong thù hận và sự trả thù. Đỉnh điểm trong ngày, T tiếp 8 người khách đã có gia đình. Khi có người gọi điện cho T, cô luôn làm một bài kiểm tra nho nhỏ trước khi quyết định có gặp gỡ vị khách đó hay không. Câu hỏi về tuổi tác, nghề nghiệp và đặc biệt “đã có gia đình chưa” chưa bao giờ T cho phép mình quên. Cô từng từ chối không ít người vì anh ta chưa có vợ, hoặc đã bỏ vợ.
 
Hỏi đã có người yêu chưa, T buồn buồn kể: “Em từng có người yêu. Một cậu bạn cùng tuổi. Yêu nhau suốt 3 năm, và cũng có nhiều dự định cho tương lai, nhưng sau cú sốc gia đình, em tránh xa cậu ấy. Lúc ấy em như con nhím xù lông, không muốn giao tiếp với bất cứ ai, nhìn đời hằn học và đầy căm phẫn, em lảng tránh và chia tay cậu ấy trong sự ngơ ngác của cậu bạn. Em thấy mình không xứng đáng với cậu ấy. Ngay từ ngày yêu nhau, nhiều người đã nói chúng em không hợp. Trong khi cậu ấy ngoan ngoãn, hiền lành, tương lai đi du học nước ngoài thì em học hành làng nhàng, ham chơi và bướng bỉnh.
 
Thêm cú sốc gia đình, em chủ động xa rời cậu ấy. Em thấy mình không xứng đáng với cậu ấy nữa”. Sau khi chia tay người yêu, T lao vào kế hoạch trả thù những gã đàn ông Sở Khanh thèm của lạ. Không ít lần T “dạy” cho những người đàn ông đó những bài học nhớ đời. Có lần, T móc nối với anh xe ôm quen chở T tới nhà nghỉ tiếp khách, hẹn anh đứng chờ ở phía dưới với lời nhắn, khi nào cô nháy điện thoại thì anh chạy lên, vờ là bạn trai của T tới đánh ghen.
 
Không ít kẻ yếu bóng vía bị sập vào cái bẫy đó. Anh xe ôm trong vai người tình hoặc chồng T hung hãn xông vào rửa nỗi nhục bị cắm sừng. Anh tung hê tất cả, thậm chí dọa sẽ đẩy người đàn ông ấy xuống bùn lầy nếu không chịu cống nạp tiền gọi là “đền bù thiệt hại” cho anh bằng những tấm ảnh chụp vội qua điện thoại.
 
Với những kẻ có chút địa vị, tai tiếng chơi gái và bị bắt quả tang khi thác loạn chẳng khác nào vết đen nhục nhã trong đời, họ sẽ chẳng tiếc tiền để mua lại những tấm ảnh lõa thể đó hoặc đơn giản chỉ để bịt mồm những kẻ có khả năng uy hiếp vị thế, danh dự của họ, dù mười mươi chữ “danh dự” và “tự trọng” đôi khi là chiếc áo quá rộng. Cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền. Những phi vụ kiểu thế này, T và anh xe ôm “ruột” móc nối thực hiện trót lọt tính ra được 4 lần, sau đó hai anh em chia nhau, hưởng thụ “thành quả” gặt được nhờ những thủ đoạn lưu manh, xảo trá. Cô chẹp miệng “Mạt cưa mướp đắng” gặp nhau, biết làm sao được, trò đời vốn thế!”
 
Thật khó tin những lời nói chua chát, hằn học, căm phẫn ấy lại thốt ra từ miệng một cô gái mới chớm bước sang tuổi 21. Nhưng sự thật là thế. Cô biện minh những bất hạnh trong gia đình mình khiến cuộc đời cô mới tuột dốc thê thảm như thế. Cô học cách tàn nhẫn với đời và tàn nhẫn với chính mình. 37 ngày sóng gió ấy, T đã làm một việc kinh thiên động địa, lén chụp ảnh cô và gã đàn ông tên H - là khách quen của T rồi gửi về nhà cho vợ của anh ta. Sau ấy, T biến mất khỏi tầm mắt của người đàn ông tên H vĩnh viễn, không quên nghe ngóng cơn tam bành của người vợ bị phản bội.
 
Trên chuyến xe đêm đi Hải Phòng hôm ấy, một suy nghĩ cứ dong duổi trong đầu T Là khi đối diện với nỗi đau và sự phản bội, mỗi người đàn bà có cách hành xử riêng. Người đau đớn câm nín, chịu đựng như mẹ T, người lồng lộn theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” như người đàn bà kia, người căm hận và tìm mọi cách trả thù như chính T. Dù bất cứ cách nào, họ vẫn là đàn bà, vẫn vẹn nguyên sự yếu đuối, cho dù bề ngoài có thể mọc nanh, mọc vuốt.
 
T kể, bố mẹ chia tay nhau, cô không quan tâm tới bất cứ thứ gì xung quanh cuộc đời người cha tồi tệ ấy. Còn lại duy nhất sợi dây liên kết cuối cùng đưa cô trở về nẻo thiện, là ngôi làng nghèo ven biển. Nơi ấy có những kí ức tuổi thơ ngọt lành, ấm áp, nơi ấy có một người mẹ đỏ mắt ngóng chờ đứa con gái lạc lối trở về để đoàn tụ yêu thương. T tự nhủ, những ngày tháng ở trung tâm này, cô sẽ học lấy một cái nghề để sau này trở về không lạc lõng và không thấy mình quá vô dụng, hơn thảy, cô muốn mình trở lại trong trẻo trong đôi mắt nhân từ của mẹ.
  • Mộc Nhân

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc