Như Zing.vn đưa tin, sẩm tối 22/11, sau nhiều tháng xảy ra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng 2 cô con gái tội nghiệp, không khí buồn vẫn bao trùm căn nhà nhỏ của chị Lê Thị Kim Chung (30 tuổi) ở phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Hướng mắt về ban thờ đặt 2 di ảnh của các con (bé Nguyễn Thị Thanh Nga, 19 tháng tuổi và Nguyễn Thị Ngọc Lan, 10 tuổi, học lớp 4) chị Chung nói trong nước mắt: “Nhiều lần tôi nghĩ hay lao ra đường chết cho xong. Cuộc đời này lắm bất công quá...”.
Chị chia sẻ: “Tôi mất đi hai con, giờ công an nói không khởi tố vụ án thì tôi biết bấu víu vào đâu để đòi lại công lý đây”.
Theo lời người phụ nữ này, kể từ khi xảy ra vụ tai nạn, hai vợ chồng chị đến nhiều nơi để lên tiếng, mong các cấp chính quyền xem xét giải quyết vụ án đòi lại công bằng cho các con. Tuy nhiên, sau những lần đó, chị Chung và gia đình chỉ nhận được sự im lặng và những cái lắc đầu.
Trong nước mắt, người mẹ của 2 cô con gái xấu số cho biết sau sự việc đau lòng, đến nay, phía chủ xe và tài xế chưa một lần đến thăm hỏi, chia sẻ và động viên trước sự mất mát quá lớn của gia đình.
Cả hai vợ chồng chị Chung nhớ con đến nỗi không dám trưng ảnh thờ. “Tối ngủ, vợ hay nằm mơ rồi đánh vào người tôi. Bây giờ cứ phải ôm chặt cô ấy mới ngủ được”, anh Phú trải lòng.
Theo thông tin trên Vietnamnet, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đây là vụ tai nạn thương tâm, gây nhiều bức xúc, thu hút sự chú ý của dư luận nên rất cần lãnh đạo Công an tỉnh có hướng giải quyết nhanh.
"Ngay trong hôm nay, chúng tôi đã yêu cầu Công an thị xã Dĩ An chuyển giao hồ sơ cho công an tỉnh. Thời điểm này chưa thể trả lời được gì về vụ việc. Sau khi có kết quả thẩm định, Công an tỉnh Bình Dương sẽ thông tin cho các cơ quan báo chí” - đại tá Chính khẳng định.
Trong diễn biến liên quan, ông Võ Văn Rơi, Viện trưởng VKSND thị xã Dĩ An (Bình Dương) cũng cho biết, vừa chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên cơ quan cấp trên (VKSND tỉnh Bình Dương) để xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.
Trước đó, khoảng 16h40 chiều 13/2 tài xế Nguyễn Thái Dương (SN 1980, quê Hậu Giang) điều khiển xe khách 29 chỗ BKS: 51B – 176.41 lưu thông tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, hướng từ ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai, TX.Dĩ An về vòng xoay An Phú, TX.Thuận An.
Khi đến ngã năm giao giữa đường Mỹ Phước – Tân Vạn với đường Thanh Niên, đường Cây Da thuộc KP. Tân Phú 2, P.Tân Bình, TX.Dĩ An, xe ô tô do Dương lái va chạm vào đuôi bên phải của ô tô bán tải BKS: 60C – 234.92 của ông Lý Minh Thanh (SN 1964, quê Đồng Nai) điều khiển lưu thông cùng chiều.
Xe của Dương tiếp tục va vào kính chiếu hậu trái của ô tô tải BKS: 60C – 239.93 của ông Vũ Hồng Tâm (SN 1979). Sau đó, ô tô khách của Dương cầm lái lao về phía trước, vào đường Cây Da và tông vào 3 xe gắn máy đang dừng chờ tín hiệu đèn giao thông tại đây.
Ô tô khách của Dương vẫn tiếp tục lao tới, đụng vào 1 xe gắn máy đang lưu thông trên đường. Chiếc ô tô khách “điên” chỉ dừng lại khi đâm vào cột điện, mắc kẹt vào rãnh thoát nước.
Hậu quả của vụ tai nạn làm 2 cháu bé tử vong tại chỗ, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 2007), Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 2015).
2 người bị thương nặng là chị Lê Thị Kim Chung (mẹ của 2 cháu Lan, Nga) và chị Nguyễn Thanh Tâm (30 tuổi, ở thị xã Dĩ An, Bình Dương).
Công an xác định, 3 mẹ con chị Chung bị nạn khi đang điều khiển xe gắn máy dừng đèn tín hiệu giao thông tại vị trí nói trên.
Trao đổi với Zing.vn về vụ việc, luật sư Trần Bá Học, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng dưới bất cứ góc độ nào thì vụ tai nạn giao thông có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết hai người, một người bị thương nặng và thiệt hại nhiều tài sản là bắt buộc phải có yếu tố hình sự.
Trong các vụ án tại nạn giao thông thì có một điều khác so với các vụ án khác là lỗi hỗn hợp. Có nghĩa là thường có nhiều lỗi kết hợp kể cả lỗi từ người điều gây tai nạn, do kỹ thuật kể cả do người bị tai nạn.
Trong vụ tai nạn này, do mất phanh là liên quan đến an toàn kỹ thuật được cho là nguyên nhân trực tiếp. Nếu có là trách nhiệm của chủ xe và cơ quan đăng kiểm đã để tình trạng phương tiện không đảm bảo an toàn lưu thông.
Theo luật sư Học, vấn đề tiếp theo cần phải xác định lỗi không có giấy phép lái xe khi điều khiển. "Tôi cho rằng đây là lỗi cơ bản vì phải phân biệt giữa yếu tố khách quan (mất phanh) và yếu tố chủ quan (điều khiển không có giấy phép) mới nói đến lỗi để khởi tố hình sự chứ nguyên nhân dẫn đến tai nạn là một yếu tố mang tính hệ quả của nhiều lỗi khác nhau (an toàn kỹ thuật, không có giấy phép, chạy quá tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn,...)", ông Học nói.
Vị luật sư nhấn mạnh cần phải hiểu khi một người điều khiển phương tiện giao thông vì sao phải bắt buộc có giấy phép lái xe đủ điều kiện. Với loại xe đó phải giữ khoảng cách bao xa với xe phía trước khi chạy với tốc độ bao nhiêu.
"Cơ quan điều tra cần phải xem xét lại một cách toàn diện vụ án chứ không thể dựa vào một nguyên nhân duy nhất là khách quan do mất phanh để không khởi tố hình sự", luật sư Học đưa ra quan điểm của mình.