Những đứa trẻ từ 12 tháng đến 24 tháng tuổi đã bắt đầu có thể ý thức về việc cất giữ đồ chơi của chúng hay ít nhất là tự dọn đồ chơi cho thật ngăn nắp.
Michele Kambolis-một chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực gia đình và là nhà sáng lập của trung tâm tư vấn Harbourside tại Vancouver, Canada-chia sẻ rằng khoảng 12 tháng tuổi là khoảng thời gian tốt để cho trẻ bắt đầu dọn dẹp đồ chơi.
Ông nói: “Nếu con bạn có khả năng vận động để nhặt đồ chơi và có thể hiểu những gì bạn đang nói, thì hãy khuyến khích trẻ tự dọn đồ chơi càng sớm càng tốt. Nếu bạn bỏ qua giai đoạn này, sẽ khó khăn hơn để dạy chúng những thói quen tốt về sau".
Có thể bạn sẽ phải xếp lại đồ chơi vì con sắp xếp không như ý muốn, nhưng hãy cứ để bé tự làm. Nhưng chỉ cần một chút kiên nhẫn và sự luyện tập chăm chỉ, đứa trẻ sẽ dần dần hình thành được thói quen này.
Dưới đây là những cách dạy con tự dọn dẹp sau khi bày bừa mà không phải la hét, quát mắng:
Đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và dễ làm theo
Ý của bạn là gì khi nói về "dọn dẹp"? Nếu bạn chỉ nói "dọn dẹp" mà không có thêm hướng dẫn, rất có thể là kết cục con bạn sẽ xếp quần áo vào sai ngăn kéo hay để đồ chơi vào dưới gầm giường thay vì bỏ vào hộp đựng. Con sẽ không biết được bạn muốn con làm thế nào nếu bạn không nói và hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Lý tưởng nhất, bố mẹ nên chỉ một lần đưa ra một hướng dẫn đơn giản thôi.
Giới hạn số lượng đồ chơi ở nhà
Có thể hơi khó tin nhưng thực ra trẻ khá dễ dàng trong việc từ bỏ bớt đồ chơi. Hãy thử cân nhắc quyên góp một vài món đồ chơi của con hoặc mang đi cho những đứa trẻ họ hàng khác khi con bạn đã quá tuổi để chơi. Dọn dẹp cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng dễ dàng hơn rất nhiều với số lượng đồ chơi ít hơn.
Dùng tranh để hướng dẫn cách dọn dẹp
Trah ảnh minh họa sinh động sẽ tạo hứng thú cho trẻ hơn và cũng giúp những chỉ dẫn trở nên dễ hiểu hơn. Ví dụ, đối với nhiệm vụ dọn đồ chơi, bố mẹ có thể vẽ hay in ra một bức tranh bao gồm những đồ chơi có trong một giỏ, một thùng và dán bức tranh đó bên ngoài chiếc giỏ, thùng đó. Như vậy, trẻ sẽ dễ dàng biết được nên bỏ đồ chơi nào vào đâu.
Đừng làm lại, sửa lại những gì trẻ vừa làm
Bởi làm như vậy sẽ khiến con nản chí và cảm thấy như những gì mình làm là chưa đủ tốt. Không chỉ thế, trẻ cũng sẽ không học cách làm thế nào mới đúng mà sẽ dựa dẫm, ỷ lại vào bố mẹ vì biết kiểu gì bố mẹ cũng sẽ làm lại, chỉnh lại.
Khiến những nhiệm vụ dọn dẹp trở nên thật thú vị
Dọn dẹp cũng hoàn toàn có thể trở nên thú vị và vui nếu có một vài những thêm thắt nho nhỏ. Một vài phụ huynh gợi ý rằng nghe nhạc khi dọn dẹp hay làm việc nhà có thể cải thiện tâm trạng. Bên cạnh nghe nhạc, bạn cũng có thể tổ chức một màn "tỉ thí" nhảy nhót sau khi làm xong việc. Những thứ đơn giản như vậy có thể cho trẻ một thứ gì đó để trông chờ mỗi khi hoàn thành xong nhiệm vụ.
Trân trọng và thừa nhận những gì trẻ làm được
Hãy thể hiện sự ủng hộ và trân trọng đối với những thành quả của trẻ. Bố mẹ nên cảm ơn con vì những nỗ lực của con thay vì chỉ khen qua loa không thật lòng vì kết quả thực hiện chưa được mỹ mãn. Sau đó, hãy cùng luyện tập nhiệm vụ dọn dẹp lại một lần nữa và đưa ra những gợi ý hữu ích để con cải thiện và tiến bộ hơn vào lần sau. Cũng không kém phần quan trọng là cho con tham gia vào những nhiệm vụ dọn dẹp và làm ngăn nắp của cả nhà để trẻ cảm thấy rằng sự tham gia của chúng cũng rất quan trọng và cần thiết.